ZingTruyen.Store

Gl Mademoiselle

Phải đến một tuần sau, Tĩnh Nguyệt mới gặp lại Thiều Hoa.

Cô hẹn nàng ở một khu chợ, người qua kẻ lại tấp nập như nêm cối. Tĩnh Nguyệt nhìn quanh điểm hẹn, mãi mới thấy bóng Thiều Hoa trong quán nước trước cổng chợ. Cô mặc bộ trang phục gần giống hôm trước, quần Tây, sơ mi với dây đai chữ Y, ngồi một bên xem mấy ông cụ chơi cờ tướng.

Nhác thấy lệnh ái của ông Phán, Thiều Hoa ăn nốt bát chè, trả tiền rồi chào tạm biệt mấy cụ ông, điệu bộ thân thiết như đã quen biết từ lâu. Tĩnh Nguyệt trông mà nghĩ, một phần tai tiếng của Thiều Hoa có lẽ cũng đến từ tài quảng giao của cô. Trong mắt nhiều người, những người con gái giỏi giao thiệp luôn bị nhìn nhận như những kẻ phóng túng.

- Cô đến đúng giờ quá, tiểu thư.

Một câu nói rất bình thường nhưng qua miệng Thiều Hoa luôn tạo ra cảm giác như thể cô đang đùa giỡn. Tĩnh Nguyệt nhìn cô một lượt rồi mới hỏi:

- Cô đợi lâu chưa?

- Tôi đến từ tinh mơ.

- ... Trong thư cô nói là cuối giờ Thìn.

- Ừ, tôi đến sớm do thói quen. - Thiều Hoa cười - Cô nói mình muốn xem thời cuộc trong mắt tôi, tôi chỉ có thể dẫn cô ra chợ thôi.

Từ bé đến giờ, trừ những lúc đi chơi với các bạn, Tĩnh Nguyệt rất hiếm khi đi chợ, càng chẳng bao giờ tham gia vào việc buôn bán của người ta. Nàng vốn không hợp với những nơi quá huyên náo, khi rảnh rỗi, nàng thường ngồi nhà đọc sách báo hơn là đến chốn lao xao.

Trái ngược với nàng, Thiều Hoa dường như đã quá quen thuộc với những khu vực đông đúc. Cô dẫn nàng vào sâu trong khu đấu xảo, từ mấy hàng ăn quán nước đến những nơi buôn bán đủ loại vật dụng. Trong số đó, có một khu hàng buôn đồ kim khí mà Tĩnh Nguyệt rất để ý. Nàng chưa từng nghĩ, hóa ra ở chợ lại có nhiều thứ mới mẻ đến thế. Thậm chí có những chuyện khiến nàng rất đỗi ngạc nhiên, tỷ dụ như Thiều Hoa có thể mặc cả một bộ trang phục xuống còn nửa giá so với ban đầu.

- Nửa giá là người ta còn hời lắm đấy. - Thiều Hoa nhún vai - Tôi cá rằng giá gốc còn chưa đến một phần ba.

- Sao mà tài tình thế nhỉ? - Tĩnh Nguyệt thở dài - Tôi chẳng biết gì mấy chuyện chợ búa cả.

- Vì cô là tiểu thư đấy. Những vị tiểu thư khác cũng thế thôi. - Thiều Hoa nhoẻn cười - Nhưng tôi nghĩ, họ sẽ chẳng đời nào chịu cùng tôi đi loanh quanh một khu chợ lộn xộn thế này. Cô là vị tiểu thư lạ kỳ nhất mà tôi từng gặp.

Nét cười của cô lúc này thoải mái và nhẹ nhàng hơn hẳn kiểu cười khiêu khích khi họ mới gặp nhau. Tĩnh Nguyệt cảm thấy, phía sau dáng vẻ kiêu kỳ, sắc bén kia, Thiều Hoa thực sự lại rất dễ thân cận.

Đi hết con đường, Thiều Hoa đưa nàng rẽ vào một hẻm nhỏ, kể:

- Hồi còn ở nhà tôi hay cùng cha ra chợ sớm xem người ta chất hàng hóa, lên đây thì tôi đi một mình. Cô biết mà, chúng ta có thể căn cứ vào tình hình buôn bán mỗi ngày trong các khu chợ để phán đoán hiện trạng kinh tế đấy.

- Tôi có biết đâu. - Tĩnh Nguyệt thành thật - Trường không dạy, sách báo tôi thường đọc cũng không có.

- Cô có thể tìm đọc vài số "Khai hóa nhật báo¹" của Đông Kinh ấn quán. - Thiều Hoa nhìn những cụm khói sớm bốc lên phía xa xăm, bảo - Có rất nhiều thứ cô thấy được khi đi chợ, bao gồm cả thời cuộc.

- Ban đầu tôi còn không rõ vì sao lại là một khu chợ, nhưng đi một vòng với cô, tôi có thể lý giải được phần nào rồi. - Tĩnh Nguyệt nhẹ nhàng nói - Nơi đây đúng là có cảm giác "nhân tình thế thái".

Dù vậy, nàng vẫn còn cách vài bước để hiểu tại sao đây lại là "thời cuộc" trong mắt Thiều Hoa. Và liệu rằng, nó khác biệt những gì so với điều nàng thấy?

Như đọc được những nghi vấn của nàng, Thiều Hoa duỗi tay, mắt lia tới một cửa hàng chằng chịt tơ lụa.

- Đối với tôi, thời cuộc... giống như những khu chợ, tụ rồi lại tán, cũng giống như cánh đàn bà, lắm những đa đoan.

Tĩnh Nguyệt khẽ nhướng mày, song không ngắt lời người kia. Gần chỗ họ, một cậu bé đang hô hào bán đủ loại ấn loát, tạp chí. Xa hơn chút, mấy người gánh bún, gánh phở ngồi phe phẩy chiếc nón lá, cất tiếng rao thân quen: "Ai mua phở đây, bún đây". Đủ loại thanh âm xô bồ chen chúc quanh hai nàng, Thiều Hoa bèn đi sát lại gần Tĩnh Nguyệt, điều chỉnh thanh âm.

- Người ta thường có định kiến rằng đàn bà như cái chợ, sâu trong đó sẽ luôn có vài phần coi thường, cũng như cách mà người xưa đặt thương nghiệp xuống dưới đáy². Ồn ã, hỗn loạn, điêu ngoa, lắm mối. Thương nghiệp và đàn bà thực ra có rất nhiều điểm tương đồng. Ở đây, cái giống nhau tôi đang muốn nói đến chính là... - Cô chỉ vào miệng mình - tình báo.

Nghe cô nói, Tĩnh Nguyệt lập tức vỡ vạc nhiều điều. Người ta vẫn thường chê trách đàn bà: "mồm năm miệng mười" mà quên mất rằng vốn liếng dân tộc đến từ những lời truyền miệng. Thực chất, bên trong mỗi lời nói đều mang theo thông tin, bất kể nó vô thưởng vô phạt hay là chuyện quốc gia đại sự, thậm chí là lời đồn thổi, đơm đặt. Chẳng phải mỗi thời buổi nhập nhằng như hiện tại mà bất cứ thời đại nào, tin tức đều là thứ cực kỳ trọng yếu.

- Trong mắt tôi, mạng lưới tình báo sẽ là thứ quyết định thời cuộc.

Thiều Hoa ghé tai nàng, thì thào:

- Nhưng để hình thành một mạng lưới không hề dễ, nhất là khi chúng ta đang phải ẩn mình. Thế nên tôi mới nghĩ đến chuyện ngụy trang tiệm sách thành một nơi phóng túng, từ đó thu thập nhiều nguồn tin tức. Lấy tình báo từ cánh đàn bà đôi khi rất dễ dàng mà lại hữu dụng. Nhiều người đến nơi đàng điếm không phải mademoiselle đâu, họ là madame đấy, có rất nhiều người trong số họ là phu nhân chính khách. Chỉ là... con người ta luôn muốn mình trẻ trung mà.

Hơi thở nhè nhẹ của Thiều Hoa phả vào tai nàng, Tĩnh Nguyệt thấy hơi là lạ. Lờ đi cảm giác rục rịch trong lòng, nàng tập trung vào chủ đề câu chuyện, hỏi:

- Vậy cô là người điều hành tiệm sách kia chứ không phải anh Khương?

- Này tiểu thư, thật ra cô biết những gì thế? - Thiều Hoa híp mắt, dò hỏi.

Thấy nàng không đáp, cô tỏ vẻ mình biết tỏng ý đồ của nàng:

- Tiểu thư, thẳng thắn với nhau trước đi, cô biết tôi có định kiến với cô nên cô thuận nước đẩy thuyền, giả ngây ngô tới cùng đấy hả?

Biết rằng người kia đã nhận ra, Tĩnh Nguyệt cũng không định qua mặt cô tiếp nữa. Nàng cười, hỏi:

- Cô đoán được từ lúc nào?

- Lúc tôi va vào cô, phản ứng đầu tiên của cô là kéo tôi vào nhà mình, tức là cô hiểu tôi đã làm chuyện gì mà bị truy đuổi. Hành động che giấu của cô cũng thể hiện lập trường của cô luôn. Chuyện gì đã xảy ra với Phan Văn Khương, từ lúc đưa đồ cho tôi cô đã biết hết rồi. Tôi nói có đúng không?

Tĩnh Nguyệt cảm thấy về mặt thăm dò nhau, bọn họ một chín một mười.

- Thật ra lúc thấy phản ứng của cô tôi chỉ nảy ra phán đoán, sau đó về nhà kiểm chứng lại thì mới hiểu rõ. - Nàng thản nhiên đáp trả - Cô biết lập trường của tôi nên khi đó mới tiết lộ sự thật về tiệm sách Đoạn Trường nhằm khơi dậy sự tò mò của tôi nhỉ? Cô hẳn là... một thành viên trong thư xã kia?

- Đến chuyện thư xã cô cũng biết, tôi thực sự coi nhẹ tiểu thư rồi. - Giọng Thiều Hoa nhẹ tênh - Nhưng ít nhất thì giờ tôi cũng xác định được chúng ta cùng hội cùng thuyền.

Nói chuyện với người kia nhiều Tĩnh Nguyệt mới nhận ra, Thiều Hoa rất hay dùng thành ngữ. Ca dao, thành ngữ là vốn liếng dân tộc, xuất phát từ lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nếu cô thực sự là một "me Tây", liệu có thể thấm nhuần cái tinh túy bình dân ấy không?

Thực ra, nếu đối chiếu với tình cảnh của cha nàng, Tĩnh Nguyệt đã sớm có câu trả lời.

Dưới chân nàng thực sự là lớp lớp sóng ngầm. Bên trong mỗi người cũng vậy.

- Cũng bởi cô có định kiến với tôi trước mà. - Nàng trả treo.

- Đáng lẽ tôi nên biết trước cô nhỏ mọn như thế, đúng là trăm nghe không bằng một thấy. - Thiều Hoa đáp trả - Ôi, còn đâu đóa ngọc lan nền nã!

- Còn cô đúng là một đóa hồng đầy gai.

- Ồ, tôi còn tưởng cô chẳng quan tâm hình tượng gì đó, ra là cũng để ý mấy thứ người ta hay gán cho tôi. Tại sao đến lượt mình thì cô lại mù tịt nhỉ?

- Thì bởi tôi chỉ để ý cô thôi.

Thấy Thiều Hoa bên cạnh đột nhiên im bặt, Tĩnh Nguyệt bỗng thấy hơi gượng gạo.

- Tôi để ý người ta nói về cô nhiều hơn... - Sao càng nói càng thấy sai trái.

Đã đâm lao thì phải theo lao, Tĩnh Nguyệt hít một hơi rồi nói nốt:

- Người ta nói nhiều về cô quá nên tôi nhớ thôi, chứ họ có bàn tán về tôi trước mặt tôi đâu.

Thiều Hoa nghe vậy liền bật cười:

- Không cần giải thích đến ba lần đâu, tiểu thư ạ.

Phải, đáng lẽ nàng nên biết điều, ngậm miệng từ đầu.

Thấy Tĩnh Nguyệt lúng túng, Thiều Hoa biết ý giữ thể diện cho nàng. Cô nhìn những gian hàng chung quanh, bảo:

- Cô đi bộ lâu chắc cũng mệt rồi, để tôi gọi xe kéo.

- Chúng ta còn đi đâu à? - Tĩnh Nguyệt tỏ ra hiếu kỳ.

Thiều Hoa còn chưa kịp đáp lời đã nghe thấy tiếng còi tuýt dài gay gắt. Thanh âm này cô đã nghe nhiều đến mức hình thành phản xạ, lập tức nhìn về nơi phát ra nguồn cơn.

Ngay gần đó, đám lính Tây đang đuổi bắt một thanh niên trẻ trong khu chợ. Thấy thanh niên kia sắp va phải Tĩnh Nguyệt, Thiều Hoa lập tức kéo nàng về phía mình. Tĩnh Nguyệt mất đà, cơ thể đổ hẳn xuống người cô, hai tay vô thức tìm điểm tựa, ôm lấy Thiều Hoa.

Thoáng sau, nàng nghe thấy tiếng súng vang lên cái "đoàng" bên tai, giật mình run bắn.

- Bắt lấy nó! Đừng để nó trốn! - Đám lính Tây lướt qua đường chợ, xô đẩy hàng hóa rơi lăn lóc xuống đất.

- Giết nó! Bêu đầu nó!

Thiều Hoa bịt tai Tĩnh Nguyệt, mắt nhìn cảnh chợ hỗn loạn như ong vỡ tổ. Cô ôm người kia lùi vào con hẻm gần đó, tay cẩn thận giữ phần tóc sau ót nàng. Chẳng biết bao lâu trôi qua, thanh niên kia và đám chó săn của Toàn quyền đã mất hút sau mấy tiệm buôn lụa từ lâu, hai người vẫn giữ nguyên tư thế. Thiều Hoa nghe thấy tiếng thở thảng thốt của Tĩnh Nguyệt dần lắng xuống, biết nàng đã bình tĩnh lại liền buông tay.

Ai ngờ, Tĩnh Nguyệt níu tay áo cô lại.

- Người nọ sẽ không sao chứ?

Nghe nàng hỏi vậy, Thiều Hoa chỉ có thể thở dài:

- Tôi không biết.

- Anh ấy cũng mặc trang phục học trò như chúng mình. - Tĩnh Nguyệt ngẩng lên nhìn cô, mắt đong đầy những lắng lo - Cô... sẽ không sao chứ?

- Kìa! Sao lại chuyển chủ đề sang tôi rồi? - Thiều Hoa vuốt nhẹ mái tóc dài của nàng, chậm rãi nói - Không sao đâu. Chúng ta sẽ không sao cả.

Tĩnh Nguyệt biết người kia chỉ đang an ủi mình. Sống trong thời buổi này, nay sống mai thác là chuyện thường tình. Dù có cố gắng tránh né, sau cùng tai vạ vẫn sẽ tìm đến.

Thật khó để họ cứ trốn mãi.

- Vừa nãy, cô tính gọi xe kéo là muốn đi đâu? - Nàng hỏi Thiều Hoa.

- Cô đoán xem?

Tĩnh Nguyệt lùi một bước, rời khỏi nguồn hơi ấm che chở nàng nãy giờ.

- Tiệm sách Đoạn Trường. - Nàng nói không chút đắn đo.

Thiều Hoa nghe vậy liền mỉm cười, bước về phía trước. Tĩnh Nguyệt cũng chẳng cần lời khẳng định của cô để biết mình đoán đúng hay sai. Nàng song hành với Thiều Hoa ra ngoài cổng chợ.

Khi thấy một người phu xe đợi sẵn hai nàng ở đó, Tĩnh Nguyệt bỗng dưng nhận ra điều gì.

- Anh tên Liêm nhỉ? - Nàng hỏi người phu xe mặt mũi bình thường kia - Hôm trước anh mời chào lúc tôi muốn hỏi đường ấy.

- Trí nhớ cô tốt thật! - Liêm cảm thán - Nếu hôm đó cô lên xe tôi thì đã gặp được Joan luôn rồi.

Tĩnh Nguyệt ngạc nhiên hỏi Thiều Hoa:

- Anh ấy cũng...?

- Chỉ một tiệm sách thì không thể trở thành mạng lưới. - Thiều Hoa nhìn xuống chân nàng, cân nhắc - Cô ngồi xe đi, tôi đi bộ.

- Tôi đi bộ cùng cô.

- Và để anh ấy kéo chiếc xe trống hả? - Thiều Hoa cười - Trông khả nghi lắm đó, tiểu thư.

Nói qua nói lại, rốt cuộc Tĩnh Nguyệt vẫn phải ngồi lên xe. Liêm chờ nàng ngồi ngay ngắn rồi mới kéo xe ra khỏi khu chợ. Anh đùa giỡn với Thiều Hoa:

- Cô còn lôi kéo được cả con gái ông Phán luôn hả Joan?

- Ai thèm lôi kéo, cô ấy tự theo em. Anh đừng làm như em là Sở Khanh đi dụ dỗ gái nhà lành vậy nhé!

- Kìa, chưa đánh đã khai. - Liêm đảo mắt.

Tĩnh Nguyệt thấy hai người kia đùa giỡn thì không tiện chen miệng. Nàng ngẫm những lời Thiều Hoa nói ban nãy, chờ đến lúc thích hợp mới tiếp tục đề tài:

- Muốn mở rộng mạng lưới thông tin thì phải tìm đến những người thông thuộc ngược xuôi. Làm phu xe thì cũng dễ tiếp cận những chính khách, nếu tập hợp được cả những người khác thành hội nhóm thì còn gì bằng.

- Khó lắm. - Liêm liếc Thiều Hoa - Giải thích cho người ta coi.

Thanh nữ nghịch lọn tóc xoăn, nghiêng đầu nhìn cung đường phía trước. Một lúc sau, cô mới chậm rãi cất lời:

- Đa phần phu xe không quan tâm những chuyện thế này, chỉ mong nuôi sống bản thân đủ ba bữa một ngày. Có phải ai cũng muốn mạo hiểm mạng sống để lấy vài tin tức mà mình còn chẳng biết có hữu dụng hay không đâu? Hơn nữa, thời buổi phe phái lẫn lộn, có thể trong đám phu xe có cả mật thám của Toàn quyền. Tụ tập nhóm nhỏ thì còn khả thi, chứ muốn mở rộng thì rất nhiều rủi ro.

- Đường nào cũng khó đi. - Liêm chép miệng - Mấy năm nay biết bao phong trào, bao cuộc khởi nghĩa nổ ra mà có bao giờ thành công đâu. Cái hồi cụ Đề Thám thất bại, đám chó kia còn chặt đầu người khác rồi bảo là thủ cấp của cụ để đe dọa những người đi sau. Hợm hĩnh hết biết!

- Anh Liêm biết nhiều thật đấy - Tĩnh Nguyệt hiếu kỳ - Rốt cuộc anh làm gì vậy ạ?

- Tôi chỉ là một thằng phu xe quèn thôi cô à.

Tĩnh Nguyệt nhìn về phía Thiều Hoa, chỉ thấy cô cười xòa, lắc đầu. Nàng không hỏi thêm nữa, mắt nhìn thẳng đoạn đường phía trước. Liêm kéo xe, cánh tay rám nắng ịn rõ những đường gân guốc, rắn rỏi. Thiều Hoa đi bên cạnh, thi thoảng ngâm nga theo người hát xẩm ngồi lê ven đường.

Nắng đổ dài con phố, chung quanh chốc chốc có mấy chiếc xe đạp, xe ngựa, ô tô băng qua. Lớp lớp bụi mù lẫn cùng hơi nóng bốc lên những bàn chân trần kéo xe dọc con phố. Những đôi chân nhem nhuốc, những gương mặt lấm lem. Tầm mắt Tĩnh Nguyệt thoáng chuyển dời xuống mái tóc xoăn đen của thanh nữ, nàng bỗng cảm thấy, kẻ ngồi xe, người cuốc bộ, ấy vậy mà cũng thật xa xăm khôn cùng.

Xe kéo dừng lại trước con ngõ nơi tiệm sách tọa lạc. Tĩnh Nguyệt bước xuống, đứng gọn một bên nhìn Liêm vỗ vai động viên Thiều Hoa.

- Trường Giang sóng sau xô sóng trước, cô đừng quá bi quan.

- Em hiểu. - Thiều Hoa mỉm cười - Anh cứ đi tiếp con đường của anh, đừng lo cho chúng em.

Đến khi chiếc xe kéo của Liêm khuất sau cung đường, Thiều Hoa mới quay gót, cùng Tĩnh Nguyệt vào trong.

So với lần đầu Tĩnh Nguyệt đến đây, tiệm sách trông hiu quạnh hẳn. Nàng chẳng còn thấy bóng dáng mấy thiếu nữ mặc áo cánh, môi nhoẻn cười ý nhị kia nữa.

- Nếu cô đã biết chuyện thư xã, vậy hẳn cũng biết hội nhóm của anh Khương giờ đã mỗi người một nơi.

- Ừ. - Tĩnh Nguyệt khẽ nói - Như thế thì, nơi này cũng...

Thiều Hoa ngước nhìn tấm biển đề hai tiếng "Tân Thanh", cười ảm đạm.

- Nơi này... chẳng mấy chốc cũng sẽ đóng cửa thôi. Tất cả những người con gái ở đây đều có tên trong sổ Đoạn Trường, chính tôi là người đã ghi tên họ vào cuốn sổ ấy. Giờ đây, tôi lại chẳng giữ được chốn dung thân duy nhất cho họ.

Đôi mi thanh nữ rủ xuống, cô thở dài não nuột, cất giọng nghèn nghẹn:

- Chính tôi giờ cũng chẳng biết tiếp sau đây mình sẽ đi đường nào. Rốt cuộc đâu mới là con đường đúng đắn.

Thực ra Thiều Hoa muốn nói, đây cũng là thời cuộc trong mắt cô. Cái thời điểm tất cả tan rã và người ta đi vào ngõ cụt, loay hoay kiếm tìm con đường mình cần đi. Thời điểm mà sóng lạc lối giữa trùng dương và gió thét gào cùng quẫn. Thời cuộc giờ đây là con đường điêu linh, là những ngọn đèn bão chập chờn.

Gió nổi rồi ngừng. Sóng rồi cũng sẽ có lúc mỏi mệt.

Ngay khi Thiều Hoa toan lên tiếng, một bàn tay mềm mại chợt nắm lấy tay cô. Hơi ấm dịu dàng ấy kéo cô ra khỏi cơn bão lòng.

- Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi.³

Tĩnh Nguyệt miết nhẹ bàn tay cô rồi lập tức buông ra. Thiều Hoa ngẩn ngơ nhìn sâu vào đôi mắt trong veo của nàng, bỗng có cảm tưởng như "sau cơn mưa, trời lại sáng".

Ánh nhìn của Tĩnh Nguyệt lặng lẽ và êm dịu khôn cùng.

- Cô nói đúng.

Thiều Hoa nghiêng người, úp mặt vào vai người bên cạnh, giấu đi giọt nước mắt nghẹn ngào, đắng cay.

- Cứ đi mãi, kiểu gì cũng sẽ tìm thấy con đường đúng đắn.



¹ Tờ báo do thương gia Bạch Thái Bưởi phát hành.

² Chỉ bốn tầng lớp trong xã hội phong kiến: sĩ, công, nông, thương.

³ Trích trong tác phẩm "Cố hương" của Lỗ Tấn.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Store