Fukuzawa Yukichi Tu Truyen
11. Về tình hình kinh tế của gia đình và bản thânTrả 2 Shu tiền nợ Tanomoshi-kōSau đây, tôi xin kể những chuyện có liên quan đến vấn đề tiền bạc, kinh tế của riêng tôi và gia đình. Trên đời này, hỏi rằng sợ gì nhất thì ngoài nạn ám sát ra tôi không sợ gì hơn là việc nợ tiền. Tôi cho rằng, trong quan hệ đối xử với người khác, những sự nhùng nhằng về tiền bạc là điều không ra gì, nên càng thấy sợ vay tiền hơn. Anh chị em tôi từ thuở nhỏ đã quen sống đạm bạc. Nhìn thấy dáng mẹ lam lũ cả một đời tôi không quên được. Mặc dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn của một gia đình võ sĩ hạng thấp, nhưng mẹ tôi vẫn giữ được tinh thần để dạy dỗ và cảm hóa anh em chúng tôi. Ở đây, tôi xin kể một ví dụ nhỏ về việc đó. Năm mười ba hay mười bốn tuổi, đã có lần tôi bị mẹ sai mang tiền đi trả nợ. Năm Tempō thứ bảy (1836-ND), cha tôi mất ở Ōsaka, nên chúng tôi theo mẹ về Nakatsu. Khi đó, phải sửa sang lại nhà để ở, lại không có tiền sinh nhai, nên phải tổ chức chơi Tanomoshi-kō (Lại-mẫu-tử giảng) để nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người. Luật chơi là mỗi người sẽ đóng 2 Shu tiền vàng, tổng cộng lại được mấy Ryō. Với số tiền đó, gia đình tôi tạm giải quyết được những chi tiêu trước mắt. Sau đó, cứ một năm vài lần, những người tham gia lại mang 2 Shu đến đóng và sẽ bốc thăm. Người nào bốc trúng thì sẽ được hoàn trả hết tiền đã đóng từ trước đến nay. Có người bảo chỉ vì 2 Shu mà cứ phải mang những quan hệ ràng buộc trong mấy năm liền, nên họ đã đóng 2 Shu vào mà lại bỏ đấy. Trong trường hợp này, chủ họ được nhận không khoản tiền của người chơi mà bỏ giữa chừng đó. Điều này đã trở thành tập quán chung, nên không ai oán trách gì cả. Trong hội chơi họ nhà Fukuzawa có một người tên là Ōsakaya Gorobei (Đại-Phản-Ốc Ngũ-Lang-Binh-Vệ), chuyên đi thuyền hàng. Ông đã đóng 2 Shu mà bỏ dở giữa chừng. Khi đó, tôi mới lên ba, lên bốn, nên không biết. Nhưng đến năm tôi mười ba, mười bốn tuổi, có một ngày mẹ tôi bảo: "Có chuyện này chắc con không hề biết, nhưng mười năm trước đây ông Ōsakaya chơi họ mà bỏ giữa chừng. Nhà ta đã nhận không của ông ấy 2 Shu tiền vàng. Từ bấy đến nay, mẹ vẫn luôn áy náy. Gia đình võ sĩ mà cứ lặng im lấy tiền của phường buôn là không được. Trước đây, mẹ đã muốn trả ông ấy mà mãi chưa thực hiện được. Năm nay mới có chút tiền. Con hãy đem 2 Shu này đến trả ông Ōsakaya và hậu tạ ông thật cẩn thận!". Mẹ tôi nói và đưa tiền đã được bọc trong gói giấy cho tôi đi trả ông Ōsakaya. Nhưng có vẻ như đó là điều không hề nghĩ tới, nên ông bảo: "Cậu đem trả tiền làm tôi khó nghĩ quá. Chuyện xưa cũ rồi, không cần phải áy náy gì cả!" và một mực từ chối. Còn tôi, vì nghe theo lời mẹ, nên nhất định phải trao được tận tay ông làm đôi bên giằng co như sắp cãi nhau. Cuối cùng, tôi cứ để đấy mà đi về. Cho đến nay đã năm mươi hai, năm mươi ba năm trôi qua, chuyện đã thành xưa cũ mà tôi vẫn nhớ như in lời mẹ dặn và nhớ cả ông Ōsakaya. Tôi không nhớ chính xác ngày, tháng, năm nhưng đó là vào buổi sáng. Tôi đi đến nhà ông Ōsakaya Gorobei ở góc phía Tây Nam, trên con đường gọi là Shimo shōji (Hạ-tiểu-lộ) của lãnh địa Nakatsu, vùng Buzen và đã trao tiền cho em trai của ông là ông Ōsakaya Genshichi (Đại-Phản-Ốc Nguyên-Thất), vì ông Gorobei vắng nhà. Chuyện đó đã đọng lại trong trí óc tôi từ thuở nhỏ, nên riêng về chuyện tiền bạc tôi không thể làm điều xấu được.Không có tiền thì đợi đến khi có mới tiêuSau đó, tôi dần trưởng thành lên. Khi còn ở Nakatsu, bên cạnh việc theo Hán học, tôi có làm phụ giúp gia đình như những việc ruộng vườn, giã gạo, thổi cơm, không nề hà việc gì. Tôi sinh ra trong một gia đình võ sĩ hạng thấp và nghèo. Đến năm 21 tuổi, lần đầu tiên ra khỏi nhà và đi Nagasaki, lúc đó tất nhiên không có tiền để đóng học phí. Khi thì tôi làm công việc trông chùa, lúc lại được ăn nhờ ở đậu nhà thầy dạy súng thuật và cố gắng học Hà Lan học trong hoàn cảnh thiếu thốn. Sau này lên Ōsaka, đến học trường của thầy Ogata thì vẫn như trước, tiền vẫn là thứ đáng lo, nhưng tôi chưa vay ai bao giờ. Tôi hiểu rõ một điều rằng, vay tiền của người khác đương nhiên sẽ đến lúc phải trả. Nếu quả thực có lúc trả được thì chi bằng chuẩn bị tinh thần đợi đến khi có tiền mới tiêu, chứ không vay nữa. Bởi vậy, 2 Shu hay 2 Bu thì không nói, đến cả 100 Mon tiền lẻ, tôi cũng không vay mà quyết đợi cho đến khi nào mình có tiền. Tôi cũng không đem đi cầm đồ bao giờ. Áo quần thì cả khi học ở trường Ogata, mẹ tôi cũng đều gửi đồ mùa đông, mùa hè mà mẹ đã tự dệt lấy bằng bông. Tôi nghĩ, đem đi cầm đồ thế nào cũng có lúc phải đến chuộc lại. Nếu chắc chắn có tiền chuộc lại thì đợi đến lúc có tiền sẽ tốt hơn, nên dù có việc cần tiêu tôi vẫn cố không đem đi cầm đồ. Nhưng lúc cần tiền, không có không được, tức là lúc mà nói ra thì xấu hổ, chính là khi thèm uống rượu thì tôi quyết định đem bán đứt. Chẳng hạn, một tấm áo Yukata (dục-y) đem đi cầm đồ được 2 Shu, nhưng nếu cứ ký gửi luôn ở đó, không lấy về nữa, thì được 2 Shu 200 Mon, nên tôi quyết định làm theo kế sách kinh tế, là đem bán đứt một lần. Hồi đó, tôi vẫn chưa kiếm được tiền nhờ sao chép sách. Đã quyết tâm theo đường học vấn thì việc chi dùng thời gian vào việc kiếm tiền là phí phạm. Với bản thân, một khắc là ngàn vàng, nên tôi đã chuẩn bị tinh thần khi không có tiền, không tiêu nữa. Hồi ở Ōsaka, tôi không vay của ai một đồng nào, sau đó lên Edo cũng vậy, không hề vay tiền ai. Chỉ cần tưởng tượng đến chuyện mình đi vay tiền của ai đó là tôi đã thấy sợ. Vay tiền của người ta mà bị họ đòi thì làm thế nào? Đó là chuyện thường thấy ngoài xã hội cũng như trong đám bạn bè. Có người vay tiền đến lúc phải trả, phải đành giật gấu vá vai, đi vay của người này để trả người kia. Nhưng kiểu cách ấy thì tôi không nể phục chút nào. Vay thì phải trả, mà như thế thêm việc vô ích. Đi vay tiền người ta mà ngồi yên được nửa ngày hay một ngày thì cũng tài. Tôi không sao hiểu được điều đó. Nói tóm lại, tôi là kẻ không hề dũng cảm, thậm chí có thể nói là nhát gan trong chuyện đi vay tiền người khác. Sự lo lắng khi vay tiền mà bị đòi, làm tôi có cảm giác như bị người khác cầm thanh kiếm sáng loáng đuổi từ đằng sau. Không thuê võng tre mà dành tiền mua ô và guốcTôi xin kể tiếp một câu chuyện chứng tỏ trên thực tế tôi quý trọng tiền bạc đến mức nào. Từ khi lên Edo, tôi có thêm bạn bè học trong trường của thầy Ōtsuki Shunsai (Đại-Quy Tuấn-Trai) ở đường Neribei Kōji (Luyện-Biên Tiểu-lộ), khu Shita'ya (Hạ-Cốc). Lúc đó, tôi ở Teppōzu và đến chỗ người bạn để hàn huyên. Tối về đang đi trên đường Neribei Kōji, đến cầu Izumi-bashi (Tuyền-kiều) thì trời đổ mưa. Thế này thì bí quá, không thể về Teppōzu ngay được. Quay ra, thấy có người hàng võng ở ngay góc cạnh cầu Izumi-bashi, ướm hỏi xem về Teppōzu mất bao nhiêu thì được trả lời là 3 Shu. Tôi nghĩ bỏ những 3 Shu ra để đi võng, lãng phí quá. Tôi có chân để đi và quyết định không lên võng tre nữa, mà để ý thấy có hàng guốc gần đó liền ghé vào mua một đôi Geta , với một chiếc ô. Vị chi mất có hơn 2 Shu. Sau đó, tôi bỏ đôi Setta đang đi vào trong tay áo và thay bằng đôi Geta mới, giương ô đi về Teppōzu. Trên đường, tôi tự đắc với mình: "Ô với Geta này còn dùng được, chứ leo lên võng tre, thế là xong, sau đấy chẳng còn giữ lại được gì!" và nghĩ phải hạn chế những chi tiêu vô bổ. Tôi chú ý đến cả những chuyện nhỏ như vậy, nên bạn đọc có thể suy đoán sang những chuyện khác. Tôi không bao giờ tiêu tiền một cách vô ích. Thường thì cho khoảng 2 Bu hoặc 3 Bu vào phong bì mang theo người. Tôi vốn thích rượu và chỉ khi đi uống với bạn bè, tôi mới cần tiền, còn không bao giờ la cà vào các quán xá uống một mình. Quý trọng tiền như vậy, nhưng tiền của người khác, tôi lại không bao giờ màng tới. Ngoài chuyện với nhà ông Okudaira, tôi bắt chước người Triều Tiên tham lam vơ vét, còn với những người khác tôi không bao giờ nghĩ đến tiền bạc của họ mà luôn tâm niệm một điều là phải tự thân độc lập, không dựa dẫm vào ai.Giao tiền đúng vào ngày xảy ra sự biếnNăm Keiō thứ ba, tức là vào khoảng mùa đông trước của cuộc Minh Trị duy tân, tôi đã mua khu Yashiki hạng trung , rộng chừng 400 Tsubo (khoảng 1320m2-ND) của lãnh chúa Arima ở khu Shinsenza, Shiba. Theo luật trước đây của Tướng quân Tokugawa chỉ cho phép đổi Yashiki chứ không được mua bán. Nhưng những năm cuối cùng của thời Edo, Tướng quân Tokugawa đã tiến hành nhiều cải cách căn bản. Yashiki của võ sĩ cũng có thể mua bán được bằng tiền. Và tôi nghe nói lãnh chúa Arima định bán khu Yashiki hạng trung ở khu Shinsenza, nên nhờ một người tên là Ōhashi Eiji (Đại-Kiều Vinh-Thứ), làm việc cho ông Kimura Setsutsu-no Kami cùng ở khu Shinsenza hỏi giúp và hứa là sẽ mua khu Yashiki này, giá là 355 Ryō. Thời đó, giữa võ sĩ với võ sĩ khi trao tiền cho nhau không có giấy tờ biên lai gì, mà chỉ trao qua tay. Người ta bảo bán, tôi bảo muốn mua và tiến đến thỏa thuận ngày giao tiền, quyết định là ngày 25 tháng 12 sẽ đem đến để họ chuẩn bị nhận. Hẹn chắc chắn như thế, nên trước hôm đó, tôi chuẩn bị đủ 355 Ryō, gói vào khăn và sáng sớm hôm sau mang đến Yashiki của ông Kimura ở Shinsenza, thấy cửa đóng then cài. Tôi gọi người gác cổng: "Mở cổng cho tôi với! Sao lại đóng kín mít thế này?", thì được trả lời rằng: "Không thể mở được!". "Sao lại không mở được? Tôi là Fukuzawa đây!". Chuyện là trước đây có lần tôi đã được đi Mỹ cùng ông Kimura, nên thường xuyên ra vào như người nhà. Vì vậy, người gác cổng khi nghe thấy bảo Fukuzawa liền ra mở ngay, nhưng sao gần đó lại có tiếng rất ầm ĩ. Tôi không hiểu chuyện gì và nhìn về phía Nam thì thấy cột khói đen ngòm. Sau đó, tôi lên hiên nhà ông Kimura, gặp cậu Ōhashi ở đó và hỏi: "Không biết có chuyện gì mà ầm ĩ thế nhỉ?". Cậu ta thì thào bảo: "Cậu không biết chuyện gì xảy ra thật sao? Tình hình lại gay go rồi, đại bạo loạn đấy! Người của ông Saka'i (Tửu-Tỉnh) đến đốt khu Yashiki của lãnh địa Sasshū ở Mita. Đúng là đại bạo loạn thật! Như chiến tranh ấy, cậu ạ!". Nghe thấy thế tôi rất đỗi ngạc nhiên: "Thế mà tôi không biết gì. Tình thế lại trở nên gay go hơn rồi nhỉ. Nhưng chuyện đó là chuyện đó, còn tôi hôm nay mang tiền đến trả cho lãnh địa ấy đây này! Cậu giao cho họ giúp tôi với!". Thấy tôi nói vậy, cậu Ōhashi phản đối: "Sao lại có thể như thế được? Bây giờ không phải là lúc nghĩ đến chuyện nhà cửa! Tình hình này thì nhà đất ở Edo chẳng đáng một xu! Thôi, cậu bỏ ý định mua nhà ngốc nghếch ấy đi. Đừng dại dột mà làm những việc như vậy vào lúc này!". Nhưng tôi không chịu: "Không thể như thế được! Đã hứa là hôm nay sẽ đến trao tiền cho họ nên phải giao!". Cậu Ōhashi nhìn ra phía ngoài và quay vào bảo: "Hứa thì hứa, nhưng cũng phải tùy tình hình chứ! Trong lúc hỗn loạn thế này mà cậu đòi mua nhà, có phải dại không? Bây giờ quả thực cậu muốn mua, cứ bảo họ giảm xuống một nửa. Họ sẽ giảm cho đấy! Chỉ cần 100 Ryō là họ đã mừng rỡ bán tống bán tháo đi ngay! Nhưng tạm thời bây giờ cứ dừng lại! Thôi đi! Thôi đi!". Cậu ta không thèm để ý đến lời tôi nói, nên tôi phải nhắc lại: "Cậu Ōhashi, không thể thế được! Cậu nghe cho rõ hộ tôi đây này. Khi thỏa thuận cậu đã hứa thế nào với ông Arima? Chẳng phải là cậu chỉ bảo ngày 25 tháng 12, tức là hôm nay, sẽ đem tiền đến và nhờ ông ra nhận giùm, chứ ngoài ra có nói gì khác đâu? Trong lời hẹn của cậu không có câu: "Nếu có sự biến, tôi xin phá lời hẹn này và sẽ chỉ mua với số tiền bằng một nửa số tiền đã giao hẹn ban đầu", đúng không? Cậu không hề nói như thế đúng không? Trong trường hợp không có hợp đồng mua bán thì giao ước giữa con người với nhau sẽ làm bằng chứng. Khi đã thỏa thuận về việc mua bán mà bên mua không trả tiền là lỗi lớn. Thế nên, phải đi trả thôi. Hơn nữa, tôi còn có một điều muốn nói. Nếu theo đúng như cậu nói là phải giảm giá xuống thành một nửa của 355 Ryō, hoặc chỉ 100 Ryō thôi. Vì bây giờ là thời loạn, nên nhà ông Arima có thể sẽ chịu bán. Và tôi sẽ mua một thứ đáng giá 355 Ryō chỉ với 100 Ryō. Sự biến có thể ngày càng gay go hơn. Bây giờ, người của ông Saka'i đốt Yashiki của lãnh địa Satsuma ở Mita, nhưng không phải không đến lúc thiên hạ yên bình trở lại. Mọi sự sẽ qua, thiên hạ sẽ yên bình trở lại và tôi sẽ đến sống trong khu nhà ấy. Kerai của ông Arima rất đông, chắc mỗi lần đi qua họ sẽ lườm vào và bảo: "Nhà này ngày xưa đã thỏa thuận bán với giá 355 Ryō, nhưng đúng hôm giao tiền thì ở Mita có đại loạn, nên chỉ bán được có 100 Ryō. Nhà Fukuzawa được lời những 255 Ryō, còn ông Arima thì bị thiệt 255 Ryō". Chắc chắn mỗi lần đi qua đi lại họ sẽ lườm vào chứ không sai. Dù không nói ra, chắc chắn họ cũng nghĩ trong lòng như thế và sẽ ra mặt khó chịu. Mà tôi lại không muốn sống trong một ngôi nhà ám thứ không khí khó chịu như vậy. Chuyện gì cứ gác đấy, với tôi không hề hấn gì. Cậu cứ giao tiền này cho họ giùm tôi. Dù có thiệt cũng không sao. Số tiền được đem đến đây chỉ là để giao cho người ta, chứ bây giờ không phải là lúc nghĩ đến chuyện vào đó sống. Có thể, vì bạo loạn, tôi phải lánh đi, nhưng khi nào xảy ra sẽ tính. Ở đời, chuyện gì xảy ra nào có ai biết được? Người nghĩ là chắc chắn sẽ sống cũng có khi đột nhiên ngã xuống. Mà thôi, chung quy lại là món tiền này phải đem đi giao cho người ta!". Tôi vặn lại như thế, cuối cùng cậu ta mới đem đi trả giúp. Về chuyện tiền bạc, tôi luôn giữ đúng lời hứa và những điều đã thỏa thuận. Đó là do tôi mang trong mình bản chất của gia đình võ sĩ xưa, quan niệm rằng, để cho tâm hồn mình bị vướng bận bởi sự thiệt hơn về tiền bạc là điều nhơ bẩn, hèn hạ.Từ chối nhận tiền chuẩn bị cho con lưu họcLại có một chuyện gần giống như câu chuyện tôi vừa kể trên. Đó là vào khoảng năm Minh Trị thứ nhất (1868-ND), có một thương gia giàu có ở Yokohama đứng ra xây dựng trường và nhờ các giáo viên trẻ của trường Keiō-gijuku đến dạy giúp. Ông ta còn có ý nhờ tôi đến trường mới đó điều hành. Lúc đó, tôi đã có hai con trai và một con gái. Cậu con lớn 7 tuổi, còn cậu bé thì độ 5 tuổi. Tôi có nguyện vọng là khi nào các con lớn lên sẽ cho đi lưu học. Thế nhưng, nhìn ra bên ngoài lúc đó thấy các học giả cũng như những quan chức đều nhờ chính phủ để mong cho con em đi lưu học bằng tiền của công, nhiều người vui mừng, vì sau khi chạy vạy, nhờ vả khắp nơi đã lo liệu được cho con mình.Thấy thế, tôi rất khó chịu. Con mình sinh ra, cho đi lưu học ở nước ngoài được là tốt, nhưng nếu nghèo quá không cho đi được cũng không sao. Chỉ vì thế mà đi van lạy người ta như đi ăn mày thì hèn hạ quá. Nhìn họ mà trong thâm tâm tôi cười ra nước mắt. Tôi có hai con trai. Đến năm các con mười tám, mười chín tuổi, tôi cũng muốn cho đi lưu học, nhưng vấn đề đầu tiên là tiền bạc. Tôi có suy nghĩ phải làm thế nào đó để kiếm tiền, nhưng đối với tôi, làm ra được số tiền ấy là điều rất xa vời. Học phí cho hai con trong suốt mấy năm ròng sẽ là một khoản tiền lớn, liệu một tay tôi có lo nổi không là điều mà tôi không thể chắc chắn được. Lúc nào tôi cũng lo nghĩ về việc này, vì chưa tìm được một giải pháp tốt nào. Mà đó không phải là điều đáng phải hổ thẹn, nên tôi không ngại tâm sự với mọi người. "Tôi cần tiền. Phải nói là rất cần. Tôi muốn làm thế nào đó để cho các con được đi lưu học. Bây giờ, con tôi mới năm tuổi, bảy tuổi, nhưng chỉ mười năm nữa là đã phải lo liệu. Giá mà lúc đó có đủ tiền thì tốt biết mấy". Không hiểu ai đó nói lại với thương gia nọ, nên một hôm ông đến chỗ tôi và ngỏ lời rằng: "Tôi muốn nhờ cậu làm hiệu trưởng điều hành cho tôi, nhưng không phải trả lương cho cậu theo tháng là mấy trăm yên đâu. Tôi chắc cậu cũng không màng đến khoản lương tháng đó, nên nghĩ ra một cách thế này, chắc không có cách nào hay hơn nữa. Cậu có hai con trai. Tôi sẽ trả cho cậu đủ số tiền để hai cậu ấm đi học ở nước ngoài, cậu nghĩ thế nào? Bây giờ, tôi có trả cậu 5.000 yên hay 10.000 yên thì cậu cũng không cần đến. Chi bằng tôi sẽ gửi số tiền này vào đâu đó và trong thời gian đợi các cháu trưởng thành, số tiền đó cũng sinh lợi thêm ra, chắc chắn sẽ thành một khoản tiền lớn, đủ để các cháu ăn học đàng hoàng. Cậu nghĩ thế nào về chuyện này?". Quả thực lúc đó, tôi cũng cho đây là một ý kiến hay. Đúng lúc tôi cần thì khoản tiền cho hai con đi du học lại như từ trên trời rơi xuống. Mà tôi lại phải trả lời ông thương gia ngay lúc đó, nhưng đã nghĩ thế này: "Ông đợi một chút, tôi có lý do để không làm hiệu trưởng điều hành cho trường của ông. Bây giờ, ông đưa ra chuyện tiền bạc, nghe thấy chuyện đó mà tôi thay đổi quyết định từ trước và đáp ứng yêu cầu điều hành trường học cho ông, chẳng hóa ra những điều tôi đã quyết định từ trước là sai à? Nếu quyết định trước đây là đúng thì việc bây giờ tôi đồng ý nhận tiền của ông sẽ là sai. Vì đồng tiền mà thay đổi quyết định của mình, nhìn thấy đồng tiền là có thể làm bất cứ việc gì, quả thực là điều tôi không thể. Từ trước đến nay, tôi nói cần tiền là vì sao? Là để cho các con tôi! Mục đích của tôi là giúp cho các con đi lưu học, trở thành những người có học hành đàng hoàng. Nhưng không lẽ cho con cái học hành lại hoàn toàn thuộc về nghĩa vụ của người làm cha, làm mẹ? Điều này cần phải suy nghĩ. Con cái trong nhà là do mình sinh ra thật, nhưng cha mẹ chỉ cần cho con ăn mặc đầy đủ và học hành ở mức có thể là đã quá nhiều. Không có lý lẽ nào cho rằng bằng mọi giá mà cha mẹ không cho con được hưởng một nền giáo dục cao nhất thì coi như cha mẹ chưa làm trọn nghĩa vụ của mình. Cha mẹ đã quyết định một việc mà chỉ vì con cái thành ra thay đổi, tiến lui sẽ mất hết tự tin và tính độc lập của mình. Nói là cha mẹ vì con cái, nhưng cha mẹ là cha mẹ, mà con cái là con cái. Không có lý do gì mà vì con cái cha mẹ phải cung phụng hay thay đổi phẩm tiết của mình. Sau này, nếu vì không có tiền mà con tôi không được ăn học đến nơi đến chốn là do số mệnh của đứa trẻ đó. May mắn ra nếu có tiền, tôi sẽ nuôi ăn học chu đáo, nếu không có thì đành chịu để con thất học vậy. Tôi đã quyết tâm như thế. Mặc dù biết ông rất có nhã ý giúp đỡ mới đến nói chuyện như vậy, nhưng ông không hiểu những ý nghĩ trong đầu tôi". Tôi đành tìm cách từ chối khéo để ông thương gia nọ khỏi phật lòng. Chính trong lúc nói điều đó tôi nhìn các con ở trước mặt mà thầm lo cho tương lai của chúng. Tôi cũng quay lại nhìn mình. Những ý nghĩ đan xen làm tôi lưỡng lự, tiến một bước lại lùi về một bước và khó khăn lắm mới quyết định được. Câu chuyện coi như kết thúc ở đó. Sau đó, tôi vẫn chú tâm chăm sóc gia đình như trước và cố gắng dịch sách thêm, không ngờ nhờ dịch sách mà tôi có thu nhập dư dả. Lúc các con chưa đến tuổi trưởng thành, tôi đã có đủ tiền, nên để lo cho con sau, mà cho cháu Nakamigawa Hikojirō (Trung-Thượng -Xuyên Ngạn-Thứ-Lang) sang Anh học trước. Hikojirō là cháu duy nhất của tôi, mà tôi cũng là cậu duy nhất của cháu, không còn ai khác nữa, nên tôi coi cháu như con đẻ của mình.Trong suốt ba, bốn năm cháu học ở Anh cũng chi mất khá nhiều, nhưng tôi vẫn chuẩn bị đủ tiền cho hai con, nên cho cả hai sang Mỹ học trong sáu năm liền. Nghĩ lại tôi hết sức hài lòng và nghĩ rằng, việc không nhận tiền của ông thương gia đó là đúng. Nếu nhận chắc một đời phải áy náy chịu ơn. Tôi nghĩ trước đây mình đã quyết định đúng đắn. Bây giờ, tôi có cảm giác nhẹ nhàng như việc đã khéo léo tránh để không làm xây xước một viên ngọc quý.Kiên quyết không nhập nhằng trong chuyện mua vé tàuChuyện tiếp theo này không phải là về một khoản tiền lớn như chuyện tôi vừa kể ở trên, mà chỉ liên quan đến một số tiền rất nhỏ. Nhưng dù có thế tôi vẫn không thích những sự nhập nhằng, gian lận về tiền bạc. Đó là vào mùa xuân năm Minh Trị thứ chín (1876-ND), tôi dẫn con trai đầu Ichitarō và con trai thứ hai Sutejirō đi thăm quan vùng Kamigata . Lúc đó, con lớn đã mười hai tuổi và con trai thứ hai lên mười. Ba cha con tôi không dẫn theo người hầu nào, lên tàu chở bưu phẩm của công ty Mitsui từ Yokohama. Vé một chỗ ngồi cao cấp giá 10 hay 15 yên gì đó. Tôi trả tiền vé theo đúng quy định và đến Kōbe. Chúng tôi nghỉ một đêm ở nhà cung ứng hàng cho tàu bè của ông Kimba Koheiji (Kim-Trường Tiểu-Bình-Thứ), một người thân quen trước đây. Sau đó, cha con tôi đi thăm các danh thắng ở Nara, Kyōto, Ōsaka và trở về Kōbe để lên tàu khách của công ty Mitsui. Tôi nhờ người điều hành của nhà cung ứng hàng mua vé giúp, nhưng khi chúng tôi lên tàu và nhận vé thì chỉ có một vé của người lớn cùng hai nửa vé dành cho trẻ em. Tôi mới gọi lại bảo đã nhờ anh ta mua giúp hai vé người lớn, một vé dành cho trẻ em mà hình như có sự nhầm lẫn và nhờ đổi giúp. Nghe thấy tôi hỏi như vậy, anh ta không hề ngạc nhiên và trả lời: "Không có gì nhầm lẫn ở đây đâu ạ. Tôi đã hỏi rõ về ngày tháng năm sinh của cậu lớn nhà ông. Tính đúng ra cậu ấy mới chỉ mười hai tuổi và hai, ba tháng nên chỉ cần nửa vé là được. Quy định có ghi rõ là người từ 12 tuổi trở lên, nhưng cả những cháu 13 hay 14 tuổi cũng chưa có ai mua cả một vé như của người lớn bao giờ". Tôi không đồng ý nên bảo: "Kể có là hai, ba tháng hay hai, ba ngày cũng thế, quy định là quy định! Nhất quyết tôi sẽ trả theo đúng quy định đã được đặt ra!". Nhưng cậu ta cũng khá ngoan cố và nói ra vẻ dạy đời: "Không ai lại làm điều dại dột thế đâu ạ!". Tôi mới bảo: "Dại dột hay ngu ngốc, gì cũng được. Tôi sẽ bỏ tiền trả cho những thứ cần trả và nhờ cậu lo giúp. Cậu đừng nói gì nữa. Làm giúp tôi đi!". Tôi nói như vậy và đưa thêm cho anh ta mấy yên. Trong khi chuẩn bị lên tàu vội vã mà tôi đã phải loay hoay với việc đổi vé như vậy. Theo tôi, làm như thế không có gì là lạ cả. Mua hàng thì đương nhiên phải trả tiền. Tôi nghĩ mọi người đều như vậy. Nhưng bây giờ thử lên tàu, thấy có những người chỉ mua vé xanh mà lên ngồi ở mãi hàng nghế chất lượng cao. Ngày trước, cũng có những người chỉ mua vé xanh từ Yokohama, chiếm ghế ngồi hạng cao cấp và đến tận Kanagawa. Đúng hôm đó tôi đi từ Hakone về, nhìn thấy tấm vé hạng trung trong tay họ và nghĩ đúng là kẻ không biết liêm sỉ.Từ chối nhận trợ cấp từ lãnh địaQua những chuyện tôi kể trên, bạn đọc có thể cho rằng, tôi là một người liêm khiết, nhưng thực ra không phải thế. Chính con người mà bạn đọc cho là liêm khiết đó lại có những hành động hết sức vô liêm sỉ và hoàn toàn không trong sáng đối với lãnh địa, nơi mình sinh ra. Câu chuyện hơi dài, nhưng tôi cũng xin được kể về những thay đổi lớn xung quanh chuyện tiền bạc trong những năm gần đây. Sau cuộc duy tân, để làm tròn trách nhiệm với các võ sĩ của mình, Mạc phủ đưa ra ba cách lựa chọn: Cách thứ nhất là trở thành Vương thần. Cách thứ hai vẫn giữ nguyên là Mạc thần và chuyển tới Shizuoka. Cách thứ ba là bỏ chức tước, phẩm vị để thành thường dân. Tất nhiên, tôi trả lời rằng, muốn thành một người dân bình thường và từ đó bỏ cả hai thanh kiếm lớn nhỏ, để thắt lưng trần. Cho đến lúc đó, tôi vừa là Kerai của Mạc phủ lại vừa nhận gạo trợ cấp của lãnh chúa Okudaira, tức vừa là Mạc thần của Tướng quân Okudaira, vừa là phiên thần của lãnh chúa Okudaira. Nhưng tôi đã tuyên bố sẽ trở thành người dân thường, tức là không thể nhận bổng lộc của Mạc phủ, đồng thời cũng từ chối luôn cả khoản trợ cấp gạo tương đương cho sáu hay tám người mà lãnh địa vẫn gửi cho. Lúc đó, cuộc sống của tôi trở nên khó khăn hơn, ở vào tình trạng lúc đủ, lúc thiếu, nhưng nói chung vẫn có hy vọng, nếu xoay xở thì không phải không lo được. Như tôi đã nói từ trước, tôi thuộc tuýp người không thiết tha đến tiền bạc. Trong trường hợp cần thiết, tôi có thể bán một số bản dịch để lấy tiền. Tôi lại vốn là người không bao giờ tiêu tiền một cách lãng phí, nên có một chút dự trữ, chứ không đến mức nghèo kiết xác. Tôi tính rằng nếu từ nay không ốm đau gì thì không cần nhờ vả đến ai cũng có thể duy trì cuộc sống, nên làm ra vẻ đàng hoàng, đến thưa với lãnh chúa rằng từ nay sẽ không nhận trợ cấp nữa. Nhưng trái lại, những viên chức của lãnh chúa lại đón nhận tin này với thái độ không lấy gì làm vui vẻ. Họ bảo: "Cậu không cần phải làm như thế! Chúng tôi vẫn cứ cấp cho cậu như trước đây!". Tôi khăng khăng từ chối và cứ như thế lời qua tiếng lại khá ầm ĩ. Thật không hiểu ra làm sao! Khi tôi xin không phải là họ dễ dàng chấp nhận cho ngay, nhưng khi tôi từ chối, họ lại cố tình ép buộc phải nhận. Cuối cùng, họ kết luận rằng tôi là kẻ đểu giả, tệ hại hơn nữa còn cho tôi là kẻ bạc nghĩa, bất trung. Tôi bực quá, nên bảo: "Thế thì tôi sẽ nhận tiếp. Tôi nhận, nhưng hàng tháng lãnh địa phải xay thóc đó ra thành gạo. Thêm nữa là phải nấu thành cháo cho tôi hàng ngày, chứ không phải hàng tháng. Tất cả công xay gạo và nấu cháo tôi sẽ trả luôn bằng thóc nhận được. Mong các ông giúp tôi! Các ông thấy sao? Tôi nói như vậy, vì nếu từ chối nhận trợ cấp từ lãnh địa, sẽ bị cho là bất trung. Mà tôi lại không có ý định sẽ khăng khăng từ chối đến mức phạm tội bất trung. Từ nay tôi sẽ chú ý. Nếu lãnh địa dùng gạo trợ cấp đó và nấu thành cháo, tôi sẽ loan tin cho những người ăn mày ở Shinsenza gần nhà, để mỗi sáng họ đến nhận. Tôi sẽ để cháo nhận được của ngài lãnh chúa ở trước cổng nhà và định sẽ bố thí cho những người khốn khó!". Cách nói bạo ngôn đó có vẻ như làm những viên chức của lãnh địa lúng túng, nên họ đành làm theo đề nghị xin thôi nhận trợ cấp của tôi. Và mối duyên nợ của tôi với lãnh địa cũng bị cắt đứt từ đó.Tham lam vơ vét của lãnh địa như những người Triều TiênNghe tôi kể, có thể các bạn nghĩ tôi là một đấng quân tử cao thượng, liêm khiết, nhưng nếu kể hết sự thật về "đấng quân tử cao thượng và liêm khiết" đó sẽ thành một chuyện đáng để người đời chê cười. Không phải chỉ riêng mình tôi, mà tất cả các võ sĩ cùng lãnh địa đều như thế. Mà không, không phải chỉ những võ sĩ của Nakatsu, mà tất cả những võ sĩ là thuộc hạ của các lãnh chúa trên toàn nước Nhật đều như nhau. Những thứ người ta nhận từ lãnh chúa được coi như bổng lộc, đã nhận là không bao giờ có ý trả ơn. Khi đến ăn cỗ và được mời rượu thì chỉ cúi đầu nhận, vẻ vui mừng mà không hề nghĩ chủ nhân đã phải vất vả thế nào. Người ta không cho đó là những mối quan hệ giữa con người với con người bình thường, nên về chuyện tiền bạc cũng vậy. Cách đối xử của tôi với lãnh địa Nakatsu là không bao giờ từ chối mà chỉ nghĩ làm sao để moi được tiền từ đó. Không hề giữ ý gì, lấy được bao nhiêu phải tranh thủ mà lấy. Họ đưa ra 1 Ryō hay 10 Ryō thì phải chộp lấy như người đi săn gặp con mồi vậy. Nói là mượn của lãnh địa, nhưng sau khi mượn xong thì coi như đó là của mình, không bao giờ có ý định trả lại. Chỉ cần nắm một chút trong tay, kể cả tiền vay hay tiền nhận được cũng đều như nhau, không hề nghĩ sau đó sẽ thế nào. Sự không có đạo lý, thiếu liêm sỉ đó không khác gì những người Triều Tiên tham tiền bây giờ. Lạ một điều là lúc nào cũng chỉ toàn nghĩ cách nói dối, nịnh bợ và làm đủ mọi cách để làm sao vơ lấy của lãnh địa được càng nhiều càng tốt. Giành lấy 150 RyōVề mấy vụ lấy tiền của lãnh địa vì những người của lãnh địa như cậu Obata và những người khác khi lên Edo, tôi đều đứng ra giúp đỡ, nhưng những chi phí đó tất nhiên lãnh địa không cho. Để có tiền chi tiêu cho những việc như vậy, tôi đã phải dùng hết tài trí của mình và làm đủ mọi cách. Chẳng hạn, hồi đó ở Yokohama có ra tờ báo, như báo viết bằng tiếng nước ngoài ngày nay, mỗi tuần ra một số. Tôi mua báo đó về dịch, sau đó đến chỗ những người đại diện của lãnh địa Saga, Sendai và một hai lãnh địa khác nữa thuyết phục họ mua giúp. Nhờ đó, tôi có thể kiếm thêm ít nhiều. Hơn thế, tôi còn có kế kiếm tiền khác là bán những sách vở nguyên bản đã đem từ nước ngoài về mà không cần nữa. Vì phải lo việc ăn ở cho rất nhiều học sinh, nên không làm như vậy không thể được. Có lần tôi nghe nói đại diện của lãnh địa Nakatsu đặt tại Edo đang có nguồn thu, nên lập tức viết đơn xin vay. Tôi nói dối rằng có hẹn đến đúng ngày này, tháng này, vì lý do này, tôi sẽ có tiền và đến chỗ Karō xin vay. Tôi trình bày rằng có việc cần thế này thế kia, nên nhờ ông cho vay 150 Ryō. Karō lúc đó là ông Hemmi Shima (Dật-Kiến Chí-Ma) , một con người nghiêm túc, nhưng ông chỉ trả lời một cách mơ hồ rằng nếu trong một thời gian ngắn thì cho vay cũng được. Chỉ cần nghe nói thế, tôi liền sang ngay khu sự vụ gặp người chịu trách nhiệm chính. Tôi trình bày rằng, đã đến nói chuyện với ông Hemmi Shima và ông đã bảo có thể cho vay, không có vấn đề gì, nên hôm nay tôi đến để nhận về. Anh sự vụ có vẻ bán tín bán nghi, hỏi chuyện này là từ bao giờ, chỉ có như thế không thể xuất tiền ra được và làm ra vẻ mặt cau có. Nhưng tôi bảo dù thế nào mọi việc cũng đã hoàn tất, ông ta chỉ việc giao tiền cho tôi là được, không có gì là khó khăn ở đó cả. Tôi thuyết phục mãi, nhưng thực ra ông Karō mới chỉ nói một cách mập mờ rằng, hiện nay không phải là không có tiền, có cho vay cũng không vấn đề gì. Về phía mình, tôi làm như mọi việc đã xong và đến ngay chỗ ông thủ quỹ, người thực tế nắm chìa khóa ngân quỹ và bảo ông ta đưa tiền cho. Tôi bảo chuyện là như thế, có vấn đề gì thì cũng không phải lỗi của ông ta, mà là việc làm chính đáng. Chỉ cần ba tháng sau là tôi có tiền và sẽ trả lại ngay. Tin sét đánh ngang tai chưa kịp định thần và không bàn bạc với những viên chức khác, ông ta vào lấy luôn 150 Ryō đưa cho tôi. Khi đó, tôi như người đang cầm viên ngọc quý của Long cung và giữ khư khư, chứ không hề có ý định trả lại về cho chủ cũ. Thật là tồi tệ! Nhưng cũng nhờ đó mà trong suốt một năm tôi không phải lo lắng đến chuyện tiền bạc. Lấy danh nghĩa sách nguyên bản để kiếm tiềnCó lần tôi đã mang sách nguyên bản đến chỗ Karō tên là Okudaira Iki và nhờ mua giúp. Karō vốn là một chuyên gia, nên khi nhìn thấy cuốn sách liền bảo ngay: "Cuốn này hay đấy. Chắc là đắt!". Ông ta hết lời khen ngợi, nhưng tôi vốn biết rõ bụng dạ ông ta thế nào. Nếu tôi vênh vang bảo cuốn đó rất hữu ích và giá mà tôi bán là giá rẻ không ngờ, ông ta sẽ nói: "Nếu đúng như thế, cậu đem đi chỗ khác mà bán!". Tôi biết rõ tim đen của ông ta, nên đã đón đầu: "Đúng thế! Đây là cuốn sách mà tôi rất cần! Tôi đến nhờ ông mua giúp vì nhờ đó có thể nhận tiền để chi tiêu, nhưng lại có thể mượn về lúc nào cần. Thực ra, đó là cách để tôi nhận không tiền của lãnh địa. Vì vậy, tôi mạo muội bày tỏ thật suy nghĩ của mình và mong ông cấp cho tôi tiền, trên danh nghĩa là tiền mua sách. Nói tóm lại, tôi chỉ là một kẻ ăn mày khéo xin mà thôi!".Thấy tôi nói thẳng căng ra, ông ta cũng đành chịu. Chuyện tôi dám làm như vậy là vì, có nghe kể rằng, chính ông ta đã đem bán một cuốn sách nguyên bản cho lãnh địa với giá 20 Ryō gì đó, nên có một đối sách ngầm là nếu ông ta từ chối, tôi sẽ tung mọi chuyện ra. Đây quả thực là một phương tiện uy hiếp hữu ích, nên ông Karō không còn cách nào khác, đành thuận theo. Tôi lấy danh nghĩa là bán sách theo đúng như tiền lệ đã có từ trước để lấy hơn 20 Ryō. Trong đó, tôi gửi về quê cho mẹ 15 Ryō, tạm thời giúp cụ qua cảnh nghèo túng.Con người là sâu mọt của xã hộiNhư vậy, tôi đã làm một việc hết sức đáng bị khinh bỉ và không còn gì để biện minh. Tôi làm việc đó mà không hề biết xấu hổ, không hề cho rằng, đây là việc xấu, mà chỉ nghĩ, nếu không lấy thì thiệt mà thôi. Như người đi săn sẽ chọn việc bắn một con chim nhạn hơn là đem về một con sẻ nhỏ, tôi đã chỉ nghĩ là làm thế nào để có thể lấy được một khoản tiền lớn và thầm hãnh diện về việc mình làm. Đó thực ra là một điều đáng khinh rẻ, nhưng bản chất của tôi không hẳn là tồi tệ đến mức đó. Tôi sinh ra trong một gia đình mà gia phong không phải là tồi, từ nhỏ đã được giáo dục bởi một người mẹ có tâm hồn trong sáng và ngay thẳng. Tôi tự đặt ra cho mình một nguyên tắc: Khi giao du với người khác, không bao giờ được màng đến tiền bạc của họ. Nhưng chỉ với những cơ quan chức trách của Mạc phủ là tôi luôn có dã ý làm những việc trái với nguyên tắc sống của mình mà không hề cảm thấy xấu hổ. Thế mới thấy con người chính là sâu mọt của xã hội. Tình hình xã hội mà luôn ở một trạng thái ổn định thì sâu mẹ sẽ đẻ sâu con và cứ như thế đến vô tận. Để thay đổi bộ mặt của những con sâu, tức những nô lệ của thói tục cũ đó, xã hội cần có một cuộc cải cách lớn. Bởi vậy, sự kiện Mạc phủ, tức bộ máy chính quyền đã từng tồn tại trong suốt 300 năm bị lật đổ, là một cuộc cải cách lớn của xã hội Nhật Bản. Theo đó, tôi như người tỉnh dậy sau cơn mộng mị và thay đổi hẳn cách ứng xử của mình với Mạc phủ. Cho đến nay, tôi đã làm những điều đáng xấu hổ, vì đã quá tôn sùng người của Mạc phủ, coi họ là người cao quí và tài sản của họ là của công, của thiên nhiên. Vì thế, chính tôi bất giác đã trở thành kẻ vô liêm sỉ. Nhưng từ nay, các lãnh chúa cũng là những người bình thường, bình đẳng như bao người khác. Từ cách nhìn nhận này tôi đi đến ý nghĩ cho rằng, việc tham lam vơ vét đồ của người khác là không xứng đáng với một người đàn ông. Khi đó, tôi không nghĩ sâu sắc và cũng không nói ra bằng lời, nhưng hiểu trong mình đã có một sự chuyển biến lớn. Một người trước đây đã từng làm những việc đáng khinh rẻ với Mạc phủ như vậy, mà sau này có lúc người của Mạc phủ mang đến cho, tôi cũng từ chối thẳng thừng. Tôi không từ chối thì bên ngoài cũng không ai cười chê mà tự nhiên lại biến đổi ra như vậy. Kẻ mà cho đến gần đây vẫn tham lam như người Triều Tiên, bây giờ lại thẳng thắn bỏ trả những thứ người ta đem đến cho mình và trở thành một kẻ sĩ cao thượng, liêm khiết không khác gì anh em nhà Bá Di, Thúc Tề . Đó há chẳng phải là một sự chuyển biến phi thường hay sao? Đây không phải là chuyện của người khác, mà chính là chuyện của bản thân tôi, là điều tự tôi nhìn lại và phê phán mình. Cũng phải nói thêm rằng, cùng với việc chính quyền phong kiến trung ương bị lật đổ thì tâm lý bị coi là nô lệ trong từng cá nhân cũng theo đó mà mất đi.Không nên đặt hy vọng vào văn minh Trung HoaNói rộng ra một chút phải nhắc đến Trung Hoa. Nhìn vào thực trạng hiện nay, khi mà nhà Mãn Thanh vẫn tồn tại thì việc đưa người dân Trung Hoa tiến lên khai hóa văn minh là điều không tưởng và vô ích. Nói gì thì nói, nếu đào đến tận gốc rễ chính quyền cũ và thiết lập một cơ cấu mới, lòng người cũng sẽ thay đổi theo. Chính phủ mới, dù có những nhân vật kiệt xuất đến thế nào, kể là có một trăm ông Lý Hồng Chương cũng không thể làm được gì. Người Trung Hoa muốn tiến hành khai hóa văn minh, thay đổi nếp nghĩ của người dân, không còn diệu kế nào khác hơn là phải lật đổ chính quyền trung ương hiện nay. Lật đổ được chính quyền đó, nhưng tiếp theo đó có tiến hành được cuộc Vương chính duy tân như ở Nhật hay không còn là điều khó mà bảo đảm được. Muốn giành độc lập cho đất nước, không còn cách nào khác là phải lật đổ chính phủ hiện nay. Chính phủ là của quốc gia hay quốc gia thuộc về chính phủ, những điều như vậy tôi chắc người Trung Hoa cũng hiểu. Sự yên ắng trong lãnh địa là nhờ chính mìnhTừ chuyện về tiền bạc tôi viết lan man thành ra dài dòng, nhưng tiện đây, tôi cũng xin kể một chút về lãnh địa Nakatsu. Như đã nói ở phần trên, tôi không tham dự gì vào những cuộc tranh luận về chính trị ngoài thiên hạ như Cần vương, Tá Mạc. Về đường hướng chính trị của lãnh địa Nakatsu, tôi cũng rất lạnh nhạt, nên tự do, không phải vướng bận gì. Khi cuộc Vương chính duy tân được tiến hành, quan sát sự tình của các lãnh địa, tôi thấy những tranh luận về Cần vương, Tá Mạc ngày càng lan rộng. Hơi xảy ra chuyện gì là người ta liền bắt các cựu đại thần mổ bụng tự sát. Hoặc để cải cách thể chế hành chính của Mạc phủ với một quyết định anh minh nhất, lại nổ ra những cuộc tranh luận và chia bè phái dẫn đến mâu thuẫn, đổ máu. Trong mười lãnh địa, phải có đến tám, chín lãnh địa xảy ra tình trạng như vậy. Khi đó, nếu tôi có tham vọng chính trị và về lãnh địa phát biểu quan điểm của mình là Cần vương hay Tá Mạc thì nhất định sẽ xảy ra bạo loạn chứ không sai. Thế nhưng, tôi im lặng, không hề phát ngôn gì. Hơn nữa, còn thờ ơ đến mức có ai đến nói gì, tôi cũng gạt đi bảo không cần nói nhiều những chuyện như thế, nên thôi đi thì hơn. Nhờ vậy, lãnh địa Nakatsu rất yên ắng, không có chuyện giết chóc lẫn nhau. Tôi nghĩ đó là do tôi không bình luận, nên trong lãnh địa không có chuyện giết chóc, cũng không xảy ra việc người này thăng quan, người kia thoái chức hỗn loạn.Nói chuyện một cách nửa vời với những vị chức trách của lãnh địaNăm Minh Trị thứ ba (1870-ND) tôi về Nakatsu đón mẹ. Khi đó, thể chế hành chính của lãnh địa đang ở vào tình thế biến đổi mạnh mẽ. Nghe phong thanh Fukuzawa từ Tōkyō về, người ta cho gọi đến tư dinh của lãnh chúa. Ở đó đã tập trung đông đủ những vị chức sắc quan trọng của lãnh địa. Có lẽ họ đều chờ tôi đến và phát ngôn điều gì ghê gớm. Khi thấy tôi xuất hiện, họ hỏi xem lãnh địa cần phải làm thế nào, rằng, họ như đang đứng trong sương mù, phân vân không biết nên đi theo đường hướng nào. Họ nói với vẻ mặt rất lo lắng, nên tôi trả lời rằng: "Không cần phải làm gì cả. Các lãnh địa đang ầm ĩ về việc phải chia lại bổng lộc cho đều, còn theo tôi thì cứ để nguyên như hiện nay, không nên làm gì cả. Người nào trước kia nhận 1000 Koku thì nay vẫn giữ nguyên 1000 Koku, người nhận 100 Koku cũng cứ cho họ nhận 100 Koku. Giữ nguyên sự yên bình như hiện nay là thượng sách". Tôi nói cụ thể và rành rọt ý nghĩ đó, nên tất cả những vị chức sắc có mặt đều ngạc nhiên, đồng thời vui mừng ra mặt, khi thấy tôi trò chuyện một cách ôn hòa như vậy. Khuyên bán vũ khíKhi câu chuyện tiến sâu thêm, tôi đưa ra một đề nghị: "Như tôi vừa nói, vấn đề bổng lộc hay đẳng cấp nên để nguyên như vậy. Nhưng tôi muốn khuyến cáo một điều rằng, trong lãnh địa hiện nay có cả súng lớn và súng nhỏ. Có vũ khí thì lập được nước. Đó là điều dễ thấy. Thế nhưng, với những vũ khí mà các võ sĩ và lãnh địa có trong tay, liệu trên thực tế chúng ta có thể tiến hành chiến tranh được không? Tôi cho là không thể! Chẳng hạn như hôm nay mà người Chōshū đến làm bạo loạn, chúng ta cũng đành phải theo họ. Mà nhỡ quân Sasshū có kéo đến tấn công, chúng ta cũng không chống trả lại được, đành khuất phục theo. Đây mới là điều tôi thực sự lo lắng. Theo tôi, lãnh địa yếu thế không có lỗi, mà việc có vũ khí chỉ gây họa thêm. Thế nên, tôi chỉ muốn lãnh địa bán hết vũ khí đi. Nhìn lại, thấy đại bác của chúng ta toàn là đại bác Krupp . Thời giá bây giờ mỗi khẩu có thể bán được 3000, 5000 hay 10.000 yên. Chúng ta nên đem bán hết đi như đảo Ryūkyū (Lưu-Cầu) ngày xưa. Khi người Chōshū đến, ta cũng "Dạ, dạ", mà người Sasshū đến, ta cũng "Vâng, vâng". Nếu người Sasshū bảo thế này, thế kia, ta bảo họ đi mà nói trực tiếp với Chōshū. Còn khi người Chōshū yêu cầu gì, ta nên bảo họ trực tiếp đến nhờ người Sasshū. Nghĩa là ta nên chuyển những phiền toái cho người khác, còn lãnh địa chúng ta thế nào cũng chấp thuận được. Theo tôi xử sự như thế là hơn. Làm như vậy sẽ không có chuyện giết người, mà không giết người thì họ sẽ không có cớ gì để bắt ta. Hơn nữa, dù thế nào đất nước này cũng theo đường khai hóa văn minh. Vì vậy, chúng ta nên xây dựng trường học, giáo dục cho lớp trẻ trong lãnh địa theo chiều hướng đó là tốt nhất. Nếu chúng ta quyết định thực hiện theo phương châm này và bán hết sạch vũ khí đi thì quả là tuyệt vời. Ở đây có một chuyện thế này. Qua khảo sát tình hình Tōkyō, tôi thấy chính phủ mới đang định tiến hành cải cách toàn bộ hải quân và đang bí về chuyện tiền bạc. Thế nên, ta thử viết giấy vừa như là đơn xin vừa như là giấy đăng ký xin bán là được. Lãnh địa Nakatsu của chúng ta bỏ vũ khí như vậy, mỗi năm sẽ để ra được mấy vạn yên. Chúng ta mà bảo sẽ nộp tiền đó cho chính phủ để họ tùy ý chi tiêu thì Bộ hải lục quân sẽ rất vui mừng. Về phần chính phủ, nếu ba trăm lãnh chúa, mỗi người chế tác một loại vũ khí khác nhau, mỗi người tổ chức một quân đội khác nhau, cuối cùng làm sao thâu tóm được? Chuyện làm thế nào để thống nhất thiên hạ chẳng phải là đã nằm trong sách lược của chính phủ hay sao? Thế nhưng, nếu ở nơi này dùng súng Krupp, lãnh địa bên cạnh lại dùng đại bác của Armstrong , nơi kia lại dùng các loại súng nhỏ của Pháp, ngay ở đây lại có cả súng Geweer nhập từ Hà Lan về từ ngày xửa ngày xưa. Tình trạng trong toàn nước Nhật có hàng trăm, hàng nghìn loại vũ khí như thế, mà bây giờ có sự biến gì cũng không thể tiến hành chiến tranh được. Chúng ta nên nộp tiền cho chính phủ. Như thế không chỉ bên phía chính phủ mừng rỡ mà cả lãnh địa Nakatsu cũng được an lạc. Đó chính là hành động nhất cử lưỡng tiện, nên tôi khuyên lãnh địa hãy làm theo như thế".Võ sĩ lưng trầnThế nhưng, phía lãnh địa lại gay gắt phản đối ý kiến của tôi. Trong số ba, bốn người phụ trách về mặt quân sự của lãnh địa, những người như ông Suganuma Shingoemon (Gian-Chiểu Tân-Ngũ-Tả-Vệ-Môn) là phản đối kịch liệt nhất. Tất cả cử tọa hôm ấy đều thống nhất một ý kiến. Tôi chẳng thể làm gì được hơn, mới quay ra các võ sĩ bảo họ nên buông gươm kiếm, để thắt lưng trần, nhưng họ bảo, chỉ có điều đó là dù thế nào cũng không thể bỏ được. Vì vậy, tôi cũng không bàn sâu thêm nữa. Không được thì thôi, đừng làm, với tôi thế nào cũng được. Họ cứ việc làm theo ý họ, còn việc tôi nói là vì, tôi cho rằng, nên như thế. Và câu chuyện kết thúc ở đó, nhưng cũng nhờ tôi không có nhiệt tâm bàn luận các vấn đề chính trị mà các võ sĩ của Nakatsu cũng không bị thương tích gì. Đó là một sự thực và ngẫu nhiên tôi đã làm được một việc tốt cho lãnh địa. Hơn nữa, ở Nakatsu người ta không tiến hành giảm bổng lộc mà chia đều theo đầu người, nên có người tự nhiên lại được nhận nhiều thêm. Phần chia rất có lợi. Ví dụ như cô Ri (Lý), vợ tôi, trước đây có thu nhập 250 Koku thì nay nhận được phiếu công trái trị giá 3000 yên. Nhà anh Imazumi Yutarō (Kim-Tuyền Tú-Thái-Lang), tức là anh rể của vợ tôi trước đây, thu nhập 350 Koku, nay được nhận 4000 yên. Nhưng bổng lộc nhận được thì cũng như một thứ tiền chẳng trong sáng gì, thoáng chốc đã hết veo. Chỉ có một điều tôi muốn nhấn mạnh là trong khi bên ngoài biến động ầm ầm thì lãnh địa Nakatsu lại rất yên ả.Không hiểu biết những vấn đề thực chất của kinh doanhTôi lại xin được quay về chủ đề cũ để nói về chuyện kinh tế. Tôi vốn là người biết quý trọng tiền bạc, nhưng về chuyện buôn bán, kinh doanh thì rất dở. Tôi nói dở ở đây không phải là không hiểu kinh doanh nghĩa là thế nào. Tôi cũng có ý nắm vững các lý thuyết kinh tế, nhưng nếu tự mình đứng ra mua bán hay vay trả thì tôi thấy rắc rối, phiền phức và không muốn làm. Trong đầu tôi vẫn còn khắc ghi phong khí của các thư sinh sĩ tộc xưa, rằng kẻ tham lợi không phải là bậc quân tử và có cảm giác buôn bán là việc đáng xấu hổ. Đó là điều vốn đã ăn sâu vào mình. Hồi tôi mới lên Edo, có một người đàn anh đồng hương tên là Okami Hikozo (Cương-Kiến Ngạn-Tào) sao chép lại từ điển nguyên bản tiếng Hà Lan và bán một cuốn với giá 5 Ryō. Khi đó, 5 Ryō là giá rẻ. Trong khi có rất nhiều người muốn mua, tôi nói với anh để tôi bán cho người bạn của mình. Tôi đem 5 Ryō tiền bán sách đến trả thì được anh đưa cho phong bao có gói 1 Bu tiền, làm tôi rất ngạc nhiên. Tôi không hiểu sao anh phải làm như vậy. Nhận tiền hậu tạ, vì đã bán sách hộ là điều làm tôi sửng sốt. Tôi đã giận, vì nghĩ rằng, anh Okami cho tôi là học trò nghèo, nên dúi cho chút tiền, rằng anh là người không hiểu gì về lễ nghĩa và lúc đó đã định nghiêm mặt giằng co. Tiền hoa hồng trong mua bán, trao đổi vật phẩm là chuyện của mấy người buôn bán, còn thân học trò, cả trong mơ cũng không bao giờ biết đến.Nhận ra sự nhầm lẫn về luật tiền tệ khi mua bếp Những chuyện về tiền bạc không liên quan trực tiếp đến người chuyên việc đèn sách, nhưng về lý thuyết kinh tế, tôi có nghĩ đến cả những điều mà Chōnin hồi đó chưa biết tới. Một hôm, tôi đi đến cửa hàng kim khí ở gần Kaji-bashi (Đoàn-Dã-kiều) mua bếp có đai bằng đồng, giá 12 Momme . Nhưng không nhớ vì sao tôi lại đưa cho người đi cùng tiền Zeni để trả. Mà 12 Momme tiền bạc đổi ra Zeni là 1 Kan với 200 hay 300 Mon gì đó. Khi trao tiền Zeni cho người của cửa hàng, tôi bỗng phát hiện ra một điều. Số Zeni đó nặng 7-800 Momme hay 1000 Momme đồng, nhưng đai bằng đồng của bếp mà tôi mua về ấy chỉ nặng có 200 hay 300 Momme. Nhưng cả tiền Zeni và bếp đều làm bằng đồng như nhau, mà tiền lưu thông thì rẻ, hàng trao đổi lại đắt. Đó là sự nhầm lẫn lớn trong luật kinh tế. Cứ kéo dài thế này thì bỏ việc luyện tiền Zeni đi, thay vào đó là sản xuất đai bếp sẽ có lợi hơn. Không cần phải nói gì cũng có thể thấy giá trị thực của đồng Zeni Nhật cao hơn giá trị trong lưu thông. Tiến thêm một bước, nếu so sánh giữa tỷ lệ trọng lượng tiền Kin (tức Tiền vàng-ND) và tiền Gin (tức Tiền bạc-ND) thì ở phương Tây, tỷ lệ này là 1:15, còn ở Nhật thì cách làm hoàn toàn sai. Điều này không cần phải đợi tôi nói ra, mà từ khi Nhật Bản mở cửa, các thương gia người nước ngoài đã vào và tiến hành xuất khẩu tiền kim loại của Nhật ra nước ngoài để kiếm lời. Tôi cũng có lần khuyên một người quen, khá giàu có, bán tiền vàng đi theo cách đó. Tôi chỉ toàn đi khuyên người khác, chứ tự mình thì không bao giờ định làm gì cả. Tôi còn nhớ, vào mùa đông năm Ansei thứ sáu (1859-ND), trước khi đi Mỹ, tôi có nói với một người về chuyện vàng bạc này. Mùa hè năm sau, tôi trở về, người đó đã thu được rất nhiều lợi nhuận từ việc kinh doanh mà tôi đã mách bảo. Họ nói là để hậu tạ và đặt lên tay tôi một vốc tiền toàn đồng 1 Shu, nhiều không đếm xuể. Tôi không thể nói gì hơn là cảm ơn họ và sau đó dẫn ngay bạn hữu đến quán ăn ở Tsukiji (Trúc-Địa) và uống rượu đến say sưa.Dịch về thuật kế toán mà rối mắt với sổ kế toánChuyện tiền bạc như tôi đã kể ở trên. Sau cuộc Minh Trị duy tân, tôi có dịch cuốn sách về kế toán có tên là Chōai-no hō (Sổ-hợp-chi pháp) . Tất cả những sách vở liên quan đến kế toán hiện nay đều được viết dựa trên cơ sở cuốn sách mà tôi đã dịch. Như thế, lẽ ra tôi phải là người hiểu biết về kế toán, nhưng cách nghĩ của người chuyên việc đèn sách với thương gia khác nhau, nên tôi không những không sử dụng những kiến thức trong đó một cách hữu hiệu mà khi nhìn vào sổ kế toán của người khác tôi thấy rất khó hiểu. Nghĩ kỹ thì thấy mình không phải là không hiểu được, chắc chắn là hiểu được, nhưng vì rắc rối quá nên tôi ngại làm. Công việc kế toán của trường hay những tính toán của tòa soạn báo, tất cả những việc có liên quan đến tiền bạc tôi đều phó mặc cho người khác giúp và chỉ nhìn con số cuối cùng để quản lý tổng thể mà thôi. Chính vì thế, tôi tự biết rằng, mình không thể làm ăn kinh doanh gì được. Chẳng hạn, học sinh của trường thường mang tiền học đến nộp và ngoài ra còn gửi lại để mỗi tháng sẽ đến lấy, khi cần chi tiêu. Nghị viên Takiguchi Yoshirō (Lang-Khẩu Cát-Lương) cũng thuộc một trong số những học trò đó. Họ mang đến gửi tôi những vài trăm yên, nhưng tôi cứ cất nguyên như vậy vào trong tủ và hàng tháng khi họ đến lấy, tôi đưa 10 hay 15 yên để tiêu dùng. Số tiền còn lại tôi đem gói vào giấy và cất đi. Không phải là tôi không biết, nếu đem số tiền đó gửi vào ngân hàng sẽ nhận được tiền lãi. Tôi có biết ngọn ngành, nhưng không thể tự tay mình làm việc đó. Không đem đi gửi ở ngân hàng đã đành, mà đổi tiền từ đó tôi cũng lấy làm áy náy. Đó không biết là do tính cách vốn có của một võ sĩ hay là thuật kế toán của một người chỉ biết có sách vở. Nếu có giấy chứng minh nợ tiền tôi sẽ trả ông một triệu yênCó lần, một người chuyên kinh doanh tiền tệ khá thành đạt tôi đã kể ở phần trước đến chỗ tôi nói về tiền bạc gì đó mà muôn hình vạn trạng, lằng nhằng, làm tôi hoa cả mắt. Tôi mới bảo: "Này, này, ông nhiều chuyện quá! Ông bảo đem khoản tiền này cho người kia vay và lại đem món tiền kia trả người này, nhưng nếu như đã có tiền cho người khác vay thì không vay của ai khác có hơn không? Tôi có biết việc thương gia thường vay tiền của người khác để kinh doanh, nhưng phải có thừa tiền mới cho người khác vay. Là nhà buôn đi chăng nữa, khi đã có tiền để cho vay, thì phải biết tự điều chỉnh, làm sao trong chừng mực có thể không phải đi vay tiền của người khác nữa. Đó chẳng phải là bản ý của các doanh nhân hay sao? Ông có tiền trong người mà lại cố tình đi vay của người khác là việc không cần thiết, chỉ chuốc thêm vất vả vào mình!". Nghe thấy thế, ông ta cười rất to và bảo: "Cậu nói điều ngờ nghệch gì vậy? Nói đến chuyện tiền bạc, doanh nhân có vẻ phức tạp, rắm rối, nhưng trong đó cũng có điều thú vị đấy, chứ ngốc nghếch như cậu nói mà được à? Không chỉ doanh nhân mà ai cũng vậy. Không vay mượn tiền của người khác, liệu một mình có sống nổi trên đời này không? Cậu chỉ cho tôi xem ở đâu có người như thế?". Ông ta nói như vậy hòng làm tôi bớt đi nhiệt huyết với lý lẽ của riêng mình, nhưng chính khi đó tôi mới sực nghĩ đến một điều và trả lời lại rằng: "Bây giờ nghe chuyện ông hỏi trên đời này có thể tìm người chưa biết vay nợ ai bao giờ ở đâu, người đó đang ở chính đây này! Tôi chưa bao giờ vay tiền ai đây!". "Ông đừng có nói ngốc nghếch như thế nữa!". "Không, không có gì là ngốc nghếch cả! Từ khi tôi sinh ra đến nay đã 50 năm (câu chuyện này xảy ra cách đây chừng mười bốn, mười lăm năm), nhưng tôi chưa từng vay của ai lấy một xu. Không nói đến những giấy tờ có đóng con dấu chính thức của tôi mà cả những tờ giấy vụn bỏ đi cũng được, ông cứ thử tìm và mang đến đây cho tôi xem nào. Tôi sẽ mua lại với giá một triệu yên! Tại sao ư? Bởi vì không thể có chuyện đó được! Trên cả nước Nhật, không bao giờ có thứ gọi là giấy ký nợ do chính tay Fukuzawa này viết!". Chuyện là như vậy. Nhờ đó, lần đầu tiên tôi đã nhận ra rằng từ khi cha sinh mẹ đẻ tôi chưa hề vay tiền của ai bao giờ! Điều đó tôi nghĩ là bình thường, nhưng người ngoài nhìn vào thì có lẽ không bình thường chút nào.Ngại gửi tiền ở ngân hàngNgay cả bây giờ, tôi cũng đã có ít nhiều tài sản, nhưng cách kế toán của tôi rất đơn giản, không hề có sự khuất tất nào. Tuyệt đối không bao giờ có chuyện mang tiền này trả ai hay mang tiền kia cho ai vay. Vì thế, trong tay có hay không có một khoản tiền dù là 200 hay 300 yên, cũng không có vấn đề gì. Việc đem đi gửi ở ngân hàng, hễ khi nào cần trả bằng séc, sẽ có thêm chút tiền lãi, tôi biết rõ và cũng muốn mọi người làm theo như thế, nhưng chính mình lại thấy phiền phức quá. Mất công bận rộn với việc ấy, thôi cứ để nguyên tiền mặt là tiền mặt, khi chi tiêu lấy ở đó ra đếm và trả. Cả tôi và vợ tôi đều theo cách làm như thế, nên chẳng khác nào cách tính toán mang tính sách vở của các võ sĩ thời phong kiến. Nói ra chuyện này thì hoàn toàn như đi vào thế giới khác với xã hội bên ngoài hiện nay, nghĩa là luật tiền tệ văn minh không vào được đến nhà tôi.Dù thế nào cũng không kêu ca phàn nànThêm nữa, tôi có thể đoán được mọi người bên ngoài nghĩ về mình như thế nào và ý nghĩ ấy không phải là không có lý. Bởi vì, từ thời trẻ tôi đã không bao giờ phàn nàn về những khó khăn của mình. Tôi chưa bao giờ để buột ra khỏi miệng những câu kiểu như: "Việc nhà nhiều mối phải chi tiêu, túng bấn quá!" hay "Năm nay gặp tai họa bất ngờ thế này, không biết xoay sở ra sao". Trong con mắt của tôi, những người ở ngoài đời rất lạ lùng. Nhiều người trong số họ chỉ hơi một chút là đã kêu ca túng bấn quá, cấn tiền quá, rằng lực bất tòng tâm, rằng mọi việc không theo như ý. Không hiểu có phải họ nói là để ngỏ ý vay tiền hay chỉ là câu đầu môi, nói để lấy chuyện làm quà hay không, mà qua cách nhìn nhận của tôi, đó là điều không thể lý giải được. Chuyện mình có tiền hay không cũng không liên quan gì đến người khác. Chẳng có gì ngu ngốc hơn việc đem cả những chuyện của riêng mình nói với người ngoài. Theo cách sống của tôi, nếu không có tiền không tiêu nữa. Nếu có tiền cũng không bao giờ tiêu xài hoang phí. Phải chi tiêu nhiều hay ít cũng không bao giờ nhờ vả đến người ngoài. Nếu không muốn tiêu thì không tiêu. Nếu muốn tiêu thì tiêu. Và tôi chưa bao giờ có ý định bàn với ai cũng như chưa bao giờ có ý định tham dự vào chuyện của ai. Giàu hay nghèo, khổ cực hay sung sướng cũng một mình chịu, một mình hưởng, dù có thế nào cũng không than vãn, mà bao giờ cũng tỏ ra bình thản, nên từ ngoài nhìn vào chắc thế nào cũng có người cho tôi là kẻ giàu sang. Thế nhưng, tôi không hề quan tâm đến việc có người nghĩ tôi như vậy hay không, dự đoán của họ có đúng hay không, mà lúc nào cũng giữ phong thái đàng hoàng. Trước đây, khi Luật thuế thu nhập lần đầu tiên được ban hành đã có một chuyện khá nực cười. Nhân viên thu thuế của quận tên là gì đó đến và nói riêng rằng, tôi có lượng tài sản là 700.000 yên, nên phải nộp một khoản thuế tương đương với tài sản ấy. Tôi mới bảo họ: "Anh không được quên lời anh vừa nói đấy! Tôi sẽ cởi trần ra khỏi nhà ngay trước sự chứng kiến của anh, để anh mua lại hộ tôi với giá 700.000 yên. Tiền bạc tôi sẽ giao cho anh theo đúng trong sổ ghi, cả nhà cửa, kho đồ đạc, quần áo, các dụng cụ gia đình, soong nồi, bếp núc, tôi sẽ cho anh hết và muốn đổi với giá 700.000 yên. Tôi không thích cách đánh giá bâng quơ, vô căn cứ như vậy, mà muốn mua bán bằng tiền mặt. Theo đó, tôi sẽ kiếm được món lời lớn nhất, kể từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay và suốt đời sẽ được hưởng cuộc sống sung sướng!". Tôi nói và cười sảng khoái.Không nói với người khác về chuyện riêng tưVề chuyện kinh tế, tôi luôn cố thủ và nhát chết, không dám làm việc lớn bao giờ. Điều đó không hiểu là do thiên tính bẩm sinh hay môi trường xung quanh mà dần hình thành nên con người tôi như vậy. Năm nay tôi 65 tuổi. Kể từ khi ra khỏi nhà năm 21 tuổi đến nay phải tự lo cho mình. Năm tôi 23 tuổi, sau khi anh trai mất, tôi nhận phần lo liệu cho mẹ già và cháu gái nhỏ. Năm 28 tuổi lấy vợ, sinh con và gánh thêm trách nhiệm cho gia đình nhỏ của chính mình. Cho đến nay đã được 45 năm. Trong khoảng thời gian đó, tôi chỉ kể chuyện khó khăn của mình một lần với thầy Ogata vào mùa đông năm 23 tuổi và đã nhận ơn phúc lớn lao từ thầy. Ngoài ra, tôi không đem bàn chuyện riêng của gia đình, của bản thân với ai và cũng không nhờ vả bao giờ. Tôi không nghĩ là sẽ mượn trí tuệ, suy nghĩ của ai, cũng không nhận mệnh lệnh của ai mà luôn tin rằng, con người và vạn sự đều có thiên mệnh, chỉ có điều phải thật nỗ lực, tìm đủ mọi phương cách, mở rộng quan hệ xã hội, bỏ qua mọi sự yêu ghét. Tôi quan hệ rộng, nhưng tuyệt đối không phân biệt yêu ghét. Có lúc khuyên bảo người khác, khi lại cần ở họ một sự đồng tình, nhưng nếu như ý muốn đó của mình không thành, tôi cũng không tiến thêm, không tâm sự cùng ai hơn nữa mà quay về một mình trong yên tĩnh để suy nghĩ. Không dựa dẫm vào người khác là bản nguyện của tôi. Suy nghĩ này có trong mình từ bao giờ, tôi không nhớ nữa, nhưng từ nhỏ đã luôn chú ý như vậy. Cũng không hẳn là chú ý mà đã thành một thói quen.Học cách tẩm quấtỞ Nakatsu, năm tôi mười sáu hay mười bảy tuổi, tức là khi đang theo học Hán học ở chỗ thầy Shira'ishi , cùng học có một người là thầy lang và một người là nhà sư. Cả hai đều là những học trò nghèo và phải đi tẩm quất thuê, rất vất vả. Khi đó, tôi đã có ý nghĩ, dù thế nào cũng phải thoát ra khỏi Nakatsu, nên khi nhìn cảnh ấy tôi rất mừng vì cho rằng, đây là một cách kiếm sống hay. Rời nhà ra đi, không có một xu trong túi, không may sa cơ lỡ vận thì đi tẩm quất thuê cũng kiếm ăn được. Thế là tôi học cách tẩm quất của hai người bạn đó, chịu khó luyện tập và giỏi dần lên. Cũng may là tôi không gặp bất hạnh, đến nỗi phải đi tẩm quất thuê nuôi thân, nhưng những điều đã học thì không quên. Bây giờ tôi vẫn có thể tẩm quất giỏi hơn một người thợ bình thường ở nhà quê. Khi đi tắm suối nước nóng, tôi cũng xoa bóp cho vợ, con và làm cho mọi người cười đùa thoải mái. Đó cũng có thể nói là lối sống tự lực, tự thân vận động của tôi. Về chuyện này, nếu người ta định viết một cách nghiêm túc về giai thoại của một cố nhân, thì sẽ là: từ thuở xưa đã là người có ý chí độc lập, đến năm bao nhiêu tuổi lập trường học hay đã phải học cách tẩm quất để kiếm sống. Thế nhưng, đó chỉ là cách chọn câu sắp chữ hoa văn, chứ những người như tôi, năm mười sáu, mười bảy tuổi không phải là do chí lớn gì, mà chỉ vì nghèo, nhưng lại muốn theo nghiệp học hành, có đem chuyện mình đi kể lể, cũng không ai giúp được, không còn cách nào khác, nên mới phải tự mình học nghề tẩm quất. Ý chí của con người, tùy vào hoàn cảnh trong quá trình trưởng thành mà sẽ lớn lên hay thui chột đi. Những điều đã nói, đã định làm từ thuở nhỏ, không nhất thiết là thứ có thể đảm bảo cho cả cuộc đời. Cứ theo di truyền bẩm sinh, theo trình độ học vấn hiện tại và nỗ lực, chắc chắn sẽ giành được chiến thắng. Một khoản đầu tư lớnMặc dù tôi vẫn nói không rành chuyện buôn bán, nhưng có một lần trong đời đã thử đầu tư một khoản lớn và đã trôi chảy, đầu xuôi đuôi lọt. Ngay từ thời Mạc phủ, tôi rất cố gắng viết và dịch sách, còn mọi việc in ấn, đóng thành sách và đem bán đều phó mặc cho nhà sách. Nhà sách thời Edo không phải tất cả đều làm ăn bất chính, nhưng họ hay có thói lừa bịp người khác. Khi bản thảo sách hoàn thành, từ việc thuê người viết lại cho đẹp, người làm bản khắc, thợ dập khuôn hay mua giấy để làm thành sách cũng đều do nhà sách đảm nhiệm. Họ cho bao nhiêu, người viết và dịch sách biết thế. Đó là lệ thường của những năm trước. Nhìn vào những đầu sách của tôi, thấy số lượng rất lớn và tôi biết, phó mặc hết cho người khác như thế quả là bất lợi. Những người kinh doanh sách vở đâu có kiến thức gì? Họ chỉ là những Chōnin không hơn không kém! Thế nhưng, họ lại luôn tỏ ra có quyền hành trong mọi việc và ra chiều ban ơn cho những người viết sách như chúng tôi. Điều đó đã thành lệ và chúng tôi có ca thán cũng như ngẩng mặt lên mà kêu trời, không làm gì được. Việc cần thiết đầu tiên là phải tập trung được thợ. Từ trước đến nay, nhà sách nắm hết nguồn thợ. Tất cả họ đều không thuộc quyền quản lý của những người viết và dịch sách. Họ ở xa tầm tay với như người đứng bên kia sông, muốn kéo họ về dưới sự quản hạt của mình, phải gặp gỡ, trao đổi trực tiếp. Cuối cùng, tôi đã nghĩ ra một cách. Đó là năm Minh Trị thứ nhất, tôi có khá nhiều tiền và thu gom lại được khoảng 1000 Ryō, nên cho người đến một cửa hàng chuyên buôn bán giấy, tên là Kashima (Lộc-Đảo) ở Sukiyachō (Số-Kỳ-Ốc-đinh) nói chuyện và hẹn sẽ mua bằng tiền vàng một lần hơn một trăm kiện giấy Hanshi của vùng Tosa , với số tiền hiện có là hơn 1000 Ryō. Thời đó, 1000 Ryō tiền vàng là một khoản tiền lớn, khiến nhiều người kinh ngạc. Họ bảo rằng nhà sách lớn thế nào cũng chỉ mua đến 150 hay 200 Ryō mà thôi. Hơn nữa, chúng tôi mang tiền đến trả ngay, nên đương nhiên là họ giảm giá đôi chút và còn chọn giấy loại đẹp cho. Tôi cũng không hiểu là đắt hay rẻ, nhưng nhận hết một lần hơn một trăm kiện giấy chở về Shinsenza và xếp đầy vào nhà kho. Sau đó, tôi nói chuyện với nhà sách cho thuê thợ dập bản khắc và tập hợp được rất đông, khoảng mấy chục người. Tôi lại nhờ hai võ sĩ đồng hương giám sát công việc. Những người thợ sáng chiều phải lấy giấy ra và cất vào, nên mỗi lần vào nhà kho họ đều ngạc nhiên. Họ bảo không thể tưởng tượng được một lượng giấy lớn như vậy và tin rằng, nhà này mới bắt đầu in sách mà có từng này giấy thì chắc chắn công việc sẽ bền lâu. Việc tôi trả hết một lần tiền như vậy là một cao sách. Những người thợ không khảo mà xưng, bộc bạch hết mọi bí quyết. Hai người chuyên việc giám sát của tôi lúc nào cũng tỏ ra là biết mọi việc, nhưng thực ra không hề biết gì mà phải học của những người thợ. Dần dần, họ giỏi lên, có thể tham gia vào làm cả những việc như khắc bản in và đóng sách. Đến lúc đó, những việc mà từ trước đến nay nhà sách làm chúng tôi đã quản hạt được hết. Chúng tôi còn buộc các nhà sách phải bán và chỉ được nhận tiền hoa hồng từ việc bán đó. Đây là một sự biến đổi lớn trong giới những người viết và dịch sách, đồng thời cũng là ví dụ duy nhất về việc tôi thử lao vào làm kinh doanh như thế nào.k
Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Store