ZingTruyen.Store

Chuyen Xua O Phu Ung Thien


Sau khi tới phủ, Thu Cúc cùng thằng Nam đi từ cổng sau vào. Thằng Nam trước tiên đưa Thu Cúc ra mắt vú Hà. Vú Hà là vú nuôi hầu hạ cậu hai từ khi mới lọt lòng. Sau khi chồng mất, vú Hà cùng con trai mình đều ở lại Hàn gia làm hạ nhân. Lần này vú Hà cũng theo cậu hai Hàn về quê, mọi việc lớn nhỏ liên quan tới hạ nhân nữ  trong phủ đều do vú Hà lo liệu. Nói cách khác sau này Thu Cúc sẽ do vú Hà sai bảo , sắp xếp. Thằng Nam sợ Thu Cúc bỡ ngỡ nên lúc trên đường cũng đã dặn dò cẩn thận, muốn sống trong phủ dễ dàng thì lát nữa gặp vú Hà phải để lại ấn tượng tốt một chút.

Bình thường qua giờ ngọ*  sau khi cậu hai Hàn dùng bữa xong, vú Hà cũng sẽ ăn trưa trong phòng mình. Vì thế, thằng Nam dẫn Thu Cúc tới thẳng một gian nhà nhỏ cách cổng sau không quá xa. THằng Nam bảo Thu Cúc đứng ngoài phòng chờ còn mình nó tiến vào. Một lát sau cu cậu đã chạy ra kêu Thu Cúc đi vào. Nhớ lời cu Nam dặn dò, vừa nhìn thấy vú Hà, Thu Cúc cất giọng chào to:

" Con ra mắt vú Hà ạ, con tên là Thu Cúc."

Nghe thấy tiếng chào, vú Hà bỏ đôi đũa trên tay xuống, ngước mắt lên quan sát cô gái nhỏ trước mặt. Thân hình gầy gò nhưng trông vẫn có sức sống, nước da ngăm đen, mặt mũi không quá xuất sắc, nhìn cả khuân mặt chỉ nổi bật lên đôi mắt to tròn linh hoạt. Thu Cúc hôm nay mặc một chiếc yếm màu tro, bên ngoài khoác một chiếc áo sam đen ngắn đã bị rách một hai chỗ ở tay áo và vai, phía dưới quấn thường màu nâu dài quá đầu gối một chút để lộ chân váy đen bên trong. Đây cũng là bộ y phục tử tế nhất mà Thu Cúc có.

*giờ ngọ:11-13 giờ trưa

Vú Hà sau khi đánh giá Thu Cúc một lượt,  lại hỏi thêm mấy câu, thấy Thu Cúc có vẻ cũng nhanh nhẹn lễ phép, bà khá hài lòng. Vú Hà lấy từ trong tủ ra hai bộ quần áo người hầu đưa cho Thu Cúc rồi bảo cu Nam dẫn Thu Cúc sang gian ở của hầu nữ. Vú Hà cho Thu Cúc nghỉ một ngày sáng mai mới phải bắt đầu công vệc.

Thu Cúc vào phòng đúng lúc mấy hầu nữ đang dùng bữa, sau khi chào hỏi qua vài câu, biết Thu Cúc chưa ăn cơm liền lấy thêm cái bát đôi đũa cho Thu Cúc ăn cùng. Dù là bữa cơm cho người hầu nhưng cũng phong phú hơn nhà Thu Cúc rồi. Một món mặn, rau luộc cùng canh. Người lớn tuổi nhất kêu là thím Vu, là người được mang từ kinh thành theo xuống phụ trách việc bếp núc cho cậu hai. Ăn xong liền vào trong buồng nghỉ trước.  Hai người còn lại tên Lan Hương và Thu Quỳnh,  đều là hạ nhân mới tuyển vào phủ giống Thu Cúc, sau này theo như thím Vu sắp xếp Thu Cúc sẽ ngủ cùng giường với họ. Khác với Thu Cúc, Lan Hương dù mặt mũi không được trắng nhưng vẫn nhìn ra các nét ưa nhìn, thân hình cao hơn Thu Cúc khoảng nửa cái đầu, ngực ưỡn mông cong. Thu Quỳnh ngược lại,mắt một mí, răng hơi vẩu một chút, người cao tầm Thu Cúc. Ba người câu qua câu lại trong bữa ăn, nhanh chóng làm thân với nhau.

Sáng hôm sau, gà vừa gáy, Thu Cúc liền theo chân mấy người hầu dậy, Thu Quỳnh sáng sớm thường dọn dẹp, lau chùi cùng chăm cây trong vườn . Thu Cúc lại được phân công làm bếp cùng với thím Vu và Lan Hương. Thím Vu bình thường có vẻ dễ tính nhưng khi làm việc lại cực kì khắt khe tỉ mỉ. Buổi đầu, vì lỡ cắt rau và thái thịt không như ý của thím mà Thu Cúc cũng bị mắng một hồi. Thấy Thu Cúc bị mắng, Lan Hương phía bên cạnh nhìn cô đầy đồng cảm. Khi thím Vu vừa ra khỏi bếp, Lan Hương liền ghé vào tai Thu Cúc nói nhỏ:

"Mụ Già khó tính, chẳng nào không ai thèm lấy."

Thu Cúc nghe xong xì cười một tiếng. Thật ra làm chưa quen việc nên bị mắng cũng là chuyện bình thường. Thu Cúc nhìn ra ngoài cửa hướng thím Vu đi tự nghĩ sẽ cố gắng hơn.

Ở trong phủ gần một tháng, ngoại trừ thỉnh thoảng bị thím Vu la mắng thì mọi chuyện đều khá tốt đẹp. Qua những lần hóng chuyện từ hạ nhân trong phủ, Thu Cúc biết được cậu hai Hàn tên đầy đủ là Hàn Nghĩa, là con trai thứ của chính thê lão gia Hàn. Tuy mới ngoài hai mươi nhưng đã làm quan trong khu mật viện* được thái phó Tô Hiến Thành * người dưới một người trên vạn người ưu ái trọng dụng. Trong một lần làm nhiệm vụ không may bị trọng thương nên mới xin về quê dưỡng bệnh.

Thím Vu trong những lần buôn chuyện của đám người hầu thi thoảng cũng sẽ thêm vài câu. Từ lời thím Vu, Hàn Nghĩa được miêu tả chỉ bằng một câu " khôi ngô tuấn tú, tài sắc song toàn". Hơn 3 năm trước thành thân với một tiểu thư khuê các, trưởng nữ con vợ cả của một quan chức trong triều, hai vợ chồng tương kính như tân mà đối đãi. Chỉ tiếc vì công việc của Hàn Nghĩa mà hai người gần ít xa nhiều cộng thêm sức khoẻ của vị tiểu thư kia có phần suy nhược nên dù thành hôn đã lâu nhưng vẫn chưa hoài thai hài tử. Vì việc này mà đại phu nhân mẹ ruột của Hàn Nghĩa nhiều lần muốn con mình thu thêm thiếp thất nhưng đều bị Hàn Nghĩa đánh trống lảng. Bằng tuổi Hàn Nghĩa, bạn bè hắn đều đã đủ tẻ đủ nếp, hai tay dắt ít nhất hai đứa rồi, trong viện thiếp thân hay nha hoàn bồi ngủ cũng không ít mà Hàn Nghĩa chỉ duy nhất một thê tử lại chẳng có lấy một đứa con nhưng hắn vẫn dửng dưng không lấy làm vội vàng khiến đại phu nhân càng nóng ruột thay con mình. Ngược lại, trong mắt các thiếu nữ mới lớn trong kinh thành, một người vừa có gia thế, ngoại hình như Hàn Nghĩa , việc không nạp thêm thiếp thân dù vợ mình chậm chạp không sinh được con lại được coi như điển hình của một đức lang quân tốt, Hàn Nghĩa nhờ vậy được nhiều thiếu nữ thầm thương trộm nhớ dù đã thành thân. Lần này về quê đường xá xa xôi mà sức khoẻ của vị thiếu phu nhân kia vốn không tốt nên không theo cùng.

Thu Quỳnh trong một lần quét sân trước gian phòng cậu hai, từ ngoài sân vô tình nhìn thấy sườn mặt cậu hai Hàn qua khung cửa sổ, vậy mà nó đã khăng khăng khẳng định với đám hạ nhân mới  vào rằng  cậu hai đúng là một "đại mỹ nam" xưa nay hiếm có, từ nhỏ tới lớn lần đầu mới thấy nha. Nhờ mấy lời đó mà lời đồn đoán về cậu hai Hàn trong đám hạ nhân mới vào phủ càng thêm đặc sắc.

*Khu mật viện: Khu mật vện có từ thời Lý Thái Tổ, có chức năng tham mưu cho hoàng đế và thái phó các việc cơ mật.

*Tô Hiến Thành(1102-1179): nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, giữ chức Nhập nội kiểm hiệu thái phó bình chương quân quốc trọng sự. Là một trung thần dưới thời vua Lý Anh Tông. Dưới một người trên vạn người.

Cuối tháng 7 thường là lúc bão về, mưa rả rích nguyên cả tuần nay, không khí trong phủ dường như cũng bị thời tiết làm âm u, cả phủ mấy nay ai nấy đều căng thẳng. Nguyên do xuất phát từ tâm trạng bất ổn của cậu hai Hàn. Thời tiết đột ngột thay đổi làm cho vết thương của Hàn Nghĩa trở xấu, lại thêm căn bệnh đầu thống* hành hạ, ban ngày đã đành, đêm về vì cơn đau không dứt khiến Hàn Nghĩa trằn trọc khó ngủ , tâm tình cũng  cáu gắt theo.

*đầu thống: tên đông y của chứng đau đầu

Thím Vu cũng vì chuyện này mà mấy nay phiền não. Bà theo hầu thiếu gia từ khi còn là cậu bé, lại ở vậy không lấy chồng nên coi thiếu gia như con cháu mình mà đối đãi, mà nay dù bà đã cất công chuẩn bị đến đâu cậu hai cũng chỉ động đũa được vài lần liền thôi. Bà lo cứ thế này sức khỏe của cậu hai lại càng sa sút.

Thu Cúc còn nhớ, ba mình cũng hay bị đau đầu khi trở trời, mỗi lần như vậy, bà Hai mẹ cô thường lấy ngải cứu, lá khuynh diệp cùng lá bưởi đun sôi lên. Ba cô xông trong khoảng nửa nén hương* liền đỡ đau đầu hơn rất nhiều. Vườn ở sân sau phủ vừa hay có cả ba loại cây này. Thu Cúc thấy thím Vu liên tục thở dài chán nản suốt mấy ngày nay liền do dự không biết nên nói ra phương pháp này hay không. Nếu cậu hai với phương pháp này lại xảy ra vấn đề gì thì quả thật cô không gánh nổi tội.

Trưa nay , mưa vẫn lất phất rơi, thím Vú cùng Lan Hương ra chợ từ sớm để mua được mấy con cá lóc tươi ngon dự định nấu cháo tẩm bổ cho cậu hai. Kì công cắt mổ, ninh hầm cả buổi sáng mà cuối cùng cậu hai cũng chẳng ăn được là mấy. Thường thì đồ thừa của cậu hai sẽ cho hạ nhân trong phủ ăn. Thím Vu nhìn mấy người hầu ăn cháo mà sao tự nhiên thấy chướng mắt không thôi. Cứ nghĩ món ăn mình cất công làm lại vào hết bụng mấy đứa người hầu khiến bà bực tức . Cuối cùng không nhìn nổi liền vùng vằng đi ra ngoài. Mấy đứa hạ nhân nhìn nhau khẽ nhún vai ăn tiếp. Ở nhà mấy đứa làm gì có đồ ngon như này để ăn, cậu hai cũng chẳng ở đây mãi nên phải cố mà tận hưởng .

Thu Cúc thấy thím Vu đi ra, đắn đo một lát liền đuổi theo. Nghe Thu Cúc nói về phương pháp dân gian này, thím Vú nửa tin nửa ngờ, bà chưa từng nghe ai nhắc đến cách trị đầu thống này.

" Để ta hỏi đại phu, nếu mấy lá này kết hợp không bị xung khắc thì cũng nên thử."

Không biết từ lúc nào vú Hà đi tới, bà gật đầu nhẹ coi như chào hỏi với hai người.

Lần này về quê, cậu hai mang theo một vị đại phu có tiếng ở trong kinh thành để tiện việc chữa trị. Trong đông y, ngải cứu được xem như một vị thuốc có tác dụng an thần, giảm đau và điều hòa khí huyết. Vì thế Cao đại phu sau khi nghe phương pháp này lại cho là hay, có thể thử.  Vú Hà liền sai Thu Cúc cùng thím Vu chuẩn bị. Chiều tối, sau khi đun sôi, Thu Cúc đổ vào một cái chậu nhỏ đậy vung vào rồi đưa cho vú Hà mang lên.

Trong phòng, Hàn Nghĩa chỉ mặc áo giao lĩnh* lụa mỏng, ngồi trước đầu  giường tay gác lên trán, ấn đường hơi nhăn lại. Vú Hà tay bê chậu nước cùng Cao đại phu bước vào phòng, thấy thiếu gia mặt mũi nhợt nhạt hơn hôm qua nhìn nhau lén thở dài.

" Bẩm thiếu gia, nô tì nghe được từ một hạ nhân trong phủ, nơi đây có bài thuốc có thể làm giảm chứng đầu thống lại có tác dụng an thần, lưu thông khí huyết, nô tì nghĩ thiếu gia nên thử ."

Hàn Nghĩa theo tiếng nói mà mở mắt nhìn về phía vú Hà, hắn lắc đầu:

" Ta nghĩ không có tác dụng đâu, mang đi đi."

Cao đại phu thấy vậy liền vội vàng nói:

" Thiếu gia, người đã như này cả tuần nay, nếu phu nhân ở trên kinh thành mà biết được sẽ đau lòng lắm. Hạ nhân cũng đã xem kĩ, đây có thể là phương pháp tốt, có lẽ thực sự sẽ có hiệu quả ."

Vú Hà cùng cao đại phu nói thêm mấy câu nữa, Hàn Nghĩa cũng xuôi theo. Hắn bảo vú Hà mang lại gần, sau khi nhìn kĩ chậu nhỏ một lượt lại hỏi qua về các nguyên liệu thấy không có vấn đề gì mới bắt đầu xông.

*áo giao lĩnh: Áo giao lĩnh là loại áo vạt chéo, buộc vạt bên phải.

Bên kia, trước khi ngủ, Thu Cúc cầu trời khấn phật cho phương pháp này có thể hữu hiệu với cậu hai, nếu có gì ngoài ý muốn nàng quả thật xong đời  mất.

* Trang phục thường dân thời Lý.
Nguồn:
https://quocsuquan92.blogspot.com

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Store