Song Gio Thai Binh Duong Ung Thanh Ha
Sau mối hận Trân Châu Cảng , Tổng Thống Roosevelt cứ thắt thẻo trong lòng một mối hờn căm không tài nào nguôi ngoai được . Ông quyết định bằng bất cứ giá nào cũng phải trả đũa . Mà trả đũa bằng cách nào đây , đánh bom vào đất địch ư ? Ừ , phải lấy bom mà trả bằng bom mới có thể nguôi được mối hận lòng này . Nhìn vào bản đồ , nhìn vào dãy đảo cô đơn ngoài khơi Thái Bình Dương nghìn trùng xa cách ấy Roosevelt lắc đầu chán ngán , dù có nằm mơ cũng không thể nào thực hiện một cuộc không tập vào đất Nhật được . Sau nhiều đêm dài suy nghĩ , rốt cuộc chẳng được một cách nào gọi là khả dĩ , Roosevelt bèn đem nỗi khổ tâm của mình mà bàn với Đô đốc King .. King gật đầu khi hiểu rõ ý định của Tổng thống , ông nói nếu chỉ là một cuộc không tập để gây tiếng vang chớ không nhất thiết phá hoại một mục tiêu nào thì rất dễ dàng , để ông về bàn lại rồi sẽ trình bày với Tổng thống những kế hoạch cụ thể sau . Bây giờ đã là thượng tuần của tháng 03 , hai mươi bốn phi công ở căn cứ Eglin Field , Florida đang ngày đêm thao luyện . Họ cố gắng phải làm sao để nâng chiếc phi cơ hai động cơ B-25 lên khỏi phi đạo thật ngắn của mẫu hạm mà không phạm phải một trục trặc kỷ thuật nào . Trung tá Doolittle , người lập thành tích bất khả là bay xuyên lục địa Hoa Kỳ trong vòng 12 tiếng và đáp an toàn trong đêm tối không đèn đuốc trăng sao , được chỉ định chỉ huy phi đội đầy mạo hiểm này . Ngày 01 tháng 04 , sau một thời gian tập dượt , 16 trong số 24 phi công được chọn và chuyển thẳng đến chiếc mẫu hạm Hornet đang bỏ neo tại căn cứ Alameda thuộc bang California . Sáng hôm sau , chờ cho tất cả ăn sáng xong , Doolittle mời tất cả vào một căn phòng kín và ở đây ông mới tiết lộ cho họ biết đây là cuộc chuyến công tác đầy phiêu lưu mạo hiểm . Với một phi đội gồm 16 phi cơ tham dự , 13 chiếc thẳng vào mục tiêu chính là Đông Kinh , thủ đô của Nhật Bản ; 3 phi cơ còn lại chia nhau đánh vào 3 thành phố Nagoya , Osaka và Kobe . Doolittle kết luận “Hải quân sẽ cố gắng đưa chúng ta đến thật gần lãnh hải Nhật Bản , để từ đó mình cùng cất cánh tiến thẳng vào mục tiêu . Các anh nên nhớ là họ chỉ đưa chúng ta đến mà thôi . Như vậy có nghĩa trên đoạn đường rút lui chúng ta phải hướng về phía Trung Hoa lục địa , nơi ấy sẽ có rất nhiều cánh đồng trống rất thuận tiện cho phi cơ hạ cánh . Bây giờ các anh đã biết nhiệm vụ này rất nguy hiểm . Đi thì dễ nhưng lại khó về , nếu anh nào muốn rút lui thì cứ việc lên tiếng” . Và chẳng một ai có ý kiến gì cả . Trưa hôm ấy chiếc mẫu hạm Hornet với 16 oanh tạc cơ B-25 sắp thành hàng dọc trên boong nhổ neo từ từ hướng ra cửa biển với một đoàn hộ tống là một tuần dương hạm nặng , một tuần dương hạm nhẹ , bốn khu trục hạm và một tàu chở dầu . Mẫu hạm Hornet là chiếc mới nhất và đã qua thời gian chạy thử sau nhiều thay đổi . Chuyến đi này là một cơ hội rất tốt để thử thách sức chịu đựng của nó . Mười sáu chàng phi công can trường cùng một hạm đội hùng hậu từ từ lướt qua khỏi cây cầu treo Golden Gate . Họ ra khơi cho một sứ mệnh bí mật đặc biệt dưới sự chứng kiến của hàng ngàn cặp mắt tò mò chung quanh . Chiếc Hornet thẳng đến một điểm hẹn và ngày 08 tháng 04 họ đã gặp nhau , lực lượng đặc nhiệm chung quanh chiếc mẫu hạm Enterprise do Phó Đô đốc Halsey chỉ huy sẽ hộ tống nó cho đến cách bờ biển Nhật Bản 700 cây số và sau đó lại đưa ngược trở về hải cảng sau khi phóng các phi cơ lên không . Phía Nhật Bản thì dĩ nhiên là chẳng hay biết gì cả , cho đến hai hôm sau tức là ngày 10 tháng 04 khi một âm thoại viên của hạm đội liên hợp tình cờ bắt được tín hiệu liên lạc giữa Trân Châu Cảng và hạm đội đặc nhiệm (của mẫu hạm Hornet) . Họ suy luận rằng nếu hạm đội Hoa Kỳ vẫn còn tiến sâu về hướng Tây thì tất nhiên Đông Kinh sẽ bị tấn công . Bởi vì lúc này hạm đội Hoa Kỳ vẫn còn cách xa khoảng 700 dặm nên Nhật vẫn để yên chỉ ngầm theo dõi , vì theo họ nghĩ , với tầm hoạt động của phi cơ phóng lên từ mẫu hạm ít nhất cũng cần phải gần mục tiêu phóng khoảng 400 dặm nghĩa là còn cả 300 dặm đường nữa nên chẳng vọng động vội , chỉ chờ khi nào chúng sắp cất cánh mới phát lệnh báo động cũng chưa muộn . Cách suy diễn của họ rất chính xác nhưng rất tiếc một điều mà họ không thể ngờ : loại oanh tạc cơ B-25 không giống như loại phi cơ thường của mẫu hạm , nó có thể phóng lên ở khoảng cách 500 dặm thay vì 400 như họ suy tưởng . Ngày 13 tháng 04 , hai hạm đội của Hornet và Enterprise cùng hợp nhất lại với nhau dàn thành một đội hình vững chãi , sẳn sàng lâm trận rồi nhắm hướng Đông Kinh rẽ sóng lướt tới .Từ bây giờ hai hạm đội này được gọi chung bằng một tên gọi : Lực lượng đặc nhiệm số mười sáu . Bên trong chiếc mẫu hạm Hornet , mọi người bu quanh lấy 16 chàng phi công đang chuẩn bị dấn thân vào nguy hiểm . Khi có người đặt ra câu hỏi “Bạn sẽ hành động ra sao trong trường hợp máy bay bị đánh rơi ngay trên đất địch ?” . Doolittle , chỉ huy trưởng phi đội cảm tử thẳng thắn trả lời rằng ông sẽ không bao giờ để mình trở thành tù binh của họ “Tôi đã 46 tuổi rồi thì còn gì mà mơ ước nữa . Cuộc đời của tôi cũng đã quá đủ đầy và hạnh phúc lắm rồi”. Khoảng 3 giờ sáng hôm sau , khi lực lượng đặc nhiệm 16 còn cách mục tiêu chừng 700 dặm thì có cơ may bị địch phát giác . Ra-đa trên mẫu hạm Enterprise vừa khám phá ra hai tàu của địch xuất hiện cách họ khoảng 12 dặm . Lệnh báo động cho toàn hạm đội và họ đồng chuyển hướng đi lệch theo một hướng khác . Nửa tiếng đồng hồ im lặng trôi qua và mọi người ai nấy đều hồi hộp căng thẳng . Nhưng cuối cùng rồi cũng chẳng có gì xảy đến , lực lượng đặc nhiệm 16 trở lại với phương hướng cũ mà tiến tới . Càng về sáng thời tiết càng trở nên xấu đi , sóng gió nổi lên kinh khiếp khiến những chiến hạm to đùng cũng bị chao động nhấp nhô . Trước lúc bình minh ló dạng , ba chiếc phi cơ thám thính được lệnh cất cánh khỏi mẫu hạm Enterprise bay đi thăm dò trong phạm vi 200 dặm phía trước . Một phi công phóng tầm nhìn ra xa , dưới những cụm mây đen dày đặc ẩn hiện một chiếc tàu tuần duyên đang di chuyển chầm chậm . Anh cho phi cơ quay lại mẫu hạm và báo cáo “Tàu địch xuất hiện ở vĩ độ 36-04 Bắc – Vị trí phương hướng 276 độ khoảng 42 dặm . Rất có thể địch đã phát giác chúng ta” . Đô đốc Halsey thận trọng truyền lệnh cho tất cả sẳn sàng ứng chiến và chỉ trong một tiếng đồng hồ sau , từ trên mẫu hạm Hornet , vị chỉ huy trưởng đã nhìn thấy rõ chiếc tàu tuần duyên xuất hiện ở ngay phía trước . Đó là tàu tuần loại nhỏ mang số thứ tự 23 thuộc hạm đội Nitto-maru , thủy thủ trên tàu đã bắt đầu gửi báo cáo về bộ chỉ huy rằng vừa phát giác ra 3 mẫu hạm địch xuất hiện cách Đông Kinh 700 dặm . Trong khi ấy Đô đốc Halsey ra lệnh phải đánh chìm ngay tàu tuần duyên này và gửi ngay một điện văn khẩn sang mẫu hạm Hornet hạ lệnh cho phi đội của trung tá Doolittle phải lập tức cất cánh ngay mặc dù vẫn chưa đến mục tiêu ấn định . Lệnh xuất phát đến bất thình lình khiến cho những phi công mang nhiệm vụ ngớ ngẫn ra một phút . Họ thầm nghĩ sự thay đổi đột ngột này sẽ mang lại hậu quả tai hại , cơ hội thành công và thoát hiểm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu không muốn nói là quá mạo hiểm . Vì theo như kế hoạch đã vẽ ra rất tỉ mỉ , được tính toán bằng từng dặm đường bay và từng ga-lon xăng được xử dụng . Và bây giờ bỗng dưng cất cánh sớm hơn dự liệu , nghĩa là đường bay của họ phải cộng thêm vào 150 dặm nữa . Quan trọng hơn là yếu tố đánh bất ngờ gây hoang mang cho địch sẽ không còn nữa khi phi cơ của họ xuất hiện trên bầu trời Đông Kinh khi mặt trời chưa khuất dạng . Nghĩ đến đó thì hầu hết các phi công đều tỏ vẻ do dự không còn náo nức hăm hở như trước , thậm chí còn có một anh phi công đề nghị sẽ trả 150 đô la cho bất cứ ai muốn thay thế anh trong nhiệm vụ quá nguy hiểm này . Tất cả 16 chiếc oanh tạc cơ B-25 chuẩn bị cất cánh . Trên mỗi oanh tạc cơ gồm có một phi công chánh và 4 phi hành đoàn . Họ đều được trang bị thêm cho mỗi phi cơ 10 thùng xăng , mỗi thùng chứa được 5 ga-lon . Chiếc oanh tạc cơ của trung tá Doolittle rầm rú động cơ lăn bánh theo lằn sơn trắng trên nền phi đạo ngắn của mẫu hạm . Hai cánh dài của nó xòe ra chiếm lấy một khoảng sàn tàu , những quả bom đen sì nặng trĩu đeo cứng phía dưới càng làm cho hình thù của chiếc phi cơ thêm phần oai vệ kiêu dũng làm sao . Tiếng động cơ càng lúc càng rú mạnh tưởng chừng như nó sắp nổ tung ra và thoáng một cái nó đã lướt nhẹ trên một phi đạo không đầy 150 mét . Mọi người nín thở để theo dõi những giây phút sinh tử , liệu một khối sắt cồng kềnh này có thể cất nỗi lên hay không với một đoạn ngắn phi đạo ấy ? Và trung tá Doolittle đã tiên phong trả lời cho họ . Chiếc B-25 nhẹ nhàng cất cánh , nó đảo nghiêng một vòng quanh chiếc mẫu hạm Hornet như chào từ giả rồi nhắm hướng Đông Kinh lao đi vun vút trong khi những phi cơ khác cũng lần lượt tiến ra phi đạo để cất cánh . Bấy giờ là 7:20 sáng giờ Đông Kinh . Từ trên đài chỉ huy chiếc Enterprise, Đô đốc Halsey đưa mắt nhìn theo một lát rồi ra lệnh cho hạm đội mở hết tốc độ quay trở về Trân Châu Cảng, vì lúc bấy giờ hạm đội đang ở sâu quá trong vòng bán kín hoạt động của các thuỷ phi cơ thám sát thuộc hải quân Nhật . Trong khi ấy tại Bộ tư lệnh Hải quân Nhật cũng nhận được tín hiệu báo động của chiếc tàu tuần duyên là Đông Kinh có khả năng bị địch tấn công bằng phi cơ . Có lẽ vì khoảng cách xa quá nên tín hiệu nhận được khá mơ hồ khiến cho các sĩ quan có trách nhiệm cảm thấy không đáng tin cậy nên không cho báo động ngay đến lực lượng không quân khác mà chỉ âm thầm lo xúc tiến nghênh địch . Chín mươi chiến đấu cơ và 116 oanh tạc cơ đã sẳn sàng , Phó Đô đốc Nobutake Kondo được lệnh chỉ huy một hạm đội hùng hậu gồm 6 tuần dương hạm hạng nặng và 10 khu trục hạm lập tức rời căn cứ Yokosuka để ra khơi ngăn giặc . Lúc 9:45 một phi cơ tuần tiểu báo cáo phát giác một oanh tạc cơ hai động cơ đang tiến về phía Tây cách bờ biển 600 dặm . Không một ai để mắt vào bản báo cáo này vì họ cho rằng quá vô lý , mẫu hạm Hoa kỳ làm gì có loại phi cơ hai động cơ mà tin chứ ! Nếu quả thật họ tấn công thì sớm lắm cũng phải đợi đến sáng sớm ngày mai , vì lúc này các mẫu hạm địch còn rất xa đất liền . Sở dĩ những sĩ quan tham mưu Hải quân này tỏ ra quá khinh suất chỉ vì họ không thể ngờ rằng Hoa Kỳ cho sử dụng loại oanh tạc cơ B-25 để tấn công Đông Kinh , đây là một loại phi cơ hai động cơ còn rất mới chưa hề có mặt ở chiến trường Thái Bình Dương , nó có thể phóng lên khỏi mẫu hạm khi còn cách đất liền 500 dặm thay vì 300 dặm như những loại phi cơ thường mà họ đã biết qua . Chẳng biết đây có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không , khi chiếc oanh tạc cơ B-25 cuối cùng rời mẫu hạm Hornet để hướng về mục tiêu là thủ đô Đông kinh thì tại đây chính quyền địa phương đang cho hụ còi báo động giả , tập cho dân chúng thủ đô làm quen với không khí chiến tranh . Tiếng còi hụ inh ỏi đó đây và những quân nhân có nhiệm vụ chạy tới chạy lui hối dân chúng chạy vào những hầm hố gần đó . Mặc dù là vậy nhưng người dân Đông Kinh dường như không còn để ý đến chúng nữa , họ thản nhiên như chẳng có gì xảy ra và đứng tản mác để nhìn những nhân viên cứu hỏa đang vác đồ nghề chạy tới chạy lui có vẻ như thật . Đến trưa thì lệnh báo động giả cũng đã qua và tiếng còi đinh tai nhức óc đã im bặt nhường lại cho cái thế giới sinh hoạt thường nhật cho mọi người . Những cái bong bóng phòng không cũng được hạ xuống , vài chiếc chiến đấu cơ vẫn còn nán lại trên bầu trời , chúng lượn quanh thành phố một cách uễ oải lười biếng . Đó là một ngày thứ Bảy đẹp trời , nắng ấm chan hòa khiến mọi người cũng cảm thấy hân hoan dễ chịu . Đường phố bắt đầu nhộn nhịp trở lại , người mua sắm kẻ tìm vui khiến khung cảnh càng thêm ồn ào huyên náo . Lúc bấy giờ thì phi cơ của trung tá Doolittle đã tiến vào bờ biển chỉ còn cách Đông Kinh khoảng 8 dặm . Phi cơ phía sau ông , hoa tiêu Carl Wildner bắt đầu để ý tìm xem có phi cơ địch xuất hiện , nhưng sau một lúc chẳng phát giác ra gì cả ngoài vài chiếc phi cơ tập trận của không quân Nhật đang nhào lộn phía xa xa . Khi bay qua khu ngoại ô thành phố , từ trên cao độ vừa phải ông còn nhìn thấy cảnh dân cư phía dưới vẫn sinh hoạt như bình thường . Nghĩ rằng Đông Kinh vẫn chưa biết sự xuất hiện của 16 oanh tạc cơ Hoa Kỳ trên bầu trời của họ nên Wildner hoan hỉ vô cùng , ông hạ thấp phi cơ để quan sát rõ hơn , khi lướt qua một doanh trại bộ binh Nhật , một nhóm sĩ quan đang đứng tụm năm tụm ba trên sân bù khú bàn chuyện , khi nhìn thấy phi cơ lạ bay lướt qua đầu thì họ lại chỉ trỏ bàn tán coi có vẻ kinh ngạc lắm . Cũng thêm một sự tình cờ oái oăm khác , giữa lúc những tiếng phi cơ lạ gào thét trên nền trời Đông Kinh thì một chiếc phi cơ dân sự xuất hiện . Trên đó gồm những sĩ quan đầu não của Nhật Bản đang trên đường về sau chuyến công du ngắn . Chiếc phi cơ của họ từ từ hạ cánh đáp xuống giữa những tiếng gào thét rền trời của phi đội Doolittle . Sáng hôm ấy Thủ tướng Tojo cũng được báo động cho tin rằng một phi đội địch xuất hiện cách bờ biển không xa nhưng ông lại không tin , vẫn cùng đoàn tùy tùng dùng phi cơ dân sự đi thanh tra trường Không quân Mito . Lúc phi cơ của ông đang hạ cánh đáp xuống thì phía bên cánh phải bỗng thình lình xuất hiện một phi cơ hai động cơ trông rất lạ mắt . Đại tá Nishiura , thư ký chánh văn phòng của Tojo cứ nhìn chầm chập vào chiếc phi cơ quân sự lạ lùng ấy . Đến lúc khoảng cách của họ càng gần thì ông trông thấy rõ diện mạo của viên phi công điều khiển chiếc phi cơ ấy , Nishiura chợt thét lên trong kinh hoàng “Tụi nó là không quân Mỹ đây mà !” . Phi đội của Doolittle vào đến mục tiêu đúng 12:30 . Fred Braemer trút một quả bom đầu tiên trên đất địch , rồi tuần tự phi đội đồng loạt thả bom . Tiếng phi cơ rít vang trời cộng thêm tiếng bom nổ chói đất . Không một phi cơ địch xuất hiện trên bầu trời Đông Kinh và cũng chẳng có một ổ phòng không nào nhả đạn . Trừ những người có mặt ở hiện trường đã chứng kiến tận mắt cảnh tượng sửng sốt đến kinh hoàng kia , hầu hết dân chúng ở Đông Kinh đều cho rằng đấy chỉ là những màn tập trận giả hoặc biểu dương sức mạnh của không quân Nhật Bản mà thôi . Học sinh tập tụ trong khuôn viên sân trường và khách bộ hành đứng dạt theo hai bên đường phố mĩm cười đưa tay vẫy chào mỗi khi có phi cơ lướt ngang qua đầu . Và có một ai đó chợt giật nẫy mình mắt mở to miệng hả rộng nhưng không thốt nên lời khi kịp nhận ra lá cờ sơn trên thân phi cơ là cờ Hoa Kỳ , cờ của một kẻ địch lợi hại bên kia bờ Thái Bình Dương . Phi đội Doolittle vượt qua khỏi vùng trời Hoàng Cung nhưng không một quả bom nào rơi xuống . Đó là lệnh , mục tiêu đánh bom có thể là bất cứ chỗ nào nhưng trừ ra Hoàng Cung , trường học và bệnh viện . Tại Câu lạc bộ Hải quân và Lục quân , Hạm trưởng Tomioka và Đại tá Hattori đang dùng bửa trưa . Họ đang bàn bạc về việc tiến chiếm quần đảo Midway , một kế hoạch mà cả hai đều có ý chống đối . Chợt tiếng bom nổ vang rền khiến câu chuyện của họ bị đứt ngang . Hạm trưởng Tomioka kêu lên “Tuyệt diệu ! Bọn giặc này đến từ hàng không mẫu hạm . Nếu hạm đội Hoa Kỳ đã tới gần như thế thì Hải quân ta phải đánh một trận quyết định trên vùng biển nhà !” Nhưng coi ra khả năng này không bao giờ xảy đến cho Yamamoto , một vị Đô đốc lừng danh vốn quá hăm hở tiến chiếm Midway . Tin thủ đô bị phi cơ Hoa Kỳ đánh bom đã làm cho ông bực tức không bút mực nào tả xiết đến nỗi giao khoán cả hạm đội liên hợp cho Tham mưu trưởng của mình là Ugaki , để mặc cho ông ta điều động đuổi bắt hạm đội Hoa Kỳ , còn mình thì cứ nằm dài trong phòng riêng từ chối không tiếp bất cứ ai . Đây là lần đầu tiên người ta chứng kiến vị Đô đốc đầy huyền thoại bị nằm trong một tình trạng suy nhược và chán nản đến thế . Nói về Đô đốc Ugaki lãnh lệnh ra khơi truy tìm tung tích địch , nhưng lệnh thì lệnh chứ ông có biết hạm đội địch xuất hiện ở đâu mà tìm . Và khi hạm đội liên hợp vừa rời bến xuất phát thì Lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ đã vượt hơn nửa đoạn hành trình về lại Trân Châu Cảng . Phi vụ hoàn thành tốt đẹp không một tổn thất . 16 oanh tạc cơ đã trút hết những quả bom còn lại trên phi cơ và vội vã bay đi không cần biết đến kết quả . Bây giờ trên đường về là lúc họ phải đối diện với những khó khăn nguy hiểm trước mắt . Số xăng còn lại không cho phép họ bay đi quá xa , điểm hạ cánh gần nhất chỉ là các phi trường ở Trung Hoa . Vì đây là một phi vụ đặc biệt nên phải giữ tuyệt mật nên chính quyền Tưởng Giới Thạch cũng chẳng hay biết gì cả , bởi vậy điểm đáp không được nghiên cứu kỹ và dĩ nhiên là những phi trường nầy chẳng có ai dùng tín hiệu hướng dẫn phi đội của Doolittle đáp an toàn . Kết quả thật thê thảm. Ngay khi bay đến được bờ biển, các phi công nhận thấy rằng tìm một phi trường để đáp trong bóng tối là một điều gần như không thể được. Doolittle và phi hành đoàn, chiếc đầu tiên, nêu gương, và nhảy dù ra khỏi phi cơ. Họ được phi hành đoàn 9 chiếc khác bắt chước ngay, 50 chiếc dù mở ra trong đêm tối, một chiếc bị tréo dây làm cho một quân nhân thiệt mạng. Các chiếc B-25 khác toan tính đáp xuống đất ngay khi họ lờ mờ phân biệt được hình dáng bờ biển, và họ đã gặp nhiều hoàn cảnh bất ngờ khác nhau. Một chiếc rơi xuống biển nhưng khá gần bờ nên phi công và phi hành đoàn bơi vào bờ được. Một chiếc khác lật úp trong ruộng lúa , may thay không bị thiệt hại nhiều. Chiếc thứ ba có số phận bi thảm hơn: đâm xuống một giải cát và tất cả phi hành đoàn đều bị thương ít nhiều. Trong số ba chiếc còn lại, một chiếc bay hướng về Mãn Châu và đáp xuống được cách Vladivostok 35 cây số. Hai chiếc khác rơi và giữa vùng bị Nhật kiểm soát. Trong số 10 nhân viên phi hành , hai người bị chết đuối trong khi cố gắng thoát ra khỏi phi cơ, 8 người khác bị bắt ngay. Bị kết án là đã oanh tạc vào vị trí không có tính cách quân sự, họ bị mang ra xét xử. Hai sĩ quan và một trung sĩ bị tử hình và bị treo cổ sau khi bị tra tấn, năm người bị đưa vào trại tập trung trong đó một người bị chết cùng ngày vì quá kiệt sức. Nhờ may mắn lạ kỳ, phần đông các phi công khác đều sống sót sau cuộc phiêu lưu kinh hồn. Nhờ sự tận tuỵ của nông dân Trung Hoa đến đón, họ thoát khỏi các đoàn tuần tiễu Nhật, và đến được Trùng Khánh sau không biết cơ man nào là nghịch cảnh. Sau nhiều tháng lo âu chờ đợi người ta được biết rằng trong số 80 nhân viên phi hành của chiếc Hornet chỉ có 8 tử trận hay bị mất tích. Rõ ràng đấy là một tỷ lệ nhỏ bé so với một cuộc đột kích táo bạo nhất trong lịch sử. Nhưng không có một chiếc B-25 nào kịp thời được thu hồi lại cả . Tin Đông kinh bị không tập đến tai Tổng Thống Roosevelt không đầy một tiếng đồng hồ sau . Ông vỗ đùi cười khoái chí “Phen này cho bọn Đông kinh biết thế nào là cái đau của kẻ bị đánh , có như thế mới gọi là có qua có lại mới toại lòng nhau đây” . Kết quả đầu tiên của vụ đột kích Doolittle là đặt lại trên bàn hội nghị của Tổng hành dinh Thiên hoàng vấn đề vòng đai chu vi Đại Đông Á còn bỏ dở dang. Sau cuộc nghiên cứu các B-25 mà những mảnh vụn được tìm thấy tại Trung Hoa, họ phải chấp nhận một sự thật hiển nhiên: các phi cơ này cất cánh từ trên một hàng không mẫu hạm. Chứng cớ cho thấy rằng quần đảo Nhật bị bỏ trống trải trên các mạn sườn phía bắc và phía đông. Một lần nữa Yamamoto đã thấy đúng. Cần phải áp dụng kế hoạch tấn công Midway của ông để ngăn không cho Thiên hoàng bị xúc phạm theo kiểu này một lần nữa . Đến lúc này thì Nagano không còn gì để bàn bạc nữa , ông chấp thuận kế hoạch của Yamamoto . Hải quân bắt tay ngay vào hành động bất kể phe Lục quân có phản đối hay không cũng mặc .
Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Store