Cool Summer Vacation B W Team
Mời các bạn cùng thưởng thức bài dự thi write của thí sinh có SBD 03 <3-------------------------------------1.Tôi chúa ghét cái giống công tử bột, cái loại vênh váo. Trong tưởng tượng của một thằng con quê như tôi, mấy đứa như thế thường có làn da trắng bóc như bệnh, môi đỏ như đàn bà và cái dáng trịnh thượng chẳng nể ai. Chúng nó chẳng mấy ló mặt ra đường, bởi ngại nắng ngại gió.Chẳng nói đâu xa là cái thằng con lão cường hào họ Vũ, mà mẹ con tôi làm thuê. Biết đến nó từ lâu, cũng biết nó hình như ít hơn tôi dăm tuổi, còn tuyệt nhiên chưa từng thấy mặt ngang mũi dọc nó thế nào. Tôi giờ đã mười bảy, ít hơn tôi dăm tuổi thì cũng đến độ chạy nhảy chơi bời, ở lì nhà cả ngày chắc lại vì cái thói cao sang ai nhìn cũng ghét. Hoặc thằng cha con mẹ nó lại cưng chiều con vô độ.Bởi mẹ con tôi làm thuê cho nhà lão Vũ, nên được ở trong một cái chòi cũ dựng sát với gian sau cái nhà to vật của lão, chỉ cách một cái giếng. Lão ấy với vợ chẳng xuống gian sau của cái nhà này bao giờ.Mà nghe bọn gia nô nói, gian sau là của thằng công tử kia.2.Đêm, gió rít mạnh đem hơi lạnh xuyên thủng không gian trong cái chòi nhỏ. Tôi giật mình ló đầu ra khỏi cái mái rơm khô. Trời quang mây mà chẳng lặng gió, không có mưa nhưng lạnh thấu da thịt. Ừ thì cũng trung tuần tháng mười rồi, trời trở lạnh lộng gió nhưng khô khốc không một giọt mưa. Tôi nằm mãi mà không ngủ được, lồm cồm ngồi dậy, đưa tay rém viền tấm chăn mỏng cho mẹ cẩn thận rồi ra trước chòi ngồi.Ngẩng mặt nhìn trời, "giờ mà chúng nó thả cho quả bom thì toi", nghĩ rồi tự cười. Tôi cứ như kẻ mơ ngủ ngồi dựa gió lộng nghĩ đủ thứ chuyện, chuyện vụ mùa, chuyện đất nước, chuyện chiến tranh. Thực lòng tôi rất muốn ra tiền tuyến, rất muốn đi đánh giặc, rất muốn chiến đấu, nhưng mẹ tôi cứ khăng khăng không cho tôi đi. Bà sợ tôi gặp nguy hiểm, bà sợ sau này chẳng thể tìm được xác đứa con trai ngoài chiến trường. Tôi cũng sợ. Lẫn với cái ý chí quyết tâm là nỗi sợ vô hình ám ảnh tâm trí. Mẹ tôi đã lớn tuổi, bà mắc nhiều bệnh, cuối đời chỉ có mình tôi là đứa con trai duy nhất, kề cạnh chăm sóc. Bà ốm yếu, lúc nào cũng lo khi nhắm mắt xuôi tay không nhìn được mặt con.Đang vướng trong trăm ngàn cái suy nghĩ rối mù thì tôi nghe thấy tiếng ho. Ho lớn, khàn đục và đau đớn. Giật mình tôi tưởng tiếng mẹ ho, vội chạy vào chòi. Không, bà vẫn ngủ. Tôi vẫn nghe bên tai tiếng ho không dứt, ngày một lớn, lẫn với tiếng gió cào vào vành tai nghe sốt ruột.Trời tối om, tiếng ho cứ thế vang lên, nghỉ một quãng rồi lại tiếp tục. Tôi vớ cái đèn dầu rồi ra khỏi chòi. Mảng sáng lập lòe từ cái đèn sắp cạn dầu chỉ đủ để tôi mắt nổ mắt xịt nhìn thấy lập lòe cái cửa gỗ mốc của gian nhà dưới mở toang. Còn tiếng ho thì chắc trăm phần là phát ra từ bên ấy. Của ai thì chưa biết. Nhưng để nó ho cả đêm thế này thì không nổ phổi cũng vỡ cổ họng.Thế là tôi lần mò đến với cái ánh sáng nhập nhòe trên tay. Đẩy cái cửa đầy rêu, tôi ngó vào trong. Khoảnh khắc ấy tôi suýt ướt cả đũng quần vì hãi. Một thân hình gầy gò, da dẻ nhợt nhạt, lại mắc đồ trắng xóa ngồi trên giường tựa đầu vào song gỗ cửa sổ, ho lấy ho để.-"Này!" Lúc tôi lên tiếng, đầu tôi nghĩ chắc kèo đây là thằng con lão Vũ rồi. Nhưng sao trông nó kỳ đến thế.Tiếng ho khù khụ vẫn đều đều đệm vào câu trả lời đầy khó khăn của nó. Tôi nghe ù ù cạc cạc nó nói "ừ?".-"Mày là con lão Vũ à?" Cái đèn dầu trong tay tôi bỗng dựng lụi lụi rồi tắt phụt.-"Vào đây cái đã... Đốt cái nến lên..." Nó vừa ho vừa đáp.Ờ nói chuyện trong bóng tối thế này thì hãi thật, nhất là còn với một cái thân trắng ởn. Tôi bước vào, quẹt diêm rồi thắp nến, đứng sừng sựng cạnh giường nó đặt lại câu hỏi.-"Mày là con lão Vũ hử?"-"Ừ." Theo sau là một cơn ho dài.-"Công tử bột như mày mà cũng phải nghĩ ngợi đến mức không ngủ được à?"-"Tại ho."-"À đấy, gì mà ho khiếp thế?"-"Tôi có bệnh, trời nổi gió là ho không dừng được."-"Không dùng thuốc à?"Không hiểu sao lúc ấy đột nhiên càng hỏi càng hăng, nổi tính tò mò nên tôi cứ đứng hỏi nó miết, chẳng để ý nó cứ trả lời một câu là ho như sắp chết.-"Tiền bạc của cải nhà này đâu phải để mua thuốc cho cái thằng phế gan phế phổi."-"Ô hay, tao tưởng cưng chiều mày lắm?" Kì thực là tôi nghĩ thế từ bé đến lớn, từ khi mới về nhà lão Vũ làm đến tận giờ vẫn nghĩ thế.-"Chiều chuộng gì? Lúc biết tôi bệnh nan y khó khỏi, tốn đống tiền cũng sẽ không dứt được mấy cơn ho; cha đã không còn đứa con trai nào rồi. Vứt ra thì sợ dị nghị, giết đi thì không nỡ nên để tôi ở đây."Cái nỗ lực cố gắng hoàn thiện câu nói dài ấy bằng chất giọng khản đục của nó kết thúc bằng một cơn ho đau đớn, tưởng chừng như cổ họng nó nổ tung. Cũng kết thúc bằng việc tôi gạt bỏ ý nghĩ tiêu cực về mấy thằng như nó. Không phải thằng nào sinh ra trong nhà giàu cũng sướng, cũng được nuông chiều.-"Thôi, mày cứ ho suốt thế này tao cũng sốt ruột không ngủ được. Tao có củ cải, người ta bảo ăn củ cải trắng đỡ ho. Tao đi lấy cho."-"Ừ."Nói chuyện với nó, mới biết nó kiệm lời. Chẳng như cái suy nghĩ tôi gán lên nó mười mấy năm qua, rằng, nó là thằng mồm mép, là thằng đào hoa như bố nó. Còn nhiều thứ ở nó khiến tôi bất ngờ. Bệnh nan y và khuôn mặt gầy gò của nó nhăn lại mỗi cơn ho. Đôi mắt và cơ thể rệu rạc của nó run lên trong tiếng gằn sâu nơi cổ họng để trút khí ra ngoài. Khác hoàn toàn với hình ảnh nó mà tôi vẽ ra trước đây.Tôi đặt đĩa nến và bó củ cải lên bàn, đưa một củ đến trước mặt nó.-"Ăn đi."Nó gật đầu rồi gặm một miếng, nhai nuốt với hàng lông mày nhíu rịt lại.-"Mà này, mày bao nhiêu tuổi mà xưng tôi với tao ngon ơ thế?"-"Mười lăm."-"Thế gọi tao bằng anh rồi!"-"Ừ, anh!"Chẳng biết sao lúc ấy nghe nó gọi một tiếng anh mà tim tôi chợt đập loạn lên, thắt lại làm cổ họng giật giật mấy cái mà mãi không nói được câu nào. Không kể đến việc nó cười toe một cái sau khi trắng trợn bật tiếng anh khỏi môi mà không phản đối gì.Thân nó mềm oặt tựa vào vách cửa sổ, cánh tay với làn da trắng bệch giăng đầy mạch máu tím đỏ của nó như cái minh chứng duy nhất cho việc nó là một cá thể sống và chưa lìa đời. Càng nhìn nó thì tim gan ruột già càng nhộn cả lên, như có đàn bướm bay loạn trong lồng ngực, trong ổ bụng. Tôi nghĩ mình buồn ngủ rồi.-"Tao về đây."-"Vâng, anh!"3.Tôi đã nghĩ là mình nhầm khi nhìn thấy anh đẩy cửa và ló đầu vào cất tiếng gọi. Tôi chỉ kịp kéo vội cánh cửa sổ lại, dựa đầu vào song gỗ và ho.-"Ừ?" Tôi cố đáp lại anh bằng chất giọng rõ ràng nhất mình có thể.-"Mày là con lão Vũ à?" Anh cất tiếng hỏi trước khi cây đèn dầu trên tay đột nhiên tắt phụt. Tôi không trả lời câu hỏi của anh, không muốn trả lời. "Vào đây cái đã... Đốt cái nến lên..."Anh gật đầu, trong bóng tối, tôi cảm nhận được anh bước đến gần. Rồi ánh sáng từ cây nến trên bàn được thắp lên, anh đứng đó và đặt lại câu hỏi. Tôi trả lời qua loa một tiếng "ừ", rồi cơn ho dài kéo đến khiến tôi không nhìn được sắc mặt anh. Nghe giọng anh cợt nhả vang lên thêm những câu hỏi. Tôi trả lời câu được câu mất vì ho, lại càng không nhìn được gương mặt anh lúc ấy. Chưa bao giờ tôi ghét những cơn ho của mình đến như thế này, kể cả những khi nó khiến tôi đau đớn.-"Chiều chuộng gì? Lúc biết tôi bệnh nan y khó khỏi, tốn đống tiền cũng sẽ không dứt được mấy cơn ho; cha đã không còn đứa con trai nào rồi. Vứt ra thì sợ dị nghị, giết đi thì không nỡ nên để tôi ở đây."Tôi, không biết tại sao, tin tưởng đến mức nghĩ anh sẽ không đem chuyện này đi kể với ai, đến mức nghĩ anh sẽ không giễu cợt mình. Tràng ho dài làm cổ họng tôi đau nhói, như có hàng ngàn mảnh gai sắc nhọn đâm vào cổ, nhưng tôi vẫn cố hé mắt nhìn anh. Nhìn nét mặt anh đột nhiên thảng thốt, rồi liền trầm xuống. Anh nghĩ ngợi rồi lên tiếng, anh nói đi lấy củ cải cho tôi. Khoảnh khắc ấy, tôi như cảm thấy được lòng mình nhẹ bẫng. Anh chẳng cười giễu, chẳng nghi ngờ, chẳng tệ bạc, anh tử tế hơn cả niềm tin tôi đặt nơi anh.Anh thắc mắc tuổi của tôi, tôi biết thừa rằng anh vốn đã biết tôi ít hơn anh vài tuổi, nhưng vẫn trả lời anh. Anh cười lớn một cái và bảo, tôi phải gọi anh xưng em. Tôi mỉm cười gọi anh một cái, thấy nét mặt anh thay đổi, đột nhiên tôi nghĩ đến việc mình đã làm gì sai rồi. Nhưng khi thấy anh bối rối thông báo đi về với hai má phớt hồng, tôi biết anh đang nghĩ gì.-"Vâng, anh!"4.Hăm ba hạ tuần tháng mười, tôi hé mở cửa sổ và đưa mắt ngắm trăng. Tôi đặc biệt thích trăng bán nguyệt, chỉ bằng một nửa bình thường. Trăng buồn, một nửa kiếm tìm nửa còn lại mòn mỏi, kiên cường mỗi đêm, thao thức mong chờ. Để rồi mỗi tháng đều được gặp nhau vào đúng ngày Rằm trăng tròn.-"Này! Làm gì đấy?"-"Hả?"-"Tao hỏi mày làm cái gì đấy?" Anh đột nhiên từ đâu xuất hiện trước khung cửa sổ. "Ngắm trăng à?"-"Vâng."-"Trăng có một nửa thế mà cũng ngắm? Không sợ gió nó lùa cho ho nổ cổ à?"-"Em thích trăng bán nguyệt, kệ em!"-"Sao thích? Có gì mà thích?"Tôi chẳng buồn trả lời anh, tiếp tục đưa mắt ngắm trăng.-"Thức muộn thế anh?"-"Tao nghĩ mấy chuyện." Anh dựa lưng vào tường, chẳng nhìn vào mắt tôi. "Mày nghĩ tao có nên đi lính không?"-"Là việc tốt thì tại sao lại không?"-"Mẹ tao, bà không muốn xa tao, tao cũng không muốn không thể nhìn thấy bà lần nào nữa."-"Như một nửa vầng trăng, xa cách nhưng rồi cũng sẽ gặp lại. Anh và dì đừng bi quan thế chứ!"-"Mày cũng văn thơ gớm nhỉ?"Rồi anh cười, cười lớn, cười thật tươi. Tôi biết lòng anh chưa yên, vẫn gợn những nỗi lo toan sâu thẳm. Nhưng nụ cười nơi anh tỏa sáng, như hi vọng nhỏ bé tỏa sáng giữa trăm ngàn mối lo âu. Anh là kẻ kiên cường, can đảm; anh chắc chắn sẽ đi, anh quyết tâm vậy rồi; chỉ là có những người, có những việc vẫn kéo nặng trái tim và ý chí anh xuống, ghì chặt bước chân anh.-"Anh đi thì dì để em lo." Tôi nửa đùa nửa thật nói.-"Mày lo cho mày đi đã." Anh cười lớn, qua song gỗ cửa sổ thò tay vào cốc trán tôi một cái.Tôi thích nụ cười của anh, thích anh lúc này, rất nhiều.5.Ngày Rằm tháng Chạp, sắp tết rồi. Tết sắp đến lại phải nhuốm màu tang thương. Cái chòi cũ tỏa lên sặc mùi hương khói, dì mất. Đang giữa cái lúc chiến đấu quật cường ngoài tiền tuyến nên họ không cho làm ma chay gì nhiều, cũng chẳng có tiền mà làm nhiều. Thầy tôi cũng không để ý đến chuyện này, chắc đang cho tuyển người mới rồi cũng nên.Tang lễ xong nhanh, chỉ có một ngày. Đêm ấy anh lại sang ngồi với tôi.-"Anh định chôn dì ở đâu?"-"Về quê. Mẹ tao trước lúc nào cũng muốn về quê nhưng ốm yếu không về được."-"Mai anh đưa dì đi luôn hay sao?"-"Ừ, sớm mai." Anh ngửa cổ hít một hơi dài. "Rồi tao xin đi lính luôn."-"Thật hả anh?"-"Tao quyết rồi."-"Đi rồi nhớ viết thư về cho em, em nhờ người đến nhận."-"Biết thế. Ở một mình giữ sức khỏe, sống đến lúc tao về hẵng chết."Tôi biết anh đùa, anh cười nhưng lòng anh đau đớn. Anh đi lính và chiến đấu mà đột nhiên tôi cũng lo.Câu cuối anh nói với tôi trước khi đi, tôi coi như lời hẹn ước. Dựa vào đấy mà yên tâm rằng anh chắc chắn sẽ về, dựa vào đấy mà kiên cường rằng mình sẽ sống để gặp anh.Trăng tròn vào ngày anh và dì gặp lần cuối, ngày tôi và anh tạm biệt. Chắc chắn là điềm tốt, rằng nửa kia vẫn ở đó, quật cường sống, quật cường đợi chờ.Hăm ba tháng Giêng, anh mất trên mặt trận máu lửa, dưới đạn bay và bom mìn đổ máu. Tôi nhận được thư từ đồng đội anh giữa đêm mà lòng đau như cắt. Đồng đội anh kể, rằng anh quả cảm lắm, anh can đảm lắm; giữa khói bụi thuốc súng mịt mù mà lao vào lòng mặt trận, anh giết được nhiều kẻ địch lắm, mọi người đều tự hào về anh.Và tôi cũng vậy, tôi sẽ tìm anh như trăng bán nguyệt đi tìm lấy một nửa. Sẽ gặp anh vào đêm trăng tròn vằng vặc, sẽ tìm thấy anh dù vạn trùng chông gai.
Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Store