ZingTruyen.Store

Minh Hoc Duoc Gi Tu Sach Nhung Trich Dan An Tuong

Dành cho một Tôi khủng hoảng, lạc lối và muốn từ bỏ

KHÔNG CÒN TRỐNG RỖNG, HƯ VÔ

Cuộc sống con người hiện đại dường như được lập trình sẵn theo công thức: sáng đi làm, chiều tan ca. Giữa những bề bộn của đời sống đôi khi con người thường thấy buồn chán, trống rỗng. Dù có rất nhiều hoạt động, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí như xem ti vi, hát karaoke, chơi bowling, leo núi, đi du lịch, nhưng vẫn không thể bù đắp được sự trống rỗng trong tâm hồn, họ không biết làm thế nào để lấp đầy khoảng trống đó.

Cuộc sống con người hiện đại là vậy. Cuộc sống của người xưa cũng chẳng có gì khác và tôi tin rằng cuộc sống của con người trong tương lai cũng sẽ thế. Có thể nói, cảm giác trống rỗng đã ngự trị trong lòng người bất luận họ sống ở đâu và thời đại nào. Vấn đề là tại sao họ cảm thấy trống rỗng? Trống rỗng là cảm giác thế nào? Khi một người không biết được mình tồn tại ở trên thế gian này vì mục đích gì, người đó sẽ cảm thấy trống rỗng. Nhiều người sống như chỉ để cho bụng mình no nê, để cho thân mình có nơi để ở, thỏa mãn nhu cầu ăn mặc, xem thế là đủ. Dường như cơm áo gạo tiền là toàn bộ nội dung cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, khi cơm ăn đã đủ no, quần áo luôn đủ mặc, có nhà để ở, có xe cộ đi lại, đời sống vật chất đã tạm đủ họ sẽ ý thức đến mục đích đời sống họ là gì. Nếu không tìm ra phương hướng và mục tiêu, thì sự mù mờ, cảm giác trống rỗng sẽ chiếm lĩnh, ngự trị trong lòng.

Nguyên nhân của cảm giác trống rỗng là sự buồn chán nhạt nhẽo. Giống như con thuyền mờ mịt phương hướng trên đại dương, không có điểm dừng, không có sự tác động của những cơn gió to, sóng lớn. Chạy về hướng nào cũng như nhau, thậm chí không di chuyển cũng không sao. Khi không di chuyển giống như người không có việc gì để làm, khi chuyển động lại cảm thấy đó không phải là hướng đi của mình và cảm thấy nhàm chán, cuối cùng là đi vào cảm giác trống rỗng mơ hồ. Khi cảm giác trống rỗng kia ngự trị tâm hồn bạn, cho dù có những hoạt động vui chơi có sức cuốn hút như chơi bowling, xem phim, uống rượu, hát karaoke, xem chương trình truyền hình hấp dẫn,... cũng không đem lại cho bạn cảm giác vui vẻ đích thực. Có thể chúng chỉ tạm thời làm bạn tê liệt, kích thích bạn, khiến bạn bận rộn công việc nào đó để đánh lừa cảm giác của mình. Khi mọi thứ qua đi cảm giác trống rỗng sẽ quay lại với bạn.

Ngoài ra còn có một trạng thái tâm lí khác. Chẳng hạn, khi bạn không đạt được những thứ mình muốn, những ước nguyện không thành sẽ từng bước khiến bạn rơi vào cảm giác trống rỗng. Khi bạn cố gắng nhưng không thể, muốn tiến lên nhưng không tiến được bạn sẽ thấy cuộc sống trôi qua trong nhàm chán và buồn bã.

Có người theo tôi đi học Phật, khi mới bắt đầu nói: "Sư phụ, con muốn được tu hành", tôi nói: "Được thôi, anh dự định tu hành thế nào?". Anh ta trả lời: "Con muốn xuất gia".

Sau khi xuất gia, ngày nào người đó cũng mong được thụ giới. Sau một thời gian có thể chấp nhận thụ giới, tôi cho phép đi thụ. Thụ xong, người đó muốn ngày ngày được giác ngộ. Giác ngộ là điều không thể mong muốn làm trong một sớm một chiều, thế nhưng vẫn ước ao mong đợi.

Kết quả, một ngày nọ anh nói với tôi: "Sư phụ, con nghĩ con không thích hợp với việc xuất gia, cũng không hợp với tu hành. Con cảm thấy rất buồn chán, từ sáng đến tối, hết ngày này sang ngày khác đều trôi đi như vậy. Khi ở nhà, con đã sống như thế, không ngờ sau khi xuất gia, cũng sống như vậy. Vẫn là ăn cơm, ngủ nghỉ, đi vệ sinh. Bây giờ con cảm thấy thật nhàm chán, con nghĩ rằng mình không thích hợp với việc xuất gia, về nhà vẫn hơn."

Trống rỗng, buồn chán chính là do con người không ngừng theo đuổi những thứ tốt hơn so với hiện tại. Nhưng theo đuổi sẽ không có điểm dừng bởi luôn có những thứ tốt đẹp hơn trước mắt. Nếu có tâm lí theo đuổi như thế, đến khi cận kề với cái chết, người đó vẫn cảm thấy trống rỗng, bởi họ nghĩ rằng "những thứ mình cần vẫn chưa có được, lẽ nào mình lại phải chết?" Theo tôi, xuất thân từ một người học Phật, tu hành, tôi cảm thấy cuộc sống hết sức phong phú, rất thiết thực. Bởi vì tôi biết mục tiêu hiện tại mà tôi cần làm là cái gì, cũng biết được hiện tại tôi cần đón nhận những gì... Tất cả đều đến từ mối liên hệ nhân quả: những gì có được bây giờ, đều là do quá khứ mình tạo nên; tương lai có được những gì, do hiện tại mình làm. Hiện tại cái tôi có được là nhân quả trong quá khứ, hơn nữa những điều mà tôi đang làm, những cố gắng của tôi đều là phương hướng chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp của tôi.

Khi một người sống không có mục đích, sống không ý nghĩa, họ sẽ thấy cuộc sống trống rỗng, thậm chí họ chỉ là một cái xác không hồn. Tôi từng nói, mục đích cuộc sống là để nhận lấy sự hồi báo, hồi đáp lại những nguyện vọng; giá trị và ý nghĩa của cuộc sống chính là sự cống hiến, lợi mình, lợi người.

Nếu bạn nhận thức và có cách nhìn nhận cuộc đời như thế, tôi tin chắc bạn sẽ xua tan hết cảm giác nhàm chán, trống trải trong lòng.

(Để chống lại sự trống rỗng: xác định mục đích tiếp theo của mình, không được trốn tránh bằng giải trí)


SẮP XẾP CUỘC SỐNG VẸN TOÀN

"Kế hoạch cuộc đời" là cụm từ phổ biến hiện nay. Tuy nhiên khi nói đến kế hoạch cuộc đời mọi người chỉ tập trung ở quá trình từ sinh ra đến chết đi, chỉ dựa vào cuộc sống hữu hạn của cá nhân để vạch kế hoạch nhằm mang lại một cuộc sống trọn vẹn.

Quan niệm này sẽ không thuộc phạm vi của kế hoạch mà tôi muốn nói. Theo quan điểm Phật pháp, cuộc đời không chỉ giới hạn trong cuộc sống hiện tại, không giới hạn trong quá trình ngắn ngủi từ sinh ra đến chết đi mà là quá trình kéo dài vô tận.

Hơn nữa kế hoạch cuộc đời của hầu hết mọi người đều mang giá trị hướng ngoại, chỉ tập trung quanh lĩnh vực trí tuệ và công việc. Kế hoạch cuộc đời chuẩn xác nên bắt nguồn từ sự thức tỉnh nội tại, quy hoạch những phẩm chất của toàn bộ cuộc đời, tìm ra điểm cân bằng của cuộc sống, đó mới chính là kế hoạch cuộc đời viên mãn.

Cũng có thể nói, kế hoạch cuộc đời đích thực bao gồm hai loại "hữu hình" và "vô hình". Kế hoạch hữu hình là cái hướng ngoại, những vật chất, những hình thái cuộc sống, cái vô hình là những cái thuộc về nội tại, sự truởng thành của khả năng tự kiềm chế, của tính cách, nhân phẩm của chúng ta. Kết hợp giữa kế hoạch hướng ngoại và hướng nội với nhau, đó mới là kế hoạch cuộc đời của chúng ta.

Khi bàn đến kế hoạch cuộc đời, tôi thường đưa ra hai nguyên tắc cho mọi người, thứ nhất cần có "tính định hướng", thứ hai cần có "điểm đặt chân", điểm đặt chân và tính định hướng có mối liên hệ tương hỗ.

Nếu một người không có điểm đặt chân, sẽ không có điểm tựa để bật lên, giống như chiếc thuyền không có mỏ neo: nếu như thiếu đi tính định hướng hướng, giống như con thuyền trôi trên mặt đại dương, không có la bàn dẫn đường, rất dễ gặp nguy hiểm.

Ngoài ra, bắt đầu từ sự hiểu biết, chúng ta nên có một kế hoạch cuộc đời. Ghi là hiểu biết, không phải dựa vào tuổi tác làm tiêu chuẩn, mà dựa vào sự trưởng thành của tâm sinh lý làm tiêu chuẩn. Cũng có thể nói, khi suy nghĩ của chúng ta đã chín muồi, nên bắt đầu có kế hoạch cuộc đời cho chính mình.

Khổng Tử nói: "15 tuổi ta dốc chí vào việc học, 30 tuổi đứng vững trong đời, 40 tuổi không còn nghi ngờ, 50 tuổi biết mệnh trời, 60 tuổi nghe gì cũng xuôi thuận, 70 tuổi thì thích gì làm nấy nhưng không trái với quy củ". Nhưng khi Khổng Tử nói những điều như vậy, ông đã là một nhà tư tưởng lớn.

Thông thường những thiếu niên mười mấy tuổi, không hiểu được thế nào là cuộc đời, định hướng cuộc sống, trường hợp này chúng ta không cần phải bàn đến hai chữ kế hoạch. Lúc đó, cha mẹ, nhà trường, xã hội và các phương tiện truyền thông, hướng dẫn thanh thiếu niên lập kế hoạch cho tương lai của mình, chỉ dẫn cho họ nên làm như thế nào cho tương lai.

Giúp đỡ thanh thiếu niên có kế hoạch cuộc đời, nên hướng dẫn họ định hướng cuộc đời. Vì vậy trong giáo dục, nên dựa theo khả năng trí tuệ của mỗi em, sự phát triển về tính cách và khuynh hướng, cho chúng biết được thiên phận và tư chất tự nhiên của mình, đồng thời cần dựa vào những điều kiện vốn có của chúng để phát triển, tiếp đó giúp đỡ họ xây dựng được nhân sinh quan đúng đắn. Ví dụ: trẻ nhỏ thích vẽ, nên hướng sự phát triển của chúng về lĩnh vực hội họa, những đứa trẻ thích âm nhạc, nên hướng sự phát triển của chúng về việc ca hát hoặc học cách sử dụng các nhạc khí, trẻ thích viết lách, nên hướng chúng phát triển theo lĩnh vực văn nghệ.

Thậm chí với những người trưởng thành cũng cần có kế hoạch cuộc đời. Một mặt cần nắm được tài năng, sở trường của mình; mặt khác cần tìm hiểu những nguồn tài nguyên, điều kiện hữu ích ở bên ngoài. Một khi đã nắm rõ được khuynh hướng về tài năng của mình và điều kiện hữu ích giúp phát triển tài năng ngoại tại, mới có thể tìm thấy phương hướng của cuộc sống, làm tốt được kế hoạch cuộc đời.

Đương nhiên, trí tuệ và sức khỏe của mỗi người khác nhau, môi trường, điều kiện giáo dục không giống nhau, vì vậy ở độ tuổi nào cần có công việc tương ứng, kế hoạch cuộc đời cũng không nhất định phải giống người khác. Ít nhất bạn cần định hướng cho riêng mình, như vậy mới biết được phương hướng để phấn đấu, nên đi về hướng nào trong tương lai.

XÁC ĐỊNH PHƯƠNG HƯỚNG

"Xác định hướng đi cho cuộc sống" là quan niệm tôi thường nêu ra trong những năm trước đây.

Thực chất không chỉ là thanh niên, người trung niên, người già đều cần có phương hướng. Bởi nếu người trung niên không có phương hướng, rất dễ đối diện với tình cảnh "người đến tuổi trung niên mọi việc đều rất đau khổ", người già không có phương hướng, sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng khi sắp từ giã cuộc đời.

Vì vậy, trong cuộc đời của chúng ta, cần liên tục nhắc nhở về phương hướng của của cuộc đời. Có một kế hoạch lâu dài, con người mới không cảm thấy mù mờ khi bước vào ngã rẽ của cuộc sống.

Cái ghi là phương hướng của cuộc sống, thực chất chính là mục tiêu của cuộc sống. Đầu tiên cần xác định đúng phương hướng chủ đạo sau đó mới xác định mục tiêu thứ yếu, như vậy phương hướng thứ yếu mới không bị sai lệch. Sau khi xác lập được mục tiêu chính, thì những mục tiêu thứ yếu khác đều phải bổ trợ cho mục tiêu chính này.

Công việc có thể thay đổi, nghề nghiệp có thể thay đổi dễ dàng, môi trường công việc có thể thay đổi, điều duy nhất không thay đổi chính là nỗ lực theo phương hướng đã chọn. Nếu chúng ta không có những mục tiêu lớn, lâu dài, sẽ rất dễ dàng mất phương hướng.

Trong hoạt động thực tiễn, lúc nào cũng cần dựa vào mục tiêu chính, xem đó là tiêu chuẩn trong việc tu thân. Ví dụ, mục tiêu lớn nhất của bạn là theo đuổi sự nghiệp phúc lợi vì đất nước và xã hội, vậy liệu bạn có thể hại rất nhiều người để có được một khoản tiền phi pháp, hoặc làm một số việc xấu để có quyền lực rất mạnh trong tay?

Đương nhiên là không làm được, bởi những việc đó trái với mục tiêu lớn mà bạn đã đặt ra.

Vậy nên quyết định như thế nào đối với mục tiêu của chúng ta?

Cần dựa vào những điều kiện mà mình có được, cộng với môi trường xung quanh và bối cảnh thời đại để quyết định phương hướng, chúng ta không nhất định làm một nhân vật vĩ đại hoặc phải là một người thành công, nhưng nhất thiết cần bồi dưỡng nhân cách cao đẹp và có sự ổn định trong cuộc sống. Trong đó sự yên ổn về tinh thần chính là mục tiêu quan trọng nhất.

Rất nhiều người thường hiểu nhầm ý nghĩa của xác định phương hướng, cho rằng thiết lập phương hướng nghĩa là đang chuẩn bị làm việc gì đó to lớn. Làm việc có sự quyết tâm sẽ có lợi cho mình, nhưng đôi khi hoàn cảnh không cho phép bạn có thể hoàn thành được điều đó. Ví dụ, nếu bạn muốn kiếm được nhiều tiền hoặc muốn trở thành một ông chủ của doanh nghiệp lớn, điều này rất tốt, nhưng nếu không đạt được mong muốn đó, bạn vẫn phải tiếp tục sống, không nên vì điều đó mà mất đi mục tiêu cuộc sống. Hơn nữa dù là kiếm tiền hay trở thành ông chủ doanh nghiệp đều không phải là phương hướng đích thực trong cuộc sống.

Phương hướng đích thực chính là trong cuộc đời cần luôn giữ sự yên ổn về tinh thần, sức khỏe, sự an toàn và hạnh phúc của mọi người.

Với tôi, do hiểu được năng lực của mình, cũng biết được mình nên làm gì, không nên làm gì, vì vậy tôi sẽ không bị mất phương hướng. Nếu có người nhờ tôi làm những việc trái với phương hướng của tôi, họ đưa ra những điều kiện rất tốt với tôi, tôi cũng sẽ không bị sự mê hoặc mà giúp họ.

Một khi đã quyết định được phương hướng, không nên đứng núi này trông núi nọ mà thay đổi. Mặc dù đường đời đầy rẫy chông gai, khó khăn, nhưng chỉ cần phương hướng của chúng ta không đổi, dù con đường có gian khổ đến mấy, dù đó là con đường lớn hay nhỏ, cuối cùng ta vẫn bước đi được trên con đường của mình.

NGUYỆN VỌNG CỦA CON NGƯỜI

Khi còn nhỏ, ai cũng có ước mơ, nguyện vọng riêng, ai cũng nghĩ "Tương lai tôi sẽ làm...". Nhưng khi trưởng thành, liệu ước mơ kia có thực sự trở thành hiện thực? Một khi cuộc sống gặp khó khăn, lại tự hỏi "Tại sao tôi sinh ra trong đời để tôi phải sống đau khổ, vất vả thế này!"

Theo quan điểm của Phật giáo, bạn không đơn giản do bố mẹ đã sinh ra mà chính bạn tự đến với thế giới này, mục đích bạn đến đáp nguyện, thực hiện những ước nguyện khác. Trong cuộc đời ngắn ngủi, chúng ta thường vì cầu nguyện cho điều gì đó, nhận lời với một người nào đó, cầu nguyện và chấp thuận như vậy. Trong vô số kiếp quá khứ không biết bao lần chúng ta đã hứa nguyện như thế. Vì vậy Phật giáo cho rằng, những điều cầu nguyện trong quá khứ, cả đời này vẫn tiếp tục cầu nguyện, hơn nữa những điều đã từng cầu nguyện mà chưa được thực hiện, vẫn chưa thành hiện thực, vẫn cần tiếp tục cầu nguyện ở cuộc đời này hay ở tương lai.

Cũng có người từng nói: "Đó chính là ý nghĩa, và mục đích về cuộc sống của các tín đồ Phật giáo. Tôi không phải là tín đồ Phật giáo, tại sao tôi lại biến những cầu nguyện và việc thực hiện ước nguyện trở thành mục đích của cuộc sống?" Nhất định sẽ có người hỏi như vậy, thậm chí ngay cả tín đồ Phật giáo cũng sẽ nghĩ như vậy. Xét theo một phương diện khác, "ước nguyện" và "thực hiện những ước nguyện" thực ra đó là lời hứa của chúng ta đối với cuộc sống, cho dù là người không học Phật pháp cũng sẽ coi trong lời hứa giữa con người với nhau, huống hồ đó là lời hứa của mình với chính mình. Nếu bạn đã từng nghĩ: "Nếu tôi có thể..., tôi sẽ..." hoặc "Nhưng nếu nguyện vọng của tôi có thể..., vậy tôi muốn..." Có những lời nguyện cầu tương đối ổn định, nhưng có những nguyện cầu luôn thay đổi, đó phải chăng là sự cầu nguyện? Phải chăng là sự thực hiện nguyện vọng?

Chỉ cần có nhiều ước mơ với con đường phía trước, cho rằng trước mắt mình luôn có đường để đi, nhất định họ sẽ có chí nguyện và sự mong đợi, đó chính là cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, họ sẽ không ngừng cố gắng thực hiện ước nguyện, ước nguyện hoàn thành, họ vẫn tiếp tục cầu nguyện. Nếu nguyện vọng này nghĩ cho người khác, không chỉ cho riêng mình, người đó sẽ dần hoàn thiện nhân cách. Bất luận ước nguyện lớn hay nhỏ đều sẽ thành công, nhờ thế họ sống có ý nghĩa.

Riêng tôi, do lúc nhỏ nhà nghèo, bố mẹ không có đầy đủ quần áo, cơm gạo và tiền bạc để nuôi con cái, thậm chí có lúc không có gì cả, vì vậy mẹ tôi luôn cảm thấy có lỗi với các con. Lúc đó tôi có cầu nguyện, tôi nói: "Mẹ à, không sao cả, mặc dù bây giờ chúng ta rất nghèo, nhưng hãy đợi con lớn lên, con nhất định sẽ kiếm được nhiều tiền để mọi người tiêu. Đến lúc đó, mẹ sẽ không nhắc đến từ nghèo nữa."

Tôi vẫn luôn luôn nhớ lời cầu nguyện của mình, nhưng cho đến bây giờ, tôi mãi mãi vẫn không có cơ hội để thực hiện điều đó. Tôi nên làm thế nào để bù đắp điều này? Tôi chỉ còn cách trở thành người công hiến cho tất cả, cho mọi người, dựa vào việc giúp đỡ người khác để thể hiện sự tưởng nhớ và hoài niệm đối với cha mẹ tôi. Đó chính là "thực hiện nguyện vọng".

Để thực hiện nguyện vọng và cầu nguyện, mọi người cần có trách nhiệm, cố gắng hết mình.

Tinh thần trách nhiệm là thái độ sống lành mạnh, bởi khi một người có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ sẽ có cơ hội nhận ra năng lực của mình, từ đó khẳng định bản thân. Với những người thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ rất khó trong việc tự đánh giá năng lực bản thân. Người không tự đánh giá được năng lực bản thân sẽ mãi mãi mất đi mục tiêu và ý nghĩ tồn tại của mình. Tâm lý họ cũng sẽ không lành mạnh, không vui vẻ thoải mái trong lòng.

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cần hóa thân vào những những nhân vật khác nhau, ở nhà bạn có thể là người con, người chồng, là người cha hoặc là con gái, người vợ, người mẹ. Ở đến nơi làm việc, bạn lại là nhân viên, ở trường học, có thể bạn là giáo viên, cũng có thể là học sinh. Những nhân vật khác nhau sẽ thể hiện những trách nhiệm khác nhau, cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình chính là ý nghĩa của cuộc sống, đồng thời cũng là việc thực hiện nguyện vọng và sự cầu nguyện tốt nhất.

TÀI NĂNG PHÙ HỢP VỚI CÔNG VIỆC

Hồi còn nhỏ, có lần bố dẫn tôi đi men theo con đường dọc bờ sông, lúc đó trời đã nhá nhem tối. Đàn vịt đang nằm trên đường bỗng ùa xuống sông, đợi chúng tôi đi qua chúng lại lên bờ. Bố nhìn đàn vịt đang bơi dưới sông liền bảo tôi: "Con thấy không, những con vịt lớn bơi để lại vệt sóng lớn, con nhỏ để lại vệt sóng nhỏ trên sông, nhưng bất luận thế nào thì những con sóng đó vẫn là con sóng của chính nó tạo nên và đều có đích chung là lên được bờ bên kia."

Đi được mấy bước bố tiếp: "Con ạ, con người cũng cần học những chú vịt kia. Lớn lên, con bơi thế nào trong biển đời, đường con đi lớn nhỏ không thành vấn đề nhưng nhất định phải là con đường do con đi và nhất định con phải đi, không thể không đi. Không đi nghĩa là đời con bế tắc!" Ý bố muốn nói, bất luận đường con đi lớn nhỏ thế nào đều cần phải đạt đến đích cuối cùng, nếu không đi thì chính điểm dừng lại là ngõ cụt.

Đấy là kỷ niệm sâu sắc, làm thay đổi đời tôi. Tôi thấy mình chỉ là chú vịt con, tôi từng thấy những "chú vịt lớn" có khả năng hô mưa gọi gió trong đời. Tôi tự thấy mình không thể giống họ, không thể sánh với họ và cũng không cần phải so sánh. Tôi vui lòng làm chú vịt con, đi theo con đường của riêng tôi.

Khi sư phụ tôi — ngài Đông Sơ Lão Nhân còn tại thế thường khuyên tôi phải học theo tấm gương của vị hòa thượng nào đó. Tôi nghĩ mình sẽ không học được!

Khoảng năm 1961 tôi sắp bế quan ở một ngọn núi tại Cao Hùng, có vị lão cư sĩ tặng tôi mấy cuốn sách của các vị cao tăng hiện đại ở Trung Quốc như Ấn Quang đại sư, Thái Hư đại sư, Hòa Thượng Hư Vân và Hoằng Nhất đại sư rồi hỏi tôi: "Thưa thầy, thầy sắp bế quan, vậy tôi xin hỏi thầy sẽ đi con đường nào của một trong bốn vị sư đó?"

Tôi rất kính trọng bốn vị hòa thượng đó nhưng tôi nói: "Tôi thực sự không thể đi được bất kì con đường nào của các vị cao tăng đó, tôi đi riêng con đường của tôi". Vị cư sĩ nói: "Thầy làm thế có ngạo mạn lắm không?" Không phải tôi kiêu ngạo cũng không phải là thiếu chí khí mà chỉ là tôi muốn đi con đường của riêng tôi. Tuy nhiên tôi sẽ tham khảo con đường mà các vị ấy đã đi, tôi sẽ xem các vị ấy đã đi thế nào, có điểm gì tốt cho tôi, tôi sẽ dốc hết sức mình học theo, có thể học được bao nhiêu tôi sẽ học bấy nhiêu. Nhưng tôi tuyệt đối không bắt chước theo người khác, đồng thời tôi cũng không nhất định sẽ phải trở thành người nào khác ngoài tôi cả.

Vì thế, tôi đã yên tâm chuyên chú vào việc tu hành khi nhập thất. Tôi không phải chuẩn bị tâm lí để giúp mình trở thành bất kì vị cao tăng nào trong bốn vị kia, đồng thời cũng không ngông cuồng muốn mình sẽ trở thành những vị đó, tôi muốn mình sẽ trở thành vị cao tăng thứ năm. Tôi làm được gì, làm được bao nhiêu thì sẽ dốc hết sức mình để làm mà thôi.

Thực ra trong một bầy vịt nhất định sẽ có con đầu đàn, đương nhiên cũng sẽ có con nhỏ nhất đàn, thế nên đương nhiên chúng sẽ có những đường bơi khác nhau. Nhìn từ góc độ Phật pháp, sở dĩ như thế là vì mỗi một chúng sinh đều có nhân duyên, phúc báo khác nhau, vì thế khi nhìn thấy người khác thành công chúng ta chỉ nên tùy hỷ1 chứ không nên nhất nhất học theo.

Những chú vịt con thoạt nhìn dường như chúng chẳng bơi đi, nhưng thực ra chúng không phải đang đứng yên trên vị trí cũ, chẳng qua chúng di chuyển quá chậm nên chúng ta cứ ngỡ nó không bơi mà thôi. Tuy nhiên, chậm nhưng tiến đều, không ngừng nghỉ, chậm nhưng kiên trì nhất định sẽ đến đích. Cũng giống như tôi, tôi tự nhận mình chỉ là chú vịt con, tuy bơi chậm nhưng trước nay tôi chưa từng phải cố lòng học theo bất kì một ai khác. Tôi chỉ biết mình đã bơi hết mình, tính đến nay, tôi cũng đã bơi được một quãng đường của tôi.

Chúng ta không nên ước mong mình "bơi" giỏi hơn người khác, không nên tìm giá trị của mình qua việc so sánh với người khác vì đó là điều rất đau khổ. Thế nên, tất cả mọi việc chỉ cần bạn dốc hết sức mình nhất định bạn sẽ tìm ra hướng đi, tìm ra con đường cho riêng mình.

TIN VÀO CHÍNH MÌNH

Nên nghĩ, nói những điều nên nói. Cố gắng phát huy điều thiện, trừ bỏ những điều bất thiện. Nói cách khác, bạn phải làm hết thảy điều thiện, từ bỏ hết thảy điều ác. Khi bạn thực hiện được thế, dần dần sẽ cảm nhận được ý nghĩa của "vô ngã", "người biết". Khi bạn hiểu rõ năng lực, kiến thức, sở trường, biết khuyết điểm, thiếu sót, thậm chí biết tài sản mình sở hữu, biết tình trạng sức khỏe của mình thế nào mới có lòng tự tin.

Tại sao phải hiểu rõ khuyết điểm của mình? Ví dụ ngày nào đó tôi biết mình đang đau họng tôi mới biết cách điều chỉnh âm lượng và tốc độ lời nói mình, khi đau tôi sẽ nói nhỏ, nói chậm. Biết khuyết điểm để phòng ngừa, lưu ý, đưa ra những giải pháp thích hợp để hoàn thành công việc. Khuyết điểm không phải điều xấu, không ai toàn vẹn cả. Điều quan trọng là phải tự biết khuyết điểm, bạn biết càng nhiều khuyết điểm của mình càng có cơ hội trưởng thành, càng có niềm tin về mình.

Ví dụ nếu biết sử dụng máy vi tính sẽ mang lại rất nhiều tiện lợi cho mình, nhưng tôi không biết gì về nó cả, nếu có người hỏi tôi về máy tính tôi sẽ nói là "tôi không biết". Tôi không hiểu chính trị nên nếu có người hỏi tôi về điều này tôi sẽ không nói, dù có ép tôi cũng không biết nói gì, vì tôi không am hiểu chính trị nên tin chắc rằng nếu mình nói sẽ toàn nói sai. Đây chính là sự sáng suốt của người hiểu rõ chính mình!

Hiểu rõ bản thân cũng là một sự tự tin, tự tin có được từ việc thừa nhận những thiếu sót của mình.

Vậy chúng ta có nên học tất cả những gì mình chưa biết không? Không nhất thiết phải học. Kiến thức, sở trường của mình nếu có lợi cho xã hội nhất định phải làm, phải cho; nếu phát hiện còn nhiều thiếu sót, còn điều chưa hiểu trong phạm vi sở trường, hiểu biết của mình bạn nên học, nên tìm tòi nghiên cứu thêm để hoàn thiện mình về phương diện này. Những kiến thức nền bổ trợ cho kiến thức chuyên môn chỉ cần hiểu những vấn đề cơ bản là được, bạn không nên "vượt rào", ví dụ người xuất gia lại bàn về máy tính, bàn về chính trị không phải là chuyện buồn cười, chuốc lấy sự chê bai của thiên hạ sao?

Hiểu rõ chính mình còn hàm nghĩa mình tự biết khả năng chịu đựng, giới hạn của bạn thân. Biết điều này giúp bạn không lo âu, phiền muộn tự trách, vì bạn hiểu mình làm hết mình cũng chỉ đến thế, không nên làm những việc ngoài tầm tay với.

Khi tôi diễn giảng Phật pháp, dạy cách tu hành cho Phật tử, tôi rất tự tin vì đây là sở trường, là nhiệm vụ của tôi. Tôi hiểu được bao nhiêu, làm được chừng nào về Phật giáo tôi sẽ hết lòng nói cho mọi người biết, với tôi thế là quá đủ. Khi đó dù người khác không chấp nhận, cười chê vẫn không sao vì tôi biết mỗi người có lập trường, kiến giải khác nhau. Tuy nhiên nếu có cơ hội nhất định tôi sẽ tiếp tục giải đáp thắc mắc hoặc nói thêm cho người đó những phần họ hoài nghi, không chấp nhận. Nếu người nghe giải thích có lí, đúng sự thực tôi sẽ vui vẻ tiếp thu, ghi nhận, học hỏi.

Tự tin đến từ sự hiểu rõ chính mình.

Hiểu mình giúp mình tự tin, tin vào sở trường của mình, vào khả năng có thể cống hiến cho xã hội. Khi đó bạn sẽ không lo lắng, phiền muộn hay làm quá sức, cuộc sống nhờ thế nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Từ điểm này chúng ta thấy tự tin đóng vai trò cực kì quan trọng cho sự trưởng thành của đời mình.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Store