ZingTruyen.Store

Thuc Toan Thuc My

88. CANH, SỦI CẢO NHÂN CÁ

Khi đoàn khâm sai thị sát tới gần, Tô Bắc Hải lộ vẻ lo lắng thấy rõ.

Ông ta bắt đầu thường xuyên vời Sư Nhạn Hành đến thảo luận không ngừng, liên tục xác nhận thực đơn cho ngày đầu đón tiếp.

Đoàn khâm sai vừa đi vừa thanh tra, đến mỗi một chỗ đều phải nấn ná mấy ngày, dĩ nhiên cần ăn uống.

Trong khoảng thời gian này, các nha dịch đặc biệt bận rộn, vội vàng giúp Tô Bắc Hải thu thập thông tin từ các nơi.

Ông ta vận dụng gần như tất cả các mối quan hệ có sẵn để tìm hiểu về thực đơn mà các khâm sai đã dùng qua.

Nhờ tham khảo các thực đơn này mà công việc của Sư Nhạn Hành nhẹ nhàng hơn hẳn.

Nàng biến tấu dựa trên những thực đơn đó, soạn thảo ra ba bàn tiệc một lúc, để Tô Bắc Hải tự chọn một bàn tiệc thích hợp nhất.

Trước hôm đoàn khâm sai thị sát đến nơi, Tô Bắc Hải bận đến sứt đầu mẻ trán, còn phần Sư Nhạn Hành thì phải giải quyết một sự kiện khác:

Trường học cho thôn Quách Trương.

Vị Triệu tiên sinh nhiều lần thi không đỗ rốt cuộc vào thành cho câu trả lời.

Kết quả không có gì ngoài ý muốn, sau khi hỏi qua đãi ngộ thì anh ta đồng ý.

Hai bên thống nhất tiền lương cho năm đầu tiên là hai mươi bốn lượng bạc, bao y phục bốn mùa, quà tặng trong ngày lễ không tính.

Tuy không viết xuống là bao ăn nhưng các thôn dân đều rất hiếu khách, đến lúc đó nhà này đưa một chén, nhà kia đưa một thố, phỏng chừng cả gia đình Triệu tiên sinh cũng không mấy khi phải nấu cơm.

Trong thời gian một năm này, Sư Nhạn Hành sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất về quá trình giảng dạy cũng như mức độ hài lòng của dân làng, để quyết định xem nên gia hạn hợp đồng hay tăng lương dựa trên kết quả.

Triệu tiên sinh không có gì phản đối, hai bên ký kết văn bản ngay tại chỗ.

Đóng dấu công văn xong, Triệu tiên sinh thở phào nhẹ nhõm.

Trong suốt một năm tiếp theo, anh ta và gia đình không còn phải lo lắng về kế sinh nhai nữa.

Thời đại này, người không đỗ khoa cử muốn tìm công việc dạy học quả thực không dám tưởng tượng.

Thật là trúng được vận may lớn.

Biết mẫu thân lớn tuổi của Triệu tiên sinh còn đang bệnh, khó tránh khỏi lâm cảnh túng quẫn, có lẽ vẫn còn nợ nần chưa thanh toán, Sư Nhạn Hành trực tiếp ứng trước nửa năm tiền lương, là mười hai lượng bạc.

Triệu tiên sinh vô cùng cảm kích, một khi tâm trạng tốt lên bèn phá lệ nói đùa một câu.

“Sư chưởng quầy hào phóng như thế, chẳng lẽ không sợ tôi cầm bạc chạy trốn à?”

Sư Nhạn Hành cười cười phe phẩy tờ hợp đồng, không nói gì.

Triệu tiên sinh ngẩn ra, gương mặt chợt đỏ lên: “Tôi đùa quá trớn, thật xin lỗi.”

Hai bên đã ký công văn, nếu mình thật sự làm ra chuyện gì không ổn, đối phương có thể đi thẳng tới nha môn cáo trạng, khi đó mình mới thật sự thân bại danh liệt. . .

Hai bên đều rất ăn ý lướt qua lời này không đề cập tới.

Sư Nhạn Hành cho Triệu tiên sinh thời gian về nhà thu dọn hành lý, tạm biệt láng giềng; huống hồ nàng cũng muốn gởi tin về thôn Quách Trương, bèn ước hẹn vài ngày nữa gặp nhau ở Sư Gia Hảo Vị. Đến lúc đó, chị em họ Quách tới giao cải chua và phụ trúc, sẽ nhân tiện đưa cả nhà Triệu tiên sinh về thôn.

Bên kia.

Trong trạm dịch ngoại thành trước khi vào huyện Ngũ Công, Tô Bắc Hải đã phái tâm phúc tới chờ từ sớm.

Hôm nay, gã thuộc hạ nhìn thấy xa xa một đám bụi mù tràn ngập quan đạo, biết có một đội nhân mã đang đến gần, vội vàng phi ngựa tiến tới hỏi thăm, quả nhiên chính là đội ngũ khâm sai.

Gã thuộc hạ khác chờ phía sau thấy đồng bạn đi lâu không trở về, biết ngay là khâm sai tới rồi, lập tức phi ngựa quay về thành báo tin.

Đám người Tô Bắc Hải đã chuẩn bị mấy ngày liền, đang đợi ở cổng thành. Sau khi nhận được tin tức, Tô Bắc Hải nhanh chóng ra lệnh cho mọi người chỉnh lại bộ dáng, yên lặng đứng chờ.

Mặt trời chói chang treo cao, nắng chiếu như lửa đốt, chưa đầy một lát mặt đất đã nóng rực, hơi nóng cuồn cuộn bốc lên ập thẳng vào gò má như ngọn lửa liếm láp.

Tuy mọi người mang dù che nhưng toàn thân giống đang ở trong lồng hấp, không bao lâu, áo trong đã ướt đẫm.

Không một người nào dám động đậy.

Cho dù có chết cũng phải đứng chết ở chỗ này.

Khoảng một khắc trôi qua, mọi người có thể thấy lờ mờ đám bụi tung bay ở con đường phía trước. Có nha dịch trèo lên cây để quan sát đã phất cờ hiệu.

Tô Bắc Hải run lên vì hồi hộp, vội vàng ra lệnh cho mọi người thu lại ô che nắng, chuẩn bị nghênh đón.

Không bao lâu, đội cờ xí của khâm sai xuất hiện trong tầm nhìn, tinh kỳ phấp phới, ngựa xe cuồn cuộn, vô cùng rầm rộ.

Tô Bắc Hải thấy vậy, tâm thần kích động, khó nén sự ngưỡng mộ tự đáy lòng.

Thân mang hoàng mệnh đi khắp nơi, thật quá oai phong!

Đại trượng phu phải như thế.

Khâm sai đi đến đâu là như Hoàng đế đích thân tới, Tô Bắc Hải dẫn đầu chúng quan viên quỳ lạy tung hô một phen.

Khâm sai đi một đường vừa nóng vừa mệt, thấy quan viên huyện Ngũ Công tiếp đón đầy đủ thành ý nên rất hài lòng, nói sơ vài câu liền vào thành.

Chủ quản đội khâm sai gồm ba người, trong đó có vị Trần đại nhân và một vị Tôn đại nhân khác đã có một số bất đồng ý kiến trước khi rời kinh. Sau khi nhận được sự bổ nhiệm, vị đại nhân thứ ba âm thầm than khổ, cảm thấy mình chắc chắn phải bị kẹp ở giữa.

Nhưng ai ngờ sau vài tháng tuần tra, mối quan hệ giữa hai người lại có những bước tiến nhảy vọt một cách kỳ diệu.

Chính vì mọi người cùng đồng cam cộng khổ suốt quãng đường, còn phải cùng nhau đấu trí đấu dũng với quan viên địa phương, rất giống tình trạng anh em cùng cảnh ngộ.

Hiện giờ đang là mùa hè nóng bức, Tôn đại nhân xuất thân từ vùng duyên hải bắc bộ khó tránh khỏi chịu không nổi, vừa lau mồ hôi vừa trêu chọc: “Trần đại nhân là người Quảng Đông, nơi đó hàng năm nóng ẩm, sao nhìn không hề nhẹ nhàng hơn bao nhiêu so với hạ quan?”

Trần đại nhân mập mạp, làn da vốn trắng nõn nhưng bị phơi nắng vài tháng đã thành ông mập đen nhẻm.

Ông ta nghe vậy cũng không giận: “Ây dà, lời này sai rồi! Cái nóng ở mỗi nơi khác nhau, cố hương của bản quan là nóng ẩm, nơi đây là nóng khô. . .”

Xét đến cùng là không hợp khí hậu, nóng trong ngươi! Dễ nổi hoả!

Tôn đại nhân kia nghe xong, cùng một vị quan khác cười ồ.

Mấy người đến từ những nơi khác nhau, có thói quen sinh hoạt khác nhau. Mặc dù lúc đầu gặp nhau khó tránh khỏi gập ghềnh, nhưng sau một thời gian, mọi chuyện trở nên thú vị hơn.

Chỗ ở trong nha môn đã chuẩn bị thỏa đáng, ba vị đại nhân đi một đường tới đây đã ở lại nhiều nơi, trận gì mà chưa thấy qua nên cũng không để ý. Từng người đi rửa mặt, thay y phục nhẹ nhàng rồi đến phòng khách tập hợp.

Thời tiết nóng bức, mọi người vừa đi đường mệt nhọc, khó tránh khỏi uể oải không thiết ăn uống.

Ai ngờ mới ngồi xuống, Trần đại nhân thấy giữa bàn là một thố canh, còn là canh rong biển sườn heo.

“Ồ.” Ông ta vừa than quá nóng không có khẩu vị đột nhiên lại cảm thấy thèm ăn.

Sau khi biết được quê quán của ba vị đại nhân, Sư Nhạn Hành bèn nghĩ đến canh và món ăn Quảng Đông.

Không riêng món ăn Quảng Đông mà khá nhiều món ăn nổi tiếng đã được các thế hệ sau cải tiến hoặc thậm chí đổi mới; đã vậy Đại Lộc còn là một triều đại không tồn tại trong lịch sử chính thức, cho nên Sư Nhạn Hành cũng không biết rõ hiện tại khu vực Lưỡng Quảng đang lưu hành món ăn gì.

Tuy nhiên, thói quen ăn uống của người dân có liên quan mật thiết đến khí hậu và môi trường địa phương. Khí hậu và địa hình của Quảng Đông thời Đại Lộc gần giống như đời sau, vì vậy Sư Nhạn Hành đi đến kết luận, sở thích chung của vị Trần đại nhân này không khác lắm với những gì nàng biết.

Tạm thời không đề cập tới những món ăn riêng lẻ, người Quảng Đông còn nổi tiếng vì yêu thích món canh.

Xét thấy ngày hè đổ mồ hôi nhiều, các vị khâm sai tất nhiên rất khát và cần khẩn cấp bù vào lượng nước cho cơ thể, Sư Nhạn Hành quyết định phục vụ món canh rong biển và sườn heo, nghe nói rất bổ trung ích khí, thanh nhiệt giải độc.

Thật ra còn có rất nhiều món canh càng nổi danh càng kinh điển hơn, tỷ như canh dạ dày, canh móng hoa, vân vân.

Nhưng ở thời cổ đại, thịt lợn đã rẻ, nội tạng và móng giò lại càng rẻ hơn, ngay cả bản thân Tô Bắc Hải cũng không rõ tâm tư của vị Trần đại nhân này nên không dám liều lĩnh.

Nhìn thấy món canh thơm ngon giống hương vị quê hương, Trần đại nhân không khỏi cảm thấy vui mừng, tuy không hiện ra trên nét mặt nhưng tốc độ húp canh đã nói lên tất cả.

Tô Bắc Hải ở bên cạnh nhìn thấy vậy, trong lòng đã yên tâm.

Thành thật mà nói, ông không quen ăn món canh này.

Mùi vị rong biển quá tanh đối với cảm nhận của ông, đã vậy còn nấu với sườn heo, thấy nó quái đị thế nào đấy!

Thay vì món canh này, Tô Bắc Hải thà ôm một nồi bánh canh cải thảo!

Nhưng thấy Trần đại nhân rất thích, Tô Bắc Hải cũng cắn răng ăn một chén.

Trần đại nhân thấy thế cho rằng gặp được người cùng sở thích, cười ha hả nói: “Không ngờ Tô đại nhân cũng thích món này.”

Tô Bắc Hải vốn không mê thuỷ sản, lúc này tống vào miệng một chén canh rong biển, cảm thấy hốc mắt lỗ mũi đều ngập mùi tanh, thế mà gương mặt vẫn phải làm ra vẻ sung sướng: “À vâng, canh này vị ngọt thanh, lại tốt cho sức khỏe, hạ quan thích lắm ạ.”

Trần đại nhân gật đầu lia lịa, ngắm nghía gương mặt Tô Bắc Hải một hồi rồi nghiêm nghị nói: “Bản quan thấy sắc mặt ngươi ám đen, chắc hẳn trong cơ thể có hơi ẩm, ăn nhiều canh này vô cùng hữu ích.”

Tô Bắc Hải: “. . .”

Ngài muốn nghe bản thân đang ăn nói khùng điên gì không?

Tốt xấu gì ta chỉ bị cháy nắng đến nỗi tóc hoe vàng mà thôi, nhưng toàn thân ngài đã biến thành cây cột đen tỏa sáng! Rốt cuộc là ai ám hơn ai?

Một vị Tôn đại nhân khác bật cười, nửa vui đùa nửa nghiêm túc nói: “Đúng là Trần đại nhân, hiện giờ y thuật càng tốt hơn!”

Trần đại nhân rất thích thực hành phương pháp khử nhiệt khử ẩm, còn thường xuyên lôi kéo người chung quanh làm cùng. Mọi người không lay chuyển được đành phải nhắm mắt nhắm mũi mà theo, khi linh nghiệm khi không.

Mỗi khi linh nghiệm, Trần đại nhân cực kỳ đắc ý.

Nếu không linh nghiệm, ông ta bèn chơi tình lờ.

Mọi người bắt đầu nói chuyện và cười đùa.

Sau ba chầu rượu, đồ ăn lần lượt lên bàn.

Có nha hoàn xướng tên từng món ăn. Tôn đại nhân vừa nghe có món sủi cảo nhân cá, ngạc nhiên quá vội gắp một cái ăn thử.

Quả nhiên là nhân cá!

Lớp vỏ hơi mỏng nhưng rất dẻo dai, tạo thành hình nén bạc phình phình, bên trong nhét đầy thịt cá trắng như tuyết đi kèm với rau hẹ giòn mềm, thơm ngon mọng nước.

Tôn đại nhân ăn liền mấy cái, thấy trong miệng tràn ngập vị ngọt, cảm giác mệt mỏi sau chuyến hành trình dường như tan biến.

Chỉ là một đĩa sủi cảo nhưng lại vô tình chạm vào ký ức, khiến Tôn đại nhân có được cảm xúc hiếm có.

Ông sinh ra ở một làng chài Bắc bộ, khi còn bé gia đình rất nghèo, một ngày ba bữa không có món gì khác ngoài cá kho.

Mặc dù ngày lễ ngày tết được ăn một bữa bánh bao sủi cảo thì nhân đều là các loại thuỷ sản.

Ăn thịt no lâu, thiếu niên choai choai đặc biệt đói nhanh.

Thậm chí nằm mơ cũng thấy mình được ăn một bữa thịt no nê.

Cảm giác đó sẽ như thế nào nhỉ?

Chỉ tưởng tượng vậy thôi mà nước miếng đã ứa ra đầy miệng.

Tuổi thơ của Tôn đại nhân tràn ngập mùi tanh, thỉnh thoảng theo cha vào thành bán hàng cũng bị người bịt mũi cười nhạo tên đánh cá tanh tưởi.

Ông từng căm hận mùi tanh dai dẳng của biển, càng căm hận những bữa cá dường như vĩnh viễn không bao giờ kết thúc!

Ông cảm thấy hổ thẹn.

Lúc ấy ông đã nghĩ, nếu ngày sau phát đạt thì suốt cuộc đời sẽ không bao giờ ăn cá nữa!

Dẫu có người dâng đến trước mặt, khẩn cầu ông thì ông cũng không ăn!

Sau đó phụ thân ra biển mò mẫm được trân châu lớn và lén lút đổi tiền. Đúng như dự đoán, ông trở nên phát đạt.

Sau đó, gia đình Tôn đại nhân chuyển đến thành phố, có được cuộc sống mà họ tha thiết mơ ước, rời xa làng chài, không bao giờ ăn cá nữa.

Heo phì vịt béo đã từng là mơ ước xa xôi không thể với tới thì nay trở thành khách quen trên bàn cơm. Dẫu không phải ngày lễ ngày tết mà mọi người vẫn có thể tha hồ ăn bánh bao sủi cảo bột mì trắng nhân thịt trứng.

Ấy vậy mà không biết vì sao, ông lại dần dần bắt đầu hoài niệm những hương vị cũ.

Nhưng bây giờ, song thân của ông đã cưỡi hạc về Tây, không còn người nào làm cho ông món cá kho mềm rục hay món mắm tôm ninh nhừ đến mức không còn nhìn ra hình dáng ban đầu.

Tôn đại nhân rốt cuộc thực hiện được lời thề thuở nhỏ:

Cuộc sống của ông không còn tràn ngập mùi cá tanh.

Nhưng ngẫu nhiên đêm khuya tỉnh mộng, ông vẫn chưa cảm nhận được niềm hạnh phúc như mình đã từng tưởng tượng.

Ngay lúc đó, Tôn đại nhân đã cười nhạo bản thân làm ra vẻ, nhưng về sau, một câu nói của phu nhân đã bất ngờ đánh thức ông.

“Chắc hẳn lão gia đang nhớ nhà.”

Tôn đại nhân bừng tỉnh ngộ ra.

Ừ nhỉ, quả thật ta đang nhớ nhà!

Nhớ ngôi nhà nhỏ rách nát khi cha mẹ còn sống trên đời.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Store