ZingTruyen.Store

chuyen doi tu ke

p3 - tu mot tiet day tuy hung - mot mua he dang nho

zqqqq1

Từ một tiết dạy tùy hứng

(Kính tặng thầy Vũ Văn Tản với lòng biết ơn sâu sắc)

TT - Năm lớp 7, tôi học văn do thầy Vũ Văn Tản dạy. Thời đó, ở quê tôi (Tiền Giang) một số giáo viên có bằng tú tài 2 là dạy lớp 6, 7. Thầy Tản lúc ấy hình như đang là sinh viên văn khoa. Chất tài tử của thầy bộc lộ rõ ở những tiết dạy phóng khoáng, không gò bó theo chương trình khiến học sinh rất thích.

Giảng bài xong, thầy ngâm thơ cho chúng tôi nghe. Thầy còn cho chép những bài thơ hay của Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, T.T.K.H.... Thầy truyền kiến thức cho chúng tôi với niềm say mê vô hạn. Tôi thuộc lòng những bài thơ thầy cho chép, còn sưu tầm thêm thơ hay trong VN thi nhân tiền chiến, chép vào quyển sổ riêng. Tôi bắt chước thầy ngâm thơ.

Giọng tôi trầm, buồn, được khen là có tâm hồn nên ngâm thơ có phần truyền cảm. Khi dạy học những năm đầu mới ra trường, tôi cũng có ngâm thơ cho học sinh nghe. Dạy bài thơ Nghe em vào đại học của nhà thơ Giang Nam, tôi ngâm một đoạn trước khi giảng.

Tuần sau, khi kiểm tra bài cũ, một học sinh nữ xin trả bài bằng cách ngâm thơ. Sau khi ngâm xong, em làm động tác cúi chào như một nghệ sĩ. Cả lớp cười rần và vỗ tay nhiệt liệt. Tiết học bắt đầu trong sự vui vẻ của cô giáo và sự thích thú của học sinh. Tuy nhiên, tôi chỉ ngâm thơ được trong năm học ấy (1976).

Từ đó về sau, không có phút giây nào rảnh để thầy trò có thể thư giãn đôi chút. Chương trình mới quá nhiều bài, bài dài không kịp giảng trong 45 phút, rồi hội giảng, dự giờ, thanh tra... không ai dám thoát ly giáo án dù chỉ là năm mười phút. Những giờ dạy văn mất đi sự thoải mái, thong thả xưa kia.

Tôi còn nhớ, nhờ một lần thầy Tản dạy tùy hứng không theo chương trình quy định mà tôi thi đậu vào trường sư phạm. Trong giờ dạy văn lớp 7, không hiểu sao thầy dạy Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự trong khi đúng ra truyện này chỉ được dạy ở chương trình lớp đệ nhị.

Thầy cho chép một đoạn thơ khoảng 20 câu và giảng nhưng chúng tôi không hiểu vì lời thơ cổ xưa khó nhớ. Dĩ nhiên, về nhà nhiều học sinh không học bài vì nghĩ rằng thầy không trả bài. Tuần sau, thầy gọi trả bài, bốn học sinh không thuộc. Thầy gọi tôi, tôi đọc vanh vách hết bài. Đoạn thơ ấy tôi phải học ba buổi chiều mới thuộc. Và tôi được thầy cho điểm tối đa.

Đỗ tú tài 2 xong, không có tiền học tiếp đại học, tôi phải nghỉ. Bạn bè tôi đua nhau lên Sài Gòn học. Riêng tôi lủi thủi ở nhà ra vào sau trước với ba tôi. Nhà không ruộng vườn, các anh chị đã có vợ có chồng ở riêng cả. Mơ ước được vào đại học đối với tôi là quá xa vời, hơn nữa đi học xa thì ba sống với ai? Tuy nghỉ học nhưng lòng tôi luôn nuôi khát vọng cháy bỏng được vào đại học.

May mắn cho tôi, hai năm sau, năm 1972, tỉnh nhà mở trường đại học sư phạm đầu tiên. Một cô bạn cũ cùng học lớp 12 đi hơn 10km xuống nhà cho tôi hay. Tôi hăm hở nộp đơn thi. Từ lúc nộp hồ sơ đến ngày thi chỉ còn 20 ngày. Tôi khẩn trương học ngày học đêm. Tài liệu học thi chỉ là những bài giảng của thầy cô chép trong tập từ lớp 6 đến lớp 12. Tôi học không bỏ sót một bài giảng nào. Tôi chia thời gian để ôn tuần tự từ lớp thấp đến lớp cao.

Khi ôn chương trình lớp 7, đến Truyện Hoa Tiên, dù thầy dạy có một tiết, tôi cũng học kỹ và xem thêm Truyện Hoa Tiên để bổ sung. Không ngờ năm ấy đề thi cho ngay Truyện Hoa Tiên. Tôi đỗ hạng nhì. Quả thật, nếu không được biết qua về Truyện Hoa Tiên ở năm lớp 7 thì chắc chắn tôi không thể nào thi đỗ.

Sau hai năm học đầy khó khăn về tài chính, tôi ra trường trở thành giáo viên dạy văn. Và tôi đã gắn bó với nghề đến khi về hưu.

Tôi luôn cảm ơn thầy tôi - thầy Vũ Văn Tản - với những tiết dạy linh động ngoài giáo án, đã giúp tôi thi đỗ vào sư phạm, có nghề nghiệp ổn định; tôi biết ngâm thơ, biết rung động với những bài thơ hay, tâm hồn thêm phong phú. Tôi nhận ra rằng những kiến thức mà thầy cô truyền thụ cho ta, dù nằm trong hay ngoài chương trình, cũng đều bổ ích cả. Vì thế, tôi luôn ước mong các thầy cô sau này được dạy một chương trình nhẹ nhàng thoải mái, để có thêm những tiết dạy sinh động mà học sinh yêu thích.

NGỌC TÂN (Tiền Giang)

Đừng như nước mắt chảy xuôi

TT - Cố tôi là con gái của ông giáo làng. Ngày cố mười tám, nhan sắc mặn mà lại đảm đang nên nhiều nhà trong vùng tới hỏi cho con. Cố tôi yêu văn thơ rồi yêu luôn người đàn ông nghèo hay chữ thường viết thư cho mình, chấp nhận những ngày tháng khó khăn lênh đênh sông nước sắp tới.

Rồi cố có mang ngoại. Người đàn ông cố tin yêu bảo bỏ đi, cuộc sống rày đây mai đó, chưa có con được. Ông nói sẽ cố kiếm tiền, lên bờ sống, rồi sẽ có thật nhiều con. Cố tôi không chịu. Năn nỉ không chịu. Cự cãi không chịu. Đe dọa cũng không chịu. Nói mãi không được, người đàn ông thay đổi tính tình, trở nên cộc cằn dữ tợn hơn. Ngồi trên ghe ông nhậu rượu, chẻ đôi từng cây diêm cho cố nhúm lò nấu cơm.

Gió sông lồng lộng, nhúm mãi lửa không cháy, ông ngà ngà rượu, lấy mái chèo đập vào đầu cố. Ghe cập bờ, cố ôm con bỏ trốn. Sau đó cố biết thêm người đàn ông bà từng yêu thương nửa chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng lại có sức đánh cá rất khỏe, mấy lời thơ văn ong bướm ngày nào là do ông đổi từng con cá đi thuê người ta viết. Chua chát, cố chỉ nói thế!

Khi ngoại lớn được một chút, có người tới hỏi, vậy là cố đi lấy chồng khác. Người ta không nuôi ngoại, cố đành gửi ngoại cho người bà con.Vì khát khao một gia đình, cần một người đàn ông che chở cho đời mình, hận thù người đàn ông cũ hay vì tất cả lý do đó? Ngoại sau này hỏi, cố chỉ im. Lúc đem con đi cho, cố có khóc như ngày xưa người đàn ông kêu cố bỏ con không?

Từ ngày không có cố, ngoại lại bắt đầu một cuộc sống khác. Họ hàng không nuôi nữa, sáu tuổi ngoại đi ở đợ. Còn bé nên ngoại được giao giữ em, ẵm thằng bé mập xệ cả vai. Người ta ăn xong, ngoại được chén cơm và một con tép. Bê ra góc nhà ngồi ăn, để dành con tép ăn cuối cùng, sẩy tay rớt, con mực chạy tới tha đi mất.

Ngoại ăn cơm không nhưng vẫn kể với tôi là “ngon lắm con à”! Cố tôi một năm tới thăm ngoại một lần, mua cho ngoại hai bộ đồ mới. Ngoại khóc đòi về ở với cố, không cần áo quần mới làm gì. Sau đó cố không ghé lại nữa, chắc cố sợ khó kềm lòng khi thấy ngoại khóc. Chỉ có ngoại chiều chiều ngồi nhìn nhà người ta quây quần, nhớ cố!

Một ngày, ngoại ẵm thằng bé ra ngoài, nhìn con nít hàng xóm chơi đuổi bắt, thế nào đó lại để ngã em. Ngoại bị ăn đòn một trận và không ẵm em nữa mà gánh bánh bèo đi bán. Rồi ngoại gặp và thương ông ngoại, nhưng gia đình ông chê ngoại không có cha mẹ, lại nghèo. Ông đi lấy vợ.

Ngoại sắp làm đám cưới với người khác lại từ hôn để lấy ông ngoại sau khi vợ ông mất. Rồi các dì và mẹ tôi ra đời. Bên ông ngoại nhất quyết không nhận dâu, nhận cháu. Ông ngoại lại yếu, viết báo một thời gian rồi thất nghiệp, ngoại là trụ cột. Nhà nghèo nhưng các dì và cậu tôi đều được ăn no mặc lành, được đến trường. Đi bán có hôm tận 10 giờ tối ngoại mới về, tay cầm một vỏ hộp thuốc lá đựng đầy dế: “Má bắt cho tụi bay chơi”.

Các dì và cậu lớn lên, lập gia đình rồi bỏ ngoại mà đi xa lập nghiệp. Bố tôi đi làm ăn xa, mẹ ở lại với ngoại, rồi lục đục, cái võng duy nhất cho tôi bị ngoại lấy dao băm ra. Tám giờ tối, mẹ pha cho tôi bình nước gạo rồi bế trên tay, xách toàn bộ gia tài là cái giỏ quần áo đi. Bố mẹ tôi mướn được cái chuồng heo bỏ hoang, kê được mỗi cái giường. Tôi nằm trên đó, nước ngập sát mép, lợn cợn rác bẩn.

Rồi ông ngoại mất, ngoại càng trở nên cô độc.

Cố giờ cũng cao tuổi nên bố mẹ tôi rước cố về nuôi. Riêng ngoại, ngoại kêu để ngoại sống một mình. Bố tôi đạp xe ba gác chở xà bần thuê, mẹ tôi bán bánh mì. Cố ở nhà dạy tôi cái này cái nọ cho khôn ra. Được một năm thì các dì bàn bạc và đem cố về bên ngoại. Còn bé, tôi chỉ nghe mẹ cự cãi rằng mẹ không trông vào tiền của cố. Tôi nghe mà không hiểu người lớn đang nói gì, chỉ biết mình lại mất mát điều gì đó thân thuộc lắm.

Ngoại rước cố về nuôi, cho ăn ngày ba bữa đầy đủ, nhưng chưa bao giờ ngoại thôi nhiếc móc cố về chuyện ngày xưa. Cố lẫn rồi. Có những ngày cố xách cái giỏ đệm, ngoắc xích lô, kêu bay chở tao về nhà tao hồi xưa. “Bà già, không có tiền mà đi đâu?!”. Tha thẩn, đi bộ hết buổi trưa khét nắng, cố lại trở về với ngoại.

Có lần tôi thấy, lắc tay mẹ: “Cố kìa mẹ, đón cố về ở với con lại đi”. Mẹ gạt đi, người nào rước đi thì phải có một lời với mẹ. Có những thứ tôi không ngừng thắc mắc, sự phẫn nộ khiến người ta trở nên lạnh lùng và dửng dưng sao? Ngoại, rồi cả mẹ?

Rồi cố cũng mất, ngoại vẫn sống một mình, trở nên độc đoán lại hay nghi kị. Ngoại cứ nghĩ ai cũng đang rình mò gia sản mà ngoại gầy dựng, đôi khi lại nói những điều khiến các con mâu thuẫn nhau. Con cháu ít ra vô nhà ngoại.Tôi giờ lớn, thỉnh thoảng ghé qua ngoại, nhìn một người già vừa sợ lại vừa thương.

Tính tình ngoại thay đổi nhưng sự cô độc hằn lên trong mắt. Trải qua một thời gian dài khó khăn, có được một số tiền trong tay ngoại lo sợ lại mất đi giống ngày xưa sẩy mất con tép. Ngày giỗ cố, thỉnh thoảng tôi thấy ngoại gạt nước mắt, đốt cho cố bộ quần áo.

Điều con người cần cuối cùng vẫn chỉ là tình người, không phải là gì khác. Tôi chỉ mong mình sống, đừng như giọt nước mắt chỉ chảy xuôi. Đừng để một ngày nọ điều mình làm chỉ còn có thể là đốt một bộ quần áo gửi đi cho người đã mất và khóc...

MỘT BẠN ĐỌC 

(đề nghị không nêu tên)

Bỏ cả cuộc đời trong nồi mắm kho

TT - Ba tôi sinh năm Canh Tý. Người ta nói tuổi này sẽ có cuộc sống an nhàn nhưng sao cuộc đời ba chỉ toàn lận đận.

Lúc nhỏ ba sống với ông bà nội vốn là phú nông ở miệt Châu Thành (Long An), nhưng khi ba thi xong tú tài thì gia đình sa sút, ruộng vườn bị người ta chia chác hết. Ba phải lưu lạc lên tận Long Thành ở với người dì, vừa đi làm rẫy vừa học trung cấp đo đạc bản đồ. Học xong, ông trở về làm công chức ở một cơ quan của tỉnh nhà. Má tôi kể lúc ba má cưới nhau, tài sản lớn nhất hai người có là chiếc xe đạp đòn dông và mấy cái quần xà lỏn.

Đến bây giờ xa nhà lên thành phố học ba năm, ăn cơm bụi sinh viên miết nhiều lúc tôi thấy thèm tô mắm kho của ba nấu quá đi thôi. Ở nhà ít khi ba làm thức ăn mà chỉ nấu độc món mắm kho thôi. Mắm kho ba nấu có cái ngọt của đậu bắp, cái dìu dịu của cà tím xen lẫn với một chút đắng của khổ qua, chút cay của ớt sừng trâu...

Hình như trong nồi mắm đang bốc khói thơm lừng, ông bỏ cả cuộc đời mình vô đó. Đó là vị mặn của giọt nước mắt nuốt vội trong lòng khi nhìn người anh từng nuôi mình ăn học lịm dần trên giường bệnh vì không có tiền mua thuốc. Là những đắng cay của cuộc đời công chức “trên đe dưới búa”.

Trong cái thế giới tưởng chừng như êm ả, bạn bè hay đối thủ chỉ trong tích tắc... Một cái giơ tay, vài lời nói gay gắt có thể biến người đồng nghiệp mà mình quý mến trở nên xa lạ. Nhiều khi nhìn mấy người dân quê chầu chực ở cổng cơ quan, nhớ ra người bạn có nhiệm vụ giải quyết công việc cho bà con đang ngồi nhậu ở quán Sông Quê hay Chân Quê gì đó, ba lại thấy nhói ran, rã rời...

Ừ, thì đời làm thằng đàn ông nhiều khi cũng phải mượn thứ nước đó để quên, để vui, để buồn... nhưng làm ơn đừng nhậu luôn nỗi lo của những người dân đã lặn lội mấy chục cây số lên đây kiếm mình như vậy, “Thất đức lắm con ơi!”.

Nhớ năm ấy dành dụm được chút tiền, ba má quyết định xây nhà cho ông bà nội vì căn nhà tranh vách lá của ông bà đã xập xệ lắm rồi. Hỡi ôi! Nhà nội vừa xây xong, chưa kịp vui thì xảy ra chuyện. Ông dượng Sáu không hiểu sao phát bệnh điên, từ quê lên nhà nội dưỡng bệnh nổi cơn giết cô Sáu tôi rồi rượt chém ông nội thương tích đầy mình. Bà nội chứng kiến tất cả mà chỉ biết nằm khóc vì bà bị bán thân bất toại lâu rồi. Một tay ba đưa ông nội đi bệnh viện, tay kia lo chôn cất em mình. Lần đầu tiên tôi thấy ông khóc.

Nhiều người nhìn vô cảnh nhà tôi lúc ấy đều lắc đầu thở dài, có lẽ từ việc họ thấy bà nội tôi bị liệt nửa người nằm một chỗ trên giường; thấy ba đứa con của cô Sáu tôi không ai nuôi dạy; thấy ông nội tôi nằm bệnh viện và thấy cả nhà bốn người chúng tôi chen chúc trong căn phòng tập thể 20m2. Má sinh thêm em trai, vì nghỉ làm nhiều quá nên bị cơ quan giảm biên chế, từ đây ba phải gánh vác để nuôi cả nhà. Thương ba vất vả, má xin vô xí nghiệp hạt điều. Làm được vài ngày hai bàn tay má sưng tấy. Ba bắt má nghỉ, một tay ba gánh vác tất cả...

Nhiều lần tôi hỏi ba sao mình có tới hai cô út lận. Ba nhìn tôi như ứa nước mắt, không trả lời. Lớn lên tôi mới biết mình có hai bà nội. Nghe má kể hồi đó ông nội đi trốn lính, xuống tới miệt Bến Tre thì quen bà nội hai rồi lấy nhau, sinh con, rồi dắt nhau về nhà làm bà nội tôi đau buồn đến nỗi ngã xuống nằm bất động cho tới lúc chết. Ba tôi cũng từ đó mang một nỗi hận trong lòng không thể nói ra.

Mỗi lần chở tôi về thăm bà nội, tôi thấy ba ngồi hàng giờ trước giường bà, hai má con giờ chỉ nói chuyện được với nhau bằng mắt. Dù tết năm nào ông cũng đánh xe về tận xứ biển ấy để thăm cô út hai, nhưng tôi để ý hình như chưa lần nào ba cắm nén nhang trên bàn thờ bà nội hai...

Hồi tôi còn nhỏ, có bữa ba đi nhậu xỉn về đuổi hai má con tôi ra khỏi nhà khóa cửa lại. Tôi khóc lớn rồi la làng “cướp, cướp”, hàng xóm đổ tới. Ba mở cửa với gương mặt đỏ gay (không biết vì rượu hay vì xấu hổ). Từ đó ba bỏ rượu, đám tiệc gì cũng xin bình nước trà thay rượu để cụng ly cho khỏi thất lễ với các chú các bác trong bàn.

ĐINH QUANG DUY

Hột vịt lộn của má

TT - Tôi đã bao nhiêu lần định viết ra chuyện về má tôi, định nói thật nhiều với tất cả niềm thương yêu và kính trọng nhưng chắc là không bao giờ đủ. Hôm nay tôi muốn kể về hột vịt lộn của má.

Lúc tôi mới bắt đầu biết đọc, biết viết thì gia đình tôi từ trước đó đã quá nghèo nếu như không muốn nói là thiếu ăn. Ba tôi bị bệnh đau bao tử hành hạ triền miên từ lúc nào tôi chẳng biết nữa. Trước đây ông nguyên là dân quân tự vệ chế độ cũ, không giúp gì nhiều cho kinh tế gia đình, sau ngày giải phóng lại đeo theo bên mình cái ách bệnh tật. Một tay má tôi lo cho bảy anh em chúng tôi ăn học. Má bán gà vịt dạo trong nội thị cách nhà tôi khoảng 6km, hằng ngày má phải cuốc bộ vài chục cây số đi về, vậy mà tôi chưa hề nghe má than thở một lời.

Đến bữa ăn, anh em chúng tôi hết đứa này đến đứa khác chán ăn, bỏ bữa làm reo với má. Bởi thức ăn thường là khoai mì độn cơm (khác với cơm độn khoai mì như những nhà nghèo khác) và một chén mắm kho quẹt hoặc khá hơn thì một chén xì dầu dầm với quả trứng gà hoặc vịt tình cờ đẻ rớt mà má để dành không bán...

Đã vậy chúng tôi còn tranh nhau xin tiền má để được đóng trước các loại tiền từ nhà trường. Những lúc như vậy má thường im lặng nhìn chúng tôi mà rưng rưng... Ăn uống thiếu thốn nên anh em chúng tôi đứa nào cũng ốm nhách và xanh lè, nhưng ơn trời chúng tôi rất ít bệnh tật và ham học. Cứ tối đến, đứa lớn dạy đứa nhỏ học xong mới đến lượt mình học. Những lúc quây quần như vậy tôi thấy ánh mắt má vui lạ thường. Vui, má cũng rưng rưng... Má hay ao ước “ngày mai trúng mánh bán được nhiều gà má sẽ mua mấy lạng thịt kho cho bây ăn”. Nhưng tội nghiệp má tôi, cái “ngày mai” của má quá ít khi xảy ra...

Một buổi tối sau giờ học má kêu tôi xuống bếp khóa trái cửa và xòe ra một hột vịt lộn nóng hổi:

- Má cho con, đừng để mấy anh chị biết.

Tôi như muốn hét lên vì sung sướng, má bụm miệng tôi:

- Con ốm yếu nhất nhà, má bồi dưỡng, con ăn xong rồi hãy lên nhà trên.

Tôi hạnh phúc vì nghĩ mình được má thương nhất nhà! Bẵng đi vài tháng sau, một bữa Cu Ty, em út, chạy lại bàn học của chúng tôi và xòe tay ra khoe một hột vịt lộn!

- Má thương em nhất, vì em ốm yếu nhất nhà!

Mấy anh em nhìn nhau, rồi quay sang nhìn má, má lặng đi rưng rưng:

- Má thương các con hết, thương bằng nhau hết nhưng má không thể mua cùng một lúc bảy quả trứng cho các con được.

Bây giờ chúng tôi mỗi đứa mỗi nơi xa quê hương lập nghiệp, con cái đề huề ít có dịp gặp nhau nhưng nhắc đến hột vịt lộn của má ai cũng ngậm ngùi nhớ má, nhớ cái thời thơ ấu gian khổ mà nhiều cảm xúc.

LE KINH TAI

Chị dâu tấm lòng như mẹ

TT - Chị dâu tôi năm nay đã 95 tuổi mà vẫn còn minh mẫn. Nhiều người bảo chị ăn ở nhân từ đức độ, nên Trời Phật sẽ cho chị sống tròn trăm tuổi hoặc còn lâu hơn nữa.

Mỗi lần tôi ghé thăm, chị nhắc lại chuyện xưa rồi hai chị em ngồi khóc.

Năm 17 tuổi chị về làm dâu trưởng cha mẹ tôi, mãi đến năm 21 tuổi vẫn chưa có con. Lúc ấy, một tai họa khủng khiếp ập đến nhà chồng. Mẹ đẻ, cha đau, do không tiền thang thuốc, cùng qua đời trong một ngày vào mùa đông năm ấy, bỏ lại đàn con hai gái năm trai, còn thêm ông nội ngoài tám mươi già yếu. Giờ chỉ còn anh chị phải lo gánh vác.

Nhà nghèo, đất ruộng không, trâu bò chẳng có, quanh năm chỉ gặt mướn cấy thuê, mò tôm bắt ốc, nuôi sống cả nhà tám miệng ăn đâu có dễ. Chồng lo bươn chải mưu sinh, chị ở nhà quản lý đàn em nhỏ dại. Bữa cháo bữa rau mà chị không một lời kêu ca, chưa một lần roi vọt, cứ âu yếm nâng niu các em như mẹ hiền.

Mùa đông giá rét thiếu chăn, chị xin bao tời cho các em, tối đút chân vào ngủ cho ấm. Áo quần rách, chị vá víu túm khâu cho các em mặc tạm. Tối nào chị cũng quạt trã lửa để dưới giường sưởi ấm cho ông nội. Nếu sắn khoai không đủ, chị đi bắt ốc mò tôm, bảo các em đi cắt rau đắng về nấu ăn trừ bữa. Có lần đi mua gạo chịu của bà trùm T., do nợ cũ chưa trả nên bà không bán mà còn mắng chửi, chị đành xách mủng về không rồi ngồi khóc.

Khổ nhất là chuyện nuôi đứa em út, năm tháng tuổi phải chịu mồ côi cha lẫn mẹ. Mỗi lần nó thèm sữa khóc la, mấy chị em thay nhau bồng đi xin bú thép từ làng trên đến xóm dưới. Nhưng đâu có dễ gì ngày nào cũng có sữa để xin, chị phải nhai sắn bón cho em ăn tạm. Có lần nửa đêm nó gào khóc dữ dội làm thức giấc cả nhà. Chị đặt nó xuống võng lại bế lên ầu ơ hát ru khàn cả giọng. Ông nội tưởng chị chưa quen nuôi con mọn nên giành bế, nó càng khóc to hơn. Chị khóc, cả nhà cũng khóc theo em.

Đến khi chúng tôi khôn lớn tự bươn chải kiếm sống, anh chị lại tiếp tục nuôi đàn con dại một gái, bốn trai. Con gái đầu của chị độ tuổi trăng tròn biết đỡ đần cho cha mẹ thì bị Tây đi càn bắn chết năm 1952. Chồng chị quá đau buồn nên lâm bệnh nặng rồi cũng qua đời theo con sau ba tháng.

Người chị như điên dại có lúc cũng muốn theo chồng cho trọn đạo, nhưng vành khăn chế trên đầu như nhắc nhủ còn bốn giọt máu của chồng để lại, bỏ côi cút cho ai. Chị phải gạt nước mắt gắng gượng sống để nuôi con. Năm 1954, chúng tôi đi tập kết thì mẹ con chị dìu dắt nhau ra che tạm mái chòi bên cạnh bờ đông sông Hàn, Đà Nẵng. Hằng ngày chị làm thuê, gánh đất, đội than, đội muối để kiếm tiền mua gạo nuôi con. Rồi chị xin vào đội bốc vác bến tàu sông Hàn.

Thân hình gầy gò ốm yếu mà chị phải vác những bao gạo, ximăng trọng lượng nặng hơn mình, lên xuống cầu tàu cả bốn mùa mưa nắng. Có lúc chị mệt hụt hơi muốn té nhào trên cầu, nhưng vì thương các con phải gắng vượt. Đến khi các con biết nhận bánh mì, nhận kem đi bán kiếm tiền giúp mẹ thì chị mới đỡ vất vả một phần.

Nay chị sống với các con cũng còn nghèo nhưng biết giữ đạo lý nên chị cũng được phụng dưỡng ấm no. Mỗi lần nhớ lại chuỗi ngày cơ cực của thời con gái là chị khóc.

Năm ngoái chị bệnh nặng, tưởng không qua khỏi. May mắn sao, chị bình phục được. Tôi muốn qua bài viết này, thay mặt anh chị em tỏ lòng biết ơn chị dâu, người chị đã chăm sóc nuôi dưỡng chúng tôi với tấm lòng từ mẫu.

LÊ THỊ CHÂN (thị xã Hội An, Quảng Nam)

Hai ngôi mộ trong vườn nhà tôi

TT - Gia đình ông nội tôi sinh được bốn người con, ba trai một gái. Cô tôi lấy chồng cũng gần nhà, chú tôi đi làm rồi lấy vợ ở luôn thành phố, chỉ còn bố tôi và bác ở nhà.

Khi lập gia đình, bố tôi được phân một sào đất ở gần nhà nội. Trong khu vườn nhà tôi có hai ngôi mộ của dòng họ P. đã bao năm nằm đấy. Vào các dịp lễ tết chúng tôi thường thắp nén nhang cho các phần mộ trong vườn.

Cuộc sống bao năm vẫn bình yên nếu như không có việc ông M. trong họ tộc đó đi xem bói về và bảo trong họ nếu muốn con cháu ăn nên làm ra thì phải xây dựng hai ngôi mộ thật khang trang, to đẹp. Thế là cả họ đóng góp công sức tiền của, chỉ một ngày đã xây xong hai ngôi mộ bề thế lộng lẫy cao ngất, che khuất cả gian nhà chúng tôi.

Hồi đó tôi còn nhỏ, nhưng các cậu tôi là giáo viên và công an nắm rõ pháp luật bảo rằng theo quy định phần mộ trong khu dân cư không được xây to lớn. Cha tôi ngăn cản không cho xây mộ thì bị người họ P. đánh ngất xỉu giữa nhà. Tôi vừa đi học về chẳng biết đầu đuôi ra sao, chỉ thấy bao vây nhà tôi toàn là người họ P.. Tôi giận vô cùng nhưng không làm gì được. Bên họ P. cũng xin được giấy phép xây dựng mộ do phó chủ tịch xã ký.

Cha tôi phải đi viện mà chẳng ai hỏi thăm một câu. Mẹ tôi viết bao nhiêu đơn từ giấy mực kiện lên xã nhưng vô ích nên gửi đơn lên huyện. Có lẽ bên họ P. lo nên muốn làm lành. Ông phó chủ tịch xã cũng tìm cách làm hòa. Mẹ tôi suy nghĩ nhiều. Vả lại gia đình tôi cũng yếu thế nên đành thôi, phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Riêng tôi nghĩ mình sẽ có lúc trả được mối thù này cho hả giận ...

Bẵng đi chục năm. Tưởng như mọi chuyện đi vào quên lãng nếu cuộc sống vẫn thế. Nhưng cách đây khoảng ba năm, dòng họ P. đó có nhiều người chết khi tuổi đời còn rất trẻ. Các gia đình trong họ tộc lo sợ. Ông M. lại đi xem bói về bảo: sở dĩ lâu nay dòng họ có nhiều con cháu bị “bắt đi” là do động mộ, “các cụ” dưới đó bảo không được xây dựng tu sửa hai phần mộ trên, nếu không còn nhiều người khác bị “bắt đi” nữa (!).

Tôi nghĩ ở đời cần phải sống có đạo đức, chấp hành pháp luật. Đời sống kinh tế khá lên phát sinh nhiều trò mê tín dị đoan. Nhiều người “phú quý sinh lễ nghĩa” kêu gọi xây dựng mồ mả hoành tráng, tốn kém tiền của con cháu, trong khi nhiều người nhà cửa chưa có...

Giờ đây anh em chúng tôi đã khôn lớn, có công ăn việc làm, học hành đến nơi đến chốn. Nhiều người trong họ P. đã biết tôn trọng chúng tôi hơn. Đôi lúc nhớ lại chuyện năm xưa tôi cũng cảm thấy tức giận, nhưng nghĩ cho cùng chuyện đã qua nên cứ để thời gian cuốn đi cho lòng thanh thản.

LÊ GIANG NAM (Biên Hòa, Đồng Nai)

Nhìn thầy chăm mạ

TT - Được tin mẹ thầy ốm nặng phải vào viện, tôi tức tốc phóng xe vào Huế để thăm, chỉ mong làm một điều gì đó dù là nhỏ nhất cho mệ - đấng sinh thành đã sinh ra người ơn của tôi trong cuộc sống này...

Vừa đến cửa đã gặp thầy bước ra, dáng điệu hớt hơ hớt hải, mắt thâm quầng, da xanh xao... Chắc mấy đêm rồi thầy không hề chợp mắt. Thầy vội vã kéo tôi lên phòng bệnh để thay ca trực cho người em trai thầy về nhà ăn uống, tắm rửa...

Căn phòng khá sạch sẽ, khang trang. Đợt trước mệ cũng đã vào viện cả tháng trời, nhưng lần này tình hình nghiêm trọng hơn. Có vẻ như ngày xưa mệ vất vả quá, lao tâm lao lực để nuôi 10 đứa con, nên khi đổ bệnh là xọp xuống rất nhanh. Tôi đang loay hoay kiếm ghế ngồi thì thầy đã ngồi bệt xuống đất sát bên mệ. Mệ lúc này chẳng nhận ra cả con trai mình. Thầy vuốt mái tóc bạc trắng của mệ và luôn miệng gọi: “Con đây, mạ ơi...Con đây, mạ ơi!”.

Từ khi chuyển từ bệnh viện ngoài quê vào đây, mệ bỗng mê sảng không dứt, nói huyên thuyên suốt đêm ngày. Những mảnh ký ức chắp vá từ thời xa xưa, tất thảy những người dân từng sống trong làng được mệ nhắc lại một cách không đầu không cuối. Nói đoạn mệ lại quay sang nhìn thầy, thầy gật gật đầu tỏ vẻ đồng ý, mắt long lanh trìu mến.

Có lúc mệ lại bị kích động, đòi giật hết ống truyền đạm. Thầy lại vuốt ve mệ, nói với mệ những chuyện khác và nhè nhẹ kéo tay mệ xuống đặt lên bụng. Thầy không sai tôi mà tự mình thấm khăn lau một lượt mặt mũi chân tay cho mệ. Thầy đưa mệ đi vệ sinh và cũng tự tay rửa, thay quần áo cho mệ. Những phút tỉnh táo hiếm hoi mệ liền hỏi: “Mi đã bỏ thuốc chưa con...?”. Thầy mừng thấy rõ: “Bỏ rồi mạ ạ...”. Mệ lại bảo “Gắt hè...”(Giỏi hè).

Người thầy của tôi năm nay đã trên 50, tóc cũng đã muối tiêu. Tôi thật sự bất ngờ khi gặp thầy trong gian phòng này với hình ảnh mà từ trước đến giờ chưa bao giờ thấy ở một người thầy lúc nào cũng nghiêm khắc, cương nghị.

Tay thầy run rẩy mỗi khi rót nước cho mệ uống, mỗi khi mệ trở mình... Mệ vùng vằng làm máu chảy ngược ra ống truyền. Thầy hớt hải chạy gọi cô hộ lý. Cô bước vào, thái độ khó chịu, mặt nặng mày nhẹ to tiếng với mệ. Tôi thấy thầy nắm chặt tay, mắt đỏ ngầu, bởi thầy có bao giờ chấp nhận những cách đối xử như thế này đâu. Thế mà lúc ấy thầy vẫn cố thả lỏng người nói với cô hộ lý chỉ đáng tuổi con mình: “Chị ơi, mạ tôi yếu lắm rồi...”.

Tôi và thầy chỉ ra về khi mệ đã hết kích động và chịu nằm yên trên giường. Thầy ra khỏi phòng mà cứ ngoái lại. Tôi đã ngồi trong viện cùng thầy hơn tiếng đồng hồ. Đây là lần đầu tiên tôi ngồi trong viện lâu thế và thấy mình đã được nhiều điều. Tôi chiêm nghiệm như một ông cụ non rằng sau này tôi có chăm ba mẹ tôi được thế, con cái tôi liệu có chăm tôi được như thế...

9 giờ đêm, hai thầy trò đói lử tấp vào một quán ăn bên vệ đường. Thầy ăn chậm rãi và bất chợt dừng đũa nói như khóc: “Đời thầy chỉ có một điều ân hận, dằn vặt mình, bởi nếu như thầy có được tiền bạc sớm thì mệ đã không phải khổ như thế này...”.

Tôi chẳng nói được gì, chỉ nghe lạnh sau gáy, bởi ở quê mẹ tôi cũng đã trên 50, đủ thứ bệnh mà nào có được nghỉ ngơi, ngày ngày vẫn phải “bán phổi nuôi con” (mẹ tôi thường dùng cụm từ này để nói về nghề giáo viên của bà) và lo cho gia đình nhỏ bé được êm ấm...

NGUYÊN ĐĂNG (Quảng Trị)

Thương thay lao động trẻ em

TT - Tôi có người chị tên H. con ông cậu ruột, nhà ở Hà Nội, tạm cư ở Ba Lan, chuyên buôn bán hàng may mặc. Năm 2002, chị về VN đặt may hàng thun rẻ tiền xuất khẩu qua Ba Lan. Lúc đó tôi là phó phòng kỹ thuật công nghệ của một công ty may lớn, kiêm quyền giám đốc xí nghiệp may trực thuộc công ty.

Vì tôi có trình độ quản lý và kỹ thuật trong ngành may nên chị H. đã thông qua tôi để đặt hàng cho các cơ sở may. Hàng thun người lớn có giá 12.000-14.000 đồng/sản phẩm, hàng trẻ em 7.000-9.000 đồng/sản phẩm, mỗi mã hàng trung bình có tổng giá trị khoảng 150 triệu đồng. Các cơ sở sản xuất nếu tổ chức tốt thì có lãi từ 200-500 đồng/sản phẩm.

Về quy cách hàng hóa, chất lượng, thông số, mẫu mã, màu sắc, tiến độ giao hàng... phải hoàn toàn làm theo yêu cầu của chị. Tuy là hàng rẻ tiền nhưng yêu cầu của chị rất nghiêm ngặt! Chị bảo tôi phải kiểm tra các cơ sở sản xuất thường xuyên, nếu phát hiện lỗi phải loại bỏ sản phẩm đó, nếu lỗi nhiều thì kiên quyết không cho xuất hàng nên các cơ sở sản xuất cũng bị tổn thất rất nhiều vì hàng lỗi...

Về phương thức thanh toán, sau khi thỏa thuận, ký hợp đồng xong (thường là hợp đồng miệng) chị ứng cho 30% tổng giá trị đơn hàng. Sau khi hàng được xuất ra cảng, chị ứng tiếp 40%. Số còn lại chị thanh toán trong vòng ba tháng kể từ ngày nhận được hàng. Ban đầu để chiếm được lòng tin của các cơ sở, một vài mã hàng đầu chị thanh toán sòng phẳng, chị bảo hiện nay hàng bán rất chạy nên đã mở rộng hệ thống phân phối, yêu cầu phải có nhiều cơ sở để sản xuất, mỗi mùa tối thiểu phải làm được 15 mã. Chị ứng cho mỗi cơ sở một ít tiền để làm tin và đặt số lượng hàng lên gấp ba bốn lần, các cơ sở phải tăng thời gian làm việc lên 16-18 giờ mỗi ngày. Không có ngày nghỉ!

Lao động của các cơ sở đa số ở tuổi vị thành niên (13-17 tuổi) có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Nhiều lần tôi đi kiểm tra thấy các cháu làm quá mệt nằm vất vưởng trên máy bị chủ la rầy, các cháu cũng gắng gượng tiếp tục làm việc không hề oán than một lời! Tôi thương các cháu quá nhưng chẳng biết làm cách nào để giúp được. Tuổi thơ tôi cũng rất vất vả vì chiến tranh, nhưng so ra các cháu bây giờ còn khổ hơn nhiều. Đã vậy tiền công của các cháu đâu có được suôn sẻ như chủ hứa (2.000.000 đồng/năm) vì chủ cũng bị lừa.

Nhận đơn đặt hàng xong, có bao nhiêu vốn liếng chủ dồn hết vào đặt nguyên phụ liệu. Khi hàng sản xuất dở dang chủ đòi ứng tiền tiếp nhưng chị H. bảo đang mở rộng hệ thống tiêu thụ phải gối đầu nhiều nên chưa kịp thu hồi vốn, thông cảm cho chị một thời gian ngắn. Chị có ý lấy tôi làm bình phong. Tôi vì tin lời chị nên bảo các cơ sở cứ yên tâm làm. Các cơ sở thấy có tôi nên vẫn tiếp tục làm. Qua vài lần chị hẹn lần hẹn lữa rồi hàng cũng được làm xong. Nhận hàng xong, chị lập tức thay đổi địa chỉ, cắt đứt liên lạc và trốn biệt, để lại số nợ khổng lồ hơn 1,5 tỉ đồng!

Với các cơ sở nghèo số nợ trên quá lớn, không những không có tiền công cho thợ mà khẩu phần ăn cũng bị cắt bớt. Tết đến các cháu không có tiền, không được về quê nằm vất vưởng tôi thấy quá tội nghiệp. Cầm lòng không được tôi đã đem giấy tờ nhà mình đang ở đến năn nỉ vay ngân hàng. Nhưng vì nhà quá nhỏ nên ngân hàng chỉ đồng ý cho vay 600 triệu. Tôi đem ứng hết cho các cơ sở, số tiền đó cũng giúp phần nào cho các cháu...

Hiện nay tôi gặp phải bệnh nan y không có tiền chữa nhưng tôi rất vui vì có nhiều người sẵn sàng chia sẻ, chăm sóc động viên... Tôi thấy mình như vượt qua được bệnh tật, sức khỏe ngày càng tốt hơn. Chỉ tiếc là không liên lạc được với chị H..

Tôi mong muốn chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng hãy quan tâm nhiều hơn đến những người lao động nghèo, cô thế... Đó là những lao động cần được bảo vệ vì họ chiếm đa số trong xã hội.

NGUYỄN HOÀI ĐỨC (TP.HCM)

Bài học nhớ đời

TT - Buổi trưa hè oi ả, tiếng ve kêu ran dưới tàn phượng vĩ trước nhà. Ngồi trong nhà lau từng chiếc bóng đèn để giao cho khách mà sống mũi tôi chợt cảm thấy cay cay. Bao kỷ niệm xưa lại ùa về trong tâm khảm.

Nhớ lại thời thiếu niên, trong thời gian nghỉ hè ba tháng, cha cho tôi đi học khóa học điện - điện tử. Tuổi 14, 15 không còn bé lắm, nhưng chưa phải đã lớn để có nhận thức đúng đắn về những việc làm của mình. Tôi và một người bạn chung xóm, cùng khóa học đó, rất nghịch ngợm và phá phách. Khi đã biết tháo ráp, câu nối bóng đèn, chúng tôi rất mê và thích thú.

Do muốn có nhiều bóng đèn để câu chế, tôi và bạn không dám xin tiền cha mẹ mua (vì cả hai gia đình đều nghèo) mà hè nhau đi canh rình, lấy trộm các loại bóng đèn xe của người ta để sơ hở. Công việc ”làm ăn” của chúng tôi được khoảng nửa tháng thì vô tình đứa em gái phát giác và báo với cha tôi.

Thế là cha tôi nổi trận lôi đình (vì nhà tôi nghèo nhưng rất gia giáo) và cho tôi một trận đòn nhớ đời về tội ăn trộm “làm xấu hổ tông môn”. Tôi còn nhớ mãi câu nói của cha:

- Nhỏ mà ăn trộm thì lớn lên làm ăn cướp đó con!

Tuy nhiên những ngọn roi vẫn không làm tôi đau đớn và đứt từng đoạn ruột bằng khi cha tôi bắt tôi tự tay cầm búa đập vỡ từng bóng đèn mà tôi và thằng bạn đã tốn biết bao công sức để lấy trộm. Dĩ nhiên người bạn nối khố của tôi cũng có một hậu quả chẳng kém gì tôi.

Rồi thời gian dần trôi, từ một thằng bé mê chơi bóng đèn, nay tôi đã là một ông chủ tiệm đèn trang trí nội thất. Qua tay tôi đã có hàng trăm loại bóng đèn lắp ráp cho khách, thỏa mãn ước mơ thời thơ ấu của mình.

Cha tôi đã mất từ lâu, nhưng bài học nhớ đời ngày đó đã giúp tôi trưởng thành hơn. Mỗi khi nhớ lại, tôi rất biết ơn sự dạy dỗ nghiêm khắc đúng lúc của cha tôi và vô cùng xấu hổ vì việc làm khờ dại ngày ấy của mình.

TRƯƠNG THẾ VINH (TP.HCM)

-------------------------

Mùa sầu riêng

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Cha tôi làm thợ mộc, mẹ tôi buôn gánh bán bưng lo cho bốn chị em tôi ăn học.

Gia đình tôi đều rất thích ăn sầu riêng, nhất là cha tôi. Khi mùa sầu riêng đến, hôm nào mẹ tôi mang về một mớ sầu riêng dạt (sượng hay ôi) là hôm đó mẹ tôi khá tiền lời. Có hôm mẹ mang về mớ hột người ta ăn sầu riêng bỏ hột ngoài chợ. Chị em tôi vui mừng xúm lại giành nhau luộc. Hột sầu riêng ăn rất ngon, càng nhai càng dẻo.

Thời gian trôi nhanh, tôi theo chồng về quê ở Khánh Hòa. Rồi tôi có một cháu. Khi bế cháu về Sài Gòn thăm ngoại, đi ngang chợ Bà Chiểu tôi ghé mua hai trái sầu riêng làm quà cho gia đình. Tôi hỏi người bán: “Ngon không dì?”.

Bà bán trả lời: “Không cần phải hỏi, cứ thử đi”. Miệng nói tay bà ấy tách nhẹ trái sầu riêng cho tôi đưa ngón tay vào sờ và lấy một ít để nếm. Nếm xong tôi có cảm giác rất ngon và thơm.

Hồ hởi, tôi mang về cho cha và em (mẹ tôi ít ăn). Vậy mà khi bổ ra, trời ơi nó sượng ngắt, nhạt nhẽo. Người bán hàng dối trá đã nhét sẵn ít cơm sầu riêng ngon vào kẽ trái sượng và bán cho con mồi. Con mồi ấy là tôi! Cha và em tôi ăn cũng khen ngon, tôi buồn buồn tiếc tiền thì ít mà thương cha thì nhiều. Thấy vậy cha tôi nhẹ nhàng bảo: “Số mình nó thế!”. Ông an ủi tôi.

Bây giờ tôi đã có kinh nghiệm lựa được sầu riêng ngon thì cha tôi không còn nữa. Đôi khi đi ngang qua một gian hàng sầu riêng nào đó, tôi thường thầm nghĩ phải chi cha còn sống tôi sẽ mua vài trái sầu riêng thật to. Nhưng đó chỉ là ao ước... Mắt cay sè tôi thầm gọi “Cha ơi!”.

NGUYỄN THỊ KIM LOAN (TP.HCM)

Phận làm dâu

TT - Hơn 30 năm trước tôi lấy chồng nhờ mai mối. Ngày đám hỏi tôi mới biết mặt chồng và ba má chồng. Buổi tối đầu tiên về nhà chồng, ba má chồng bắt tôi dâng khay trầu rượu, đứng khoanh tay nghe giáo huấn: Đạo làm dâu phải tam tòng tứ đức, kính trên nhường dưới, gọi dạ bảo vâng...

Từ đó, tôi bắt đầu cuộc đời làm dâu đầy cay đắng và tủi nhục.

3g sáng má chồng đập vào vách buồng rầm rầm: “Giờ này còn lo úm chồng, đợi tao hầu sao?”. Tôi hốt hoảng vùng dậy chạy đi nấu nước châm trà, quét nhà, tưới rau... xong mọi việc thì vác cuốc ra đồng. Xế trưa mới có hạt cơm vào bụng.

Nhà chồng tôi được tiếng là giàu có, những năm 1970 mà nhà ngói, có ra-đi-ô, truyền hình... nhưng quanh năm ăn cơm với mắm ruốc dầm ớt, thỉnh thoảng đổi món bằng dưa mắm, muối sả... Cơm cũng phải ăn theo tiêu chuẩn mỗi người hai chén, chồng và em chồng tôi trai tráng nên được ăn ba chén. Cuối bữa nồi cơm phải sạch không được dư hột cơm nào.

Mần nhiều mà ăn ít nên ai cũng đói. Tôi mang bầu, thai hành chỉ ăn nửa chén cơm, xế trưa lục nồi cơm không còn một hột. Đói chảy nước miếng trong cũng đành chịu.

Chiều nào xong việc tôi cũng tranh thủ trồng rau. Đỏ đèn không thấy đường mới vô nhà. Tôi rủ em chồng đi kéo lưới, tát hầm kiếm cá tép. Má chồng bắt đem bán hết. Rau nào xấu, cá nào vụn không bán được mới để lại ăn. Buổi trưa thì tôi kiếm củi. Củi chất đầy sàn, đầy nhà kho nhưng má chồng vẫn bắt tôi quét lá để chụm. Củi phải để dành giỗ chạp, tết nhất. Xài không hết thì để mục, mối ăn cũng kệ. Má chồng nói: “Phải tập cho bây cái tính chịu cực chịu khó”.

Ban ngày làm lụng không ngơi tay, ban đêm dù bụng mang bầu lặc lè tôi vẫn phải bóp chân tay, đấm lưng cho má chồng, chỉ được nghỉ vài ngày lúc mới đẻ. Chỉ mấy tháng sau ngày cưới tôi sụt 10 ký, ốm nhom, xanh chành.

Mỗi lần tôi muốn về thăm nhà phải xin phép trước cả tháng. Má chồng cằn nhằn: “Bay đi rồi ai mần”. Từ nhà chồng về nhà tôi tiền xe lôi đi về 8 ngàn. Má chồng cầm 4 ngàn cho mà mặt chằm bằm: “Tiền xe về thì bảo má mày cho”...!

Tôi khóc với ba má xin thôi chồng vì làm dâu không nổi. Ba tôi thở dài lặng thinh. Má tôi nói: “Ván đã đóng thuyền rồi con ơi! Hồi má làm dâu bà nội còn cực hơn 100 lần, ai mà hổng vậy”. Thời đó thôi chồng là chuyện kinh thiên động địa, xóm giềng cười chê. Tôi đành gạt nước mắt từ bỏ ý định.

Tôi sinh con đầu lòng mới hai tuần má chồng bắt ra đồng. Bà nói:“Hồi tao đẻ ba bữa là đi cấy, đâu có sướng như bay”. Đẻ đứa thứ hai tôi chỉ “nằm ổ” có một tuần, phải giăng võng dưới gốc gáo cho con nằm. Đang cắt lúa nghe con khóc thì chạy lên cho bú. Con tôi ra đời chẳng được sắm sửa gì. Tôi lấy mớ quần áo tả tơi không còn vá được cắt thành áo, thành tã cho con. Con tôi quanh năm ở truồng cho tới lớn.

Điều đáng nói là chồng tôi rất mềm yếu, răm rắp nghe lời cha mẹ không dám cãi dù đúng sai. Mần bao nhiêu tiền cũng giao má giữ, không dám cho vợ một đồng. Tôi lấy chồng 10 năm không sắm được tấm áo manh quần nào. Sau này mới làm gan đi cắt lúa mướn lấy tiền sắm sửa.

Má chồng tôi lúc nào cũng giữ tiền khư khư bên mình, gần 80 tuổi mới giao lại cho chồng tôi. Tiếng là giao nhưng hộp tiền vẫn để đầu giường của bà, thỉnh thoảng bà lại mang ra đếm, căn dặn chồng tôi không được để mẻ đồng nào.

Khi tôi cưới vợ cho con trai, dù công ty chúng làm không xa nhà mấy nhưng tôi vẫn cho vợ chồng nó đi ở trọ. Má chồng tôi giận tím ruột, bà nói tôi nổi loạn. Đó là lần duy nhất tôi dám cãi lại bà. Vì tôi không muốn con dâu phải chịu cảnh làm dâu trên đe dưới búa, nước mắt chan cơm giống tôi.

Bao lâu nay bà khó khăn cắc rắc với tôi trăm bề, bây giờ già yếu lại rất sợ tôi bỏ bê, không chăm sóc. Bà nói: “Bay mà xử tệ với tao, tao làm ma cũng theo phá bay hoài”. Tôi không tin chuyện ma cỏ nhưng cũng không làm được chuyện trái đạo. Mỗi ngày tôi vẫn cơm dâng nước rót hầu hạ má chồng, lúc nào cũng dạ thưa không dám sơ sót.

Rồi đây tôi cũng đau ốm, cũng nằm một chỗ như bà bây giờ. Tôi chỉ mong khi chết đi, con cháu có thể vì tôi mà rơi nước mắt.

NGUYỄN THỊ THỊNH (tỉnh Đồng Tháp)

Một mùa hè đáng nhớ

TT - Hè năm đó, chị Hai là tôi 10 tuổi, em thứ ba là Dũng 7 tuổi và Út Vân 2 tuổi. Chúng tôi sống trong một gian nhỏ của khu tập thể Trường đại học Bách khoa, nơi má tôi làm nhân viên văn thư. Còn ba tôi, một kỹ sư xây dựng, cứ nay đây mai đó theo các công trường.

Ngày thường Út đi nhà trẻ. Nhưng đến hè, các cô giáo nhà trẻ được nghỉ nên Út ở nhà với anh chị. Vậy là nhiệm vụ trong hè của tôi là trông em.

Hai từ “trông em” nghe đơn giản chứ thật ra cực lắm. Những buổi sáng, má tôi đi làm từ sớm. Khi Út dậy, tôi cho em đi vệ sinh rồi rửa mặt, đánh răng, ăn cơm nhão hay cháo đặc. Nhiều khi thức dậy không thấy má, Út ri rỉ khóc. Chị Hai phải dỗ dành đủ thứ như đưa đi chơi, kể chuyện, trưa dẫn đi đón má... Út mới chịu nín.

Dọn dẹp xong, tôi bế Út đi chơi. Út bám bên hông tôi như một con nhái bén. Tôi tha Út đi loanh quanh mấy nhà trong xóm hoặc ra phía đầu hồi khu tập thể. Ở đó mấy đứa bạn đang chơi đủ trò hấp dẫn: ô ăn quan, chơi u, chơi keo, chơi trổng, chơi đánh chuyền... Dù rất ham nhưng tôi chỉ có thể đứng xem, bởi Út không chịu rời chị nửa bước.

Nhà có bốn người nhưng má chỉ đủ tiền mua hai suất cơm. Hồi đó cả nước thiếu gạo nên phải ăn độn bột mì. Hai phần cơm được hai cái bánh mì. Má và tôi mỗi người nửa cái. Dũng được ưu tiên 2/3 cái. Phần Út chỗ còn lại. Thức ăn là một cặp lồng canh lõng bõng nước. Đang tuổi ăn tuổi lớn nên Dũng giải quyết khẩu phần của mình trong nháy mắt. Má phải đút Út ăn nên miếng bánh của má vẫn còn đặt trên chén canh.

Vì vậy mỗi khi ăn xong, Dũng thường lẳng lặng chùi mép, đi ra ngoài nhưng không ít lần tôi bắt gặp Dũng len lén nhìn phần ăn của má. Tôi thương nó quá nhưng nửa cái bánh của tôi đã trôi xuống dạ dày từ bao giờ. Đúng lúc đó má quay sang, lặng lẽ bẻ một miếng đưa cho nó. Tôi trừng mắt, bàn tay của Dũng khựng lại. Khuôn mặt chợt xịu xuống, nó lí nhí: “Dạ! Thôi má! Con no rồi!”. Nhưng má cứ ấn vào tay nó: “Má cho! Con ăn đi!”. Ngay lập tức Dũng cầm mẩu bánh lao ra khỏi nhà. Tôi lặng lẽ quay đi. Đôi khi má nhìn tôi, giọng nghèn nghẹn: “Tội nghiệp! Má biết nó còn đói lắm. Phải chi má đủ tiền mua thêm một suất nữa...”.

Ánh mắt của ba và giọng nghèn nghẹn của má còn ám ảnh tôi nhiều năm sau này, mỗi khi đứng trước mâm cơm đầy đủ thịt cá hay những bữa tiệc linh đình.

Một hôm, Út Vân bị một cái nhọt to như quả cau ở bắp vế, sưng tấy, nhức nhối. Út đau đớn khóc ri rỉ suốt đêm. Hôm sau má có một cuộc họp quan trọng không thể vắng, vậy là tôi phải đưa Út đi bệnh viện cách nhà khoảng ba cây số. Má cho tôi ba hào: 2 hào để mua vé tàu điện, 1 hào mua kẹo cho em.

Đến nơi, tôi bế Út vào phòng khám. Bác sĩ khoát tay, nói ra gọi mẹ. Tôi nói: mẹ phải đi làm, cháu đưa em đi. Bác sĩ trố mắt ngạc nhiên, lắc đầu, kêu ái chà, ái chà. Ông đành gọi một y tá bế Út vào phòng mổ. Trao em vào tay một người lạ, tôi rơm rớm nước mắt. Hai tay Út bám chặt cổ chị khóc thét, nhất định không chịu rời.

Đứng bên ngoài hành lang, nghe tiếng Út gào khóc gọi “Chị Hai ơi, chị Hai đâu rồi, em đau quá”..., nước mắt tôi ràn rụa. Một lúc sau tôi cũng bật lên, nức nở. Tôi áp mặt vào cánh cửa kêu to: “Chị Hai ở đây! Út ngoan, Út đừng khóc! Chị Hai thương...”. Thời gian trôi đi chậm chạp. Cuối cùng bác sĩ cũng bế Út ra. Mặt Út tái mét vì sợ và đau. Nước mắt nước mũi nhoe nhoét. Bắp vế băng trắng xóa. Bác sĩ dặn: “Cháu bế em cẩn thận, hết thuốc tê em sẽ đau lắm đó!”.

Tôi bế Út ra chỗ đợi tàu. Đang thút thít, thấy trái mắc cọt của bà bán trái cây trước cổng bệnh viện, Út kéo tay tôi đòi mua. Tôi hỏi giá. Những 2 hào! Tôi ngần ngừ. Tôi chỉ còn đúng 2 hào. Mà vé tàu điện giá 1 hào. Tôi bế Út đi tiếp nhưng Út khóc to hơn, kêu sao em đau quá chị Hai ơi, chị Hai à... Cả người Út dẹo qua dẹo lại bên hông khiến tôi suýt ngã. Tôi quyết định bế Út quay lại...

Không còn tiền, tôi đành bế em đi bộ dọc đường tàu về nhà. Tôi cứ đi như thế mải miết giữa cái nắng trưa chang chang của Hà Nội. Mồ hôi ròng ròng trên mặt, ướt đẫm lưng áo. Thỉnh thoảng tôi phải xốc Út lên rất khẽ vì sợ em đau. May mà Út không khóc, có lẽ vì đã có trái mắc cọt. Cứ thế vừa đi vừa nghỉ, lần hồi từng đoạn, đến gần 12 giờ chúng tôi cũng về đến cổng khu tập thể. Tôi thở phào khi nhận ra dáng má đang tất tả lao tới...

Biết tôi bế em đi bộ từ bệnh viện về, má kêu trời. Nhưng thấy Út ôm khư khư trái mắc cọt, má lại cười. Cười vậy mà từ trong mắt má những giọt nước trong vắt cứ lăn xuống, lăn xuống...

TRẦN THỊ GIAO THỦY (Nha Trang)

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Store