ZingTruyen.Store

chuyen doi tu ke

p1- ba gia dien ay - me toi

zqqqq1

Bà già điên ấy

LTS: Đây là tập thứ 19 trích trong 21 tập Chuyện đời tự kể, mỗi tập là một câu chuyện mà tác giả Lê Quan Hi, 80 tuổi, gửi đến tòa soạn. Đây có thể nói là chuyện đời tự kể “đồ sộ” nhất (dài 295 trang giấy viết tay, chưa kể phụ lục) mà tòa soạn nhận được từ trước đến nay.

Chuyện ấy cách nay có trên 57 năm qua rồi, nhưng mình không quên được.

Số là hôm nọ anh Tám Ngởi (tên họ là Phạm Kỳ Ngởi), người bà con của mình, rủ mình chủ nhựt sau đi lên Biên Hòa viếng nhà thương điên.

Vừa nghe thì mình bật cười. Anh Tám Ngởi vốn là thi sĩ, lấy bút hiệu là Khổng Nghi, nói lái lại là khỉ ngông (con khỉ điên). Các bài thơ của anh phần nhiều là những bài “ngông”.

Mình nghĩ rằng con khỉ điên nên thích tìm cảnh điên mà viếng, mà tham quan, nhưng anh nghiêm chỉnh giải thích cho mình rằng: “Nè, em biết không, nơi ấy đâu có dễ vào. Sở dĩ anh được phép là vì anh có chỗ thân thích với bác sĩ giám đốc nên ưu tiên chớ phải chơi đâu”.

Thế là mình đồng ý cùng đi. Đoàn hôm ấy gồm có anh Tám Ngởi, anh Thuyết (một công chức lớn của sở khí tượng), mình và hai chị Sáu Nho, Bảy Anh (là em gái của họa sĩ Diệp Minh Châu).

Bác sĩ giám đốc nhà thương dẫn mọi người vào phòng của ông, chỉ cho xem sơ đồ của nhà thương điên và giải thích từng khu nhà rất chu đáo. Trước khi lên đường tham quan, ông giám đốc dặn: “Các anh chị vào viếng thăm nơi đây xin nhớ rằng bịnh nhơn ở đây rất nhạy cảm, rất đặc biệt vì vậy các anh chị phải cẩn thận, đừng cười nói hay có cử chỉ gì khác thường, dễ kích động đến họ...”.

Chỉ bảo xong, chính ông bác sĩ giám đốc hướng dẫn bọn mình lên đường. Khi đi ngang qua vườn hoa trước phòng giám đốc, mình thấy có một số bịnh nhơn, kẻ ngồi co ro ôm đầu, người thì ngồi nhìn trời nhìn mây, kẻ lang thang nhàn du.

Đặc biệt, có một anh chàng ngồi ven lề đường, hốt cát lên chà xát chùi cái ca bằng nhôm sáng ngời. Khi nhìn thấy bọn mình, anh ta sợ hãi đứng lên, chạy trốn sau gốc cây rồi len lén nhìn theo. Anh ta mặc áo thun ba lỗ mà không mặc quần. Bác sĩ giám đốc dẫn bọn mình viếng từ phòng đọc sách, phòng y tế, nhà ăn, nhà nghỉ của bịnh nhân nhẹ. Còn khi đi gần khu nhà nọ, mình nghe tiếng la hét, tiếng cười, tiếng khóc vang ra... Bác sĩ giám đốc cho biết đó là trại dành cho bệnh nhân nặng, phải nhốt riêng rẽ từng người trong các phòng có song sắt.

Sau cùng, bác sĩ giám đốc dẫn anh chị em chúng tôi đến một căn phòng riêng biệt diện tích khoảng 30m2, trong phòng có một bà cụ tướng người mập mạp, tóc bạc hoa râm, mặc quần đen và áo bà ba bằng nhiều mảnh vải đủ màu sắc kết nối với nhau trông khá đẹp mắt.

Bà cụ đứng nép một bên cửa ra vào, khum người xuống, miệng nói: “Chào bác sĩ và quý khách. Xin mời quý khách vào thăm tệ xá”. Bác sĩ giám đốc nói lời đáp lễ, khi chúng tôi vào phòng rồi thì bà cụ nói: “Xin mời quý khách an tọa” (bà cụ chỉ các ghế đôn mời ngồi). Sau khi hỏi qua sức khỏe của bà cụ, bác sĩ chỉ bàn thờ phía bên trái căn phòng và hỏi: “Thưa bà, bàn thờ đó bà thờ ai vậy?”. Bà cụ trả lời rằng: “Đó là bàn thờ Tổ quốc”.

Trên bàn thờ có đủ cặp chân đèn (bằng gỗ), bát hương, khay có bình trà và bốn cái chung, có bình chưng hoa, có đĩa lớn đặt trên chân gỗ, trên đĩa có một trái đu đủ. Đặc biệt, hai bên bàn thờ ấy lại có hai cành tre cột vào chân bàn thờ. Một trong hai cành tre ấy có dây và cả lưỡi câu, còn cành tre kia thì trên đầu có một cục vải tròn cỡ quả bóng bàn. Bác sĩ giám đốc hỏi bà cụ sao bàn thờ mà lại cột cần câu chi vậy, bà cụ chỉ cành tre có chỉ và lưỡi câu nói: “Đây là cần câu để câu bọn Việt gian, còn cái cần kia (cành tre có quả bóng vải nhỏ) là cần giục để thúc giục mọi người làm cho mau độc lập đất nước”.

Chúng tôi nghe bà cụ nói mà ngạc nhiên, mà khâm phục bà già điên. Chúng tôi đều im lặng, kể cả bác sĩ giám đốc, chắc là trong lòng mọi người đều xao xuyến. Để khơi chuyện tiếp, chị Bảy Anh vuốt ve cái áo của bà cụ và nói: “Bà mặc áo đẹp quá, lần sau khi lên đây thăm bà, cháu sẽ mua hàng vải đẹp biếu bà”. Bà cụ đưa tay lên như cản ngăn và nói: “Đừng, đừng cho bà vì bà còn đủ áo quần để mặc, cháu hãy để cho đồng bào nghèo của mình đi cháu. Đồng bào của mình hãy còn nhiều người nghèo lắm cháu à”.

Nghe bà cụ nói, mình suy ngẫm rằng: “Phải chi những người giàu có, dư ăn dư mặc mà có tấm lòng như bà già điên này thì thế gian này đâu có kẻ đói rách, ăn xin”.

Và tiếp sau đó chị Sáu Nho nhìn lên tấm vải cũng được kết nối bằng nhiều mảnh vải vụn đủ màu sắc và hình dáng vuông tròn, hình tam giác, hình chữ nhật, to nhỏ đủ cỡ. Tấm vải ngũ sắc ấy to cỡ tấm bản đồ lớp học của mình khi xưa treo lên tường. Chị Sáu nói: “Bà có bức tranh này cũng đẹp quá”. Bà cụ nói: “Không phải bức tranh đâu cháu, đó là bản đồ điền địa mà bà vẽ ra để chia đất, chia ruộng cho đồng bào nghèo đó cháu”.

Ngẫm lại, thế gian này có được mấy bà già điên như thế?

LÊ QUAN HI (tự Chín Phước - TP.HCM)

Ngoại hứa

TT - Trong số cháu ngoại của tôi có hai đứa là “con cầu khẩn”. Cháu trai đầu là kết quả bao tiền của, công sức mẹ nó chữa bệnh vô sinh. Ba năm sau có thêm một cháu gái nữa dù chẳng chữa trị gì. Vui mừng với quà tặng bất ngờ của tạo hóa chưa được bao lâu, lúc tròn 23 tháng bé mắc bệnh hiểm nghèo ung thư mắt trái. Mẹ bé phải nghỉ việc để lo cho con.

Đầu tiên là phẫu thuật bỏ mắt. 20 năm lăn lóc một mình nuôi ba đứa con và cha mẹ, gian khổ, đắng cay không làm tôi ngã gục. Tôi tự tin mình sẽ là niềm an ủi cho con trong giây phút này nhưng vừa bước vào phòng hậu phẫu, nhìn con bé ghì chặt mẹ đau đớn khóc la, băng keo băng kín con mắt vừa móc bỏ, tôi không nói được một lời, nước mắt chảy dài, bước vội ra phòng ngồi gục đầu mặc con bé cứ kêu gọi ngoại. Lần đầu tiên tôi khóc như vậy, khóc hơn cả ngày mẹ tôi mất.

Đến phần hóa trị, mới toa đầu tiên mặt mày con bé xanh mét, không còn một giọt máu. Phải tiếp máu. Vô hóa chất nằm một chỗ từ sáng đến chiều vì vậy con bé rất thèm đi. Vừa rút kim ra khỏi tay là nó tuột xuống đi, đi thế nào lộn đầu xuống cầu thang, suýt chút nữa mất mạng. Lần đó hóa chất phá hủy trầm trọng cùng lúc hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu nên làm cháu bị choáng váng.

Rồi xạ trị, trẻ con được cho uống thuốc ngủ, đặt nằm vào một khung cây, băng đầu dính vào khung để tia xạ chính xác, nhưng chưa gì bé đã thức giấc. Bác sĩ dọa phải nằm im, bé nghe lời, được một lúc bé chợt cúi đầu. Ở ngoài phòng theo dõi mẹ con tôi muốn đứng tim, lỡ con bé xoay đầu tia xạ trúng nhằm mắt phải thì hỡi trời!

Gần một năm điều trị bé xuất viện cũng là lúc cha bé đề nghị ly hôn vì có người khác. Con gái tôi còn bị điều tiếng là muốn bỏ chồng, hai đứa bé không phải là con của anh ta.

Hụt hẫng không thấy cha, cháu trai đầu mới 7 tuổi đi tìm. Nhà ngoại ở quận 6, nó đi bộ đến nhà nội tận quận 10. Xe cộ thành phố dập dìu, lại một phen chúng tôi hoảng hốt. Rồi hằng tuần nó trông đến ngày nghỉ học để về nội, cho đến một hôm nó nghe mẹ chuyện trò với bạn dâu nhà bên ấy, nó buồn bã nói: “Con không về đó nữa đâu, con không phải là con của ba thì từ nay con gọi ba bằng chú”.

Nó cực kỳ hiếu động nhưng hiền lành, thương em và tốt bụng, tưởng nó bị bệnh tự kỷ nên dẫn đi khám, kết quả không bệnh gì mà còn thông minh. Thầy cô nào cũng khen nó học giỏi đặc biệt là môn toán. Trước ngày thi vào lớp 6, tôi luôn gần gũi dặn dò nó cẩn thận. Tôi không áp lực phải đạt điểm cao, chỉ khuyên nó thương mẹ ráng đậu trường công để mẹ đỡ vất vả đóng học phí.

Khi tóc mọc vừa kín đầu, cháu gái trở lại trường mầm non cũ, ngày đầu đi học về bé méc ngoại: “Bạn... chọc con mắt lồi”. Tôi vỗ về dạy nó đáp: “Không phải mắt lồi đâu, mắt con đẹp, con mắt ung thư bác sĩ lấy bỏ thùng rác rồi”. Tôi tập cho nó chấp nhận thực tế, tự tin, lớn lên ít nhiều giúp bé bớt đi phần nào mặc cảm bệnh tật của mình. Tôi đọc cho nó nghe tấm gương vượt khó của những người khuyết tật.

Vào lớp 1, cả lớp chăm chăm nhìn con bé, con mắt lành phát triển bình thường thì gọi là mắt lồi, bên xạ trị thì teo tóp mang con mắt giả cứng đơ, dưới mắt trẻ thơ trở thành con mắt đui.

Một hôm bé mang về một con búp bê xinh xắn, bé hãnh diện khoe thầy dạy nhạc chỉ cho mỗi mình bé, các bạn xúm xít quây quanh, bé ôm giữ cẩn thận quà tặng của thầy.

Phải có sức khỏe tốt để vượt qua căn bệnh này, ngoài ăn uống cần tập thể thao. Con gái tôi chọn cho bé môn bơi lội, vì nghĩ khi bơi thì đeo kính, bé sẽ tránh được cái nhìn soi mói, nhưng con tôi đã lầm, xuống nước mới đeo kính, lại những lời lẽ đáng buồn dành cho con bé. Nhiều lần nó hỏi mẹ: “Con đâu có đui sao các bạn gọi con đui hoài vậy mẹ?”. Nhiều lần nó hỏi tôi: “Chừng nào con mắt con nhắm lại được, chừng nào liếc qua liếc lại được?”. Tôi không trả lời qua loa như mẹ nó. Tôi khẳng định: “Mai mốt sẽ được, ngoại sẽ mua cho con một con mắt giống y hệt con mắt này, nó cũng thấy đường được nữa”.

Tôi luôn tìm hiểu qua báo, qua mạng những thông tin về mắt, mới đây tôi vui mừng khôn xiết trước tin con mắt sinh học cấy ghép cho người mù với điều kiện dây thần kinh còn nguyên vẹn. Mắt bé bị nạo vét, bị xạ trị không hiểu dây thần kinh có bị tổn thương? Tôi hi vọng, hi vọng mãnh liệt vào tiến bộ y học để thực hiện lời hứa của mình.

TRẦN THỊ LIỄU (TP.HCM)

Năm mươi ngàn đồng của thầy tôi

TTO - Nếu không có 50.000 đồng của thầy, chắc hẳn tôi chẳng có được nghề nghiệp, cuộc sống ổn định như hiện tại. Câu chuyện trôi qua 13 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in như mới xảy ra hôm qua, hôm kia…

Đó là vào mùa hè 1996, tôi đang học những ngày cuối cùng của lớp 12. Trường của tôi là Trường phổ thông cấp II-III Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, giờ là Trường THPT Lê Minh Xuân - một ngôi trường xa xôi của huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Nhà tôi lại ở một xã xa nhất, nghèo nhất của huyện - xã Bình Lợi. Nếu xã tôi là xã xa nhất của huyện Bình Chánh thì nhà tôi lại là ngôi nhà xa nhất của xã (ở sâu trong một cánh đồng, ráp ranh với xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Nhắc đến Bình Lợi -  người ta nghĩ ngay đến những đứa trẻ người nhỏ thó, đen nhẻm, quen lội sông, lội đồng mò cua, bắt ốc nhiều hơn là cắp sách đến trường. Tuổi thơ tôi cũng không ngoại lệ với những đứa trẻ ấy - cũng mò cua bắt ốc, cũng xúc tép làm mắm, phụ ba má đổi lấy manh áo, chén cơm. Con gái những ngày hành kinh cũng không kiêng nước, cũng trầm mình dưới những vũng bùn đen ngòm, cũng lội bì bõm dưới những con kênh nước xâm xấp chảy xiết…

Giờ nghĩ lại tôi còn thấy rùng mình, ớn lạnh. Có lẽ vì thế mà sau này tôi bị bệnh phụ khoa, phải chữa trị gian khổ lắm mới dứt và suýt chút nữa tôi mất khả năng làm mẹ (lấy chồng gần 5 năm  chạy chữa mãi mới có con).

Tuổi thơ tôi gian khổ như thế vì nhà tôi nghèo, rất nghèo, ba má tôi phải chạy ăn từng bữa. Các anh chị học hành dở dang. Chưa một ai trong chín anh chị em tôi dám mơ ước vào đại học. Cánh cửa đại học lúc đó như một món hàng xa xỉ nhất đối với chị em tôi. Các chị tôi lớn lên, có chị học xong cấp I, có chị học xong cấp II, ở nhà phụ ba má cày sâu cuốc bẫm.

Phụ má được vài mùa gặt, đủ tuổi kết hôn là các chị “thoát ly” khỏi gia đình - thực hiện biện pháp “xoá đói giảm nghèo” cho ba má - lấy chồng. Tôi còn nhớ mỗi lần gả chồng cho các chị, mẹ tôi cứ khóc ròng. Tôi biết má thương con gái rồi số phận sẽ giống mình - lặp lại cái vòng luẩn quẩn đói nghèo - nhưng má không biết phải làm sao.

Là đứa con gái út của ba má nên tôi được ba má chăm sóc nhiều hơn. Ba tôi thường vuốt tóc tôi bảo: Con cố học, ba sẽ ráng lo cho con. Quả thật, ba rất chăm lo cho việc học của tôi. Suốt 3 năm học cấp III, nhà xa trường gần 7km, sáng ba chèo xuồng đưa tôi ra lộ, chiều lại kẻo kẹt tay chèo đón con gái về (bởi nhà tôi ở tận trong đồng sâu, không có lối đi, phải lội ruộng, băng đồng). Tôi đến trường có bước chân ba theo đi. Và tôi nhìn sâu vào đôi mắt ba, tôi biết đôi mắt ấy luôn rực cháy một khát vọng… Thế nhưng có lẽ ba cũng chẳng dám mơ tôi vào đại học. Tất cả chỉ vì cơm áo gạo tiền ở mảnh đất phèn chua nước mặn này cứ đè nặng lên đôi vai ba…

Những ngày cuối cùng của năm học lớp 12 - cũng là lúc gần hết hạn nộp hồ sơ dự thi đại học - tôi không có lấy một đồng trong túi. Cả nhà không còn một hạt gạo, ba má tôi phải chạy vạy từng lon gạo để nấu cháo ăn qua ngày, đợi mùa giáp hạt. Tôi cũng có một khao khát được thoát ly gia đình, được thoát khỏi cái nghèo đói, cơ cực nhưng không phải là lấy chồng mà là vào đại học.

Tôi cứ suy nghĩ trong cái vòng luẩn quẩn: không có tiền mua hồ sơ dự thi thì không thể thi đại học, mà không thi đại học thì không thể nào thay đổi được cuộc sống.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi nghĩ đến thầy tôi - thầy Đoàn Tấn Phương - thầy giáo dạy môn vật lý của tôi. Tôi nghĩ đến thầy bởi có lần tình cờ trong một buổi sinh hoạt lớp, thầy bảo: Thầy thương nhất là các em từ Tân Nhựt, Bình Lợi (xã Tân Nhựt, xã Bình Lợi) ra, các em đi học vất vả quá.

Giờ ra chơi hôm ấy, tôi lấy hết can đảm đến gặp thầy… Thầy bảo tôi cuối giờ hãy ghé lại văn phòng. Thế nhưng cuối buổi học hôm đó tôi không gặp được thầy. Có lẽ vì tủi thân, vì xấu hổ nên bao nhiêu câu hỏi cứ đặt ra trong đầu: hay thầy không muốn giúp mình? Hay thầy ghét mình? Hay mình không xứng đáng nhận sự giúp đỡ của thầy?

Nghĩ đến đó nước mắt tôi tuôn rơi. Mơ ước vào đại học của tôi coi như không thể thực hiện. Trong tôi có cả niềm tủi hổ của đứa học trò nghèo và cả giận thầy nữa. Thế nhưng, đến ngày thứ hai đầu tuần, tôi thật bất ngờ nhận từ tay thầy một phong bì, trong đó có 50.000 đồng (số tiền quá thừa để làm hồ sơ dự thi và quá lớn với tôi) và một tờ giấy gấp đôi với những dòng chữ: “Lúc trước em hỏi thầy. Lúc đó thầy chỉ có hai ba chục. Thầy sau đó lên văn phòng lãnh bảo trợ. Lúc ra về không thấy em lên kiếm. Nay thầy đưa em bao nhiêu đây. Nếu cần thêm thì hỏi thầy”.

Đọc những dòng chữ của thầy, nước mắt tôi cứ chảy dài. Thì ra lúc đó thầy cũng không có sẵn tiền trong túi và có lẽ thầy cũng rất ít tiền bởi đồng lương giáo viên eo hẹp khi đó. Tôi thương thầy và thương cho chính mình.

Tôi tự nhủ mình sẽ cố gắng học thật tốt để thi đậu, để không phải hổ thẹn với thầy. Nhưng thật trớ trêu, năm ấy không những tôi không đậu đại học mà tôi rớt cả tốt nghiệp THPT. Rớt tốt nghiệp phổ thông với mọi người đó là chuyện bình thường bởi vì những đứa học trò nông thôn chúng tôi thời gian làm đồng, làm ruộng, mò cua bắt ốc nhiều hơn thời gian đến trường. Ba má tôi không trách tôi. Thầy cô không trách tôi. Nhưng tôi thấy lòng mình se thắt, đau đớn, xấu hổ.

Ba má tôi an ủi: Thôi, con học như thế là tốt hơn các chị nhiều rồi, ở nhà làm đồng phụ ba má rồi đi lấy chồng, sanh con đẻ cái. Ban đầu tôi cũng nghĩ thế như chấp nhận một số phận - vì tôi nghĩ không có cách nào khác hơn thế. Nhưng rồi hình ảnh của thầy tôi - thầy Đoàn Tấn Phương và 50.000 đồng của thầy cho tôi làm lòng tôi quặn thắt. Thế rồi tôi vừa phụ ba má làm đồng và vừa âm thầm ôn tập để thi lại.

Mùa hè năm 1997, tôi đậu tốt nghiệp THPT. Tôi dự thi vào Trường đại học Sư phạm như mơ ước. Và tôi đậu đại học vào năm đó. Mùa thu 1997, tôi vui mừng trở thành sinh viên của Trường đại học Sư phạm TP.HCM, khoá 23 (1997-2001).

Sau đó, tôi có trở về trường cũ, mong muốn gặp lại thầy tôi. Nhưng thầy đã chuyển trường - một trường phổ thông ở quận 9. Thế là tôi không gặp lại thầy nữa. Tôi chỉ biết nhà thầy ở quận Bình Thạnh nhưng tôi không thể tìm được. Bốn năm đại học cũng kết thúc. Những dòng chữ và tờ giấy úa nhoà của thầy tôi và cả cái phong bì đựng nó 13 năm qua tôi vẫn còn giữ.

Bất ngờ, tháng 3-2009 tôi gặp lại thầy bởi thầy đã chuyển công tác về Trường Trần Quang Khải (quận 11) từ tháng 9-2008, trong khi đó trường tôi dạy Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 11 kề bên trường thầy. Đúng là quả đất tròn, tôi gặp lại thầy ngay trước cổng ngôi trường mình.

Giờ thỉnh thoàng tôi mời thầy đi uống nước, dùng cơm với tôi. Hai thầy trò nói với nhau biết bao nhiêu chuyện buồn vui trong thời gian qua. Có thể thầy chẳng còn nhớ 50.000 đồng thầy cho tôi mượn. Nhưng tôi thì không bao giờ quên được món nợ ấy. Nhờ nó mà tôi có đủ ý chí, nghị lực để học tập và thi đậu đại học.

Ngồi nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ gian khó, tôi biết ơn thầy tôi, thầy Đoàn Tấn Phương, vô hạn.

PHƯƠNG KHÁNH

Thằng nhỏ ngày xưa...

TTO - Gia đình tôi thuộc loại nhà nghèo, con đông. Ba mẹ tôi có tới mười một người con, cả trai lẫn gái, nuôi không nổi nên thường gửi bớt cho họ hàng nhờ nuôi hộ, vừa đỡ tiền ăn vừa được một khoản tiền công mỗi tháng.

Họ nhà tôi có một ông bác khá giàu có và thành đạt. Ông làm ở quan thuế, ngày đó gọi là Sở Nhà đoan, công việc nhàn hạ, tiền bạc rủng rỉnh. Gia đình ông bác cư ngụ trong một ngôi biệt thự kín cổng cao tường. Không cứ gì chúng tôi mà cả họ đều ngưỡng mộ cuộc sống thượng lưu và an nhàn đó.

Khi còn nhỏ, nhà tôi ở mãi dưới tỉnh xa xôi, tôi được cho ở với hai bác để hầu hạ, bế em, rửa bát, quét nhà, lại được đi học nửa buổi. Tôi nhớ công việc thường ngày của mình trong nhiều năm ở với bác là mỗi khi đi học về, cất cặp xong là ăn vội bữa cơm với thức ăn còn lại, sau đó rửa ngay một chậu bát. Buổi chiều thì lau nhà, giặt giũ, chạy việc vặt... loay hoay đến tối mới được một góc riêng tư để học bài.

Học hết lớp nhất (lớp 5 bây giờ), tôi thi vào trường công. Bác gái trề môi: “Bày đặt, làm sao mà thi đỗ vào đấy được!”. Thế mà tôi đỗ, nhờ thế tôi mới tiếp tục được đi học, vì trước đó bố tôi đã dọa bắt tôi về để phụ ông làm rẫy.

Suốt mấy năm trời vừa đi học vừa đảm nhận vai trò một thằng nhỏ sai vặt ở nhà bác. Mười hai, mười ba tuổi tôi đã biết viết một bài tự thán, có tựa là "Tên đầy tớ trong một gia đình giàu có" mở đầu bằng câu: “Nguyên thủy, nó là một người trong họ, nhưng lâu rồi người ta chẳng còn nhớ vai vế nó là gì, thậm chí cả nó cũng quên mất mình đáng ra là em họ của cô cậu chủ nữa!”.

Đến kỳ thi tú tài, cả nhà nao nức vì cô em út của bác gái, một cô tiểu thư đài các, sắp sửa đi thi. Trông cô rất ra dáng sĩ tử với bộ áo dài trắng muốt, thân hình liễu yếu đào tơ... Chẳng ai nhớ rằng hôm ấy tôi cũng đi thi. Hình như tướng tá của tôi hèn mọn quen rồi nên việc đi thi tú tài cùng ngày với cô em của bác gái là một chuyện hơi... chuệch choạc, khó hình dung. Năm ấy, tôi lặng lẽ đi thi, và lặng lẽ đậu, còn cô em bác gái thì hỏng thi, khóc sướt mướt cả mấy ngày.

Giải phóng năm 1975 gây ra nhiều biến động. Tôi trở về nhà phụ giúp gia đình. Bố tôi lúc ấy đâm ra chán đời, chẳng thiết làm gì. Gia đình bác tôi thì thu mình lại trong vỏ ốc để nghe ngóng thời cơ. Thi thoảng khi có việc giỗ chạp hay gì đó bác lại gọi tôi đến để phụ giúp nấu nướng, bưng bê hoặc quét dọn, vì tôi làm việc nhanh nhẹn và cẩn thận. Vai trò của tôi vẫn như bao năm trước, nghĩa là vẫn ở dưới bếp nhiều hơn trên nhà. “Lên đấy làm gì bẩn mắt người ta!”, tôi thường nghe mắng mỏ như vậy, riết rồi cũng thấy quen và dễ chịu với cái không gian nhà dưới của bác.

Sau hai năm, tôi ôn lại bài vở và thi vào Trường cao đẳng sư phạm khoa Anh văn. Tôi học trước bà chị họ thân thiết nhất của tôi hai khóa. Ra trường hai năm, tôi xin vào dạy tiếng Anh ở Hội Trí thức. Bà chị con ông bác của tôi kinh ngạc khi nhìn thấy tên tôi trong danh sách giảng viên niêm yết ở văn phòng: "Ủa, thằng B. con chú H. đây mà!”. Hình như trong mắt họ, việc thằng nhỏ ngày xưa giờ trở thành giảng viên tiếng Anh là một điều kinh ngạc và khó tin.

“Vâng, nó đấy!” - tôi mỉm cười xác nhận khi được hỏi. Bẵng đi mấy năm, tôi tiếp tục vừa đi dạy vừa lấy thêm bằng cử nhân Anh văn ở trường đại học sư phạm rồi trở thành phóng viên cho tờ Saigon Times. Bà chị họ xinh đẹp và kiêu hãnh của tôi lại một phen tỏ ra kinh ngạc khi gặp lại tôi vài năm sau trong một ngày nhóm họ: “Trời ơi, hôm nọ thấy tên B. trên một bài báo viết bằng tiếng Anh, phải B. viết không?".

“Em cũng chả nhớ nữa, chắc vậy quá!”, tôi trả lời mà nghe khoan khoái trong lòng vì cái giọng điệu thay đổi khá nhiều của bà chị học giỏi nhất con của bác, cô sinh viên duy nhất trong nhà, so với cái giọng ngày xưa thường dài ra mỗi khi có việc cần sai tôi. Chẳng hạn như: “B. ơi, lên ủi hộ cái áo để chị đi học này. Gớm, sao mà chậm chạp thế!” mặc dù tôi cũng… đi học!

Giờ đây cuộc sống của tôi đã ổn định. Tôi lập gia đình và có một cuộc sống tương đối sung túc. Các con tôi có thể tự hào về nghề nghiệp của cha chúng và mức sống trung lưu của gia đình tôi ngày nay. Nghĩ về quá khứ, tôi không hề oán hận gia đình bác tôi, biết đâu nhờ những tủi nhục và những lần mắng mỏ thường xuyên ngày đó mà tôi mới cố gắng vươn lên, cố gắng ghi bàn để... hả giận.

Các anh chị tôi, con ông bác giờ đã lớn, không còn lên giọng sai bảo tôi như ngày xưa mà lại có phần nể phục. Tôi cũng mãn nguyện khi ngoái nhìn lại phía sau, tự nhủ: “Mình cũng đã tiến một bước dài đó chứ!”. Không hơn nhiều người những cũng hơn được chính mình ngày xưa, hồi còn là một thằng nhỏ sai vặt...

NINH BÌNH

...............................................

* Chia sẻ của bạn đọc:

Đọc bài này tôi nhận ra anh ngay, đúng là anh B. tôi đã quen ở ĐHSP và sau này có gặp anh ở tòa báoSaigon Times. Thì ra anh có một quá khứ tuổi thơ buồn. Tôi rất nể phục anh đã cố gắng nhiều để vươn lên trong cuộc sống. Cảm ơn anh khi được đọc những dòng tâm sự này...

NGA PHẠM

Nặng nợ nghề giáo

TTO - Nhớ năm nào vào mùa mưa trắng trời miền Tây, tôi thầm lặng khoác ba lô về một ngôi trường vùng sâu của đất mũi Cà Mau dạy học. Ngày ấy, bỏ thị thành xuống miền quê nghèo, tôi được bạn bè cho là khác người.

Bạn bè tôi chưa ra trường đã toan tính tương lai ở một ngôi trường phố thị. Tôi thì khác, cái máu tuổi trẻ, cái nhiệt huyết thanh xuân kéo tôi đến với học trò sông nước nghèo khó.

Đêm, nằm nghe tiếng mưa rơi trên mái lá văn phòng trường, nhớ lại những gương mặt học trò vô tư gặp hồi chiều, tôi hứa với lòng sẽ gắn bó với đất Cà Mau mãi mãi. Tiết dạy đầu tiên sao mà đáng nhớ đến vậy. Ấn tượng nhất là những cô cậu học trò cuối cấp lớn gần bằng thầy, cứ hồn nhiên chân sáo đến trường. Học trò xoe tròn mắt nhìn thầy như nuốt từng lời giảng…Tội nghiệp hơn khi biết có em phải chèo xuồng cả chục cây số đi học.

Mùa mưa mênh mông nước, có lúc ướt hết sách vở. Mùa nắng thì băng đồng, lội bộ giữa trưa trời như thiêu như đốt. Tôi lao vào dạy, bao tâm huyết dành cho học trò với mong muốn giúp các em có tương lai hơn, giúp các em nhanh chóng góp sức xây dựng quê hương ngày thêm thay da đổi thịt. Đi mới thấy hết cái nghèo khó của vùng sông nước cuối đất cùng trời này. Đường đi chủ yếu là kênh rạch.

Vật chất thiếu thốn rồi, nhưng tinh thần lại càng thiếu hơn. Không một tờ báo, cuốn tạp chí, dù đó là báo của ngành. Thanh niên ở đây tối đến chủ yếu là ngồi quán cà phê coi phim kiếm hiệp hoặc phim tình cảm. Anh bạn dạy văn đã được hai năm than thở: “Thiếu gì tôi cũng chịu nổi trừ sách báo”. Vậy nên chiếc rađiô tôi mang theo được mở bất cứ lúc nào chúng tôi không có giờ trên lớp. Mở riết, tiền pin chạy không chịu xiết phải bỏ pin hết điện vào mấy cốc nước muối nghe tiếp. Tình quê, tình yêu, tình thầy trò quyện vào nhau, giữ chân tôi giữa bộn bề gian nan.

Những năm đầu thập niên chín mươi, lương nhà giáo sống quá chật vật, tôi suy tư và toan tính thiệt hơn. Rồi cộng thêm một hoàn cảnh đến bất ngờ khiến tôi phải có một lựa chọn. Tôi rời xa Cà Mau vào một buổi sáng trời chưa rõ bóng người.

Lặng lẽ ra đi, lòng chơi vơi nỗi buồn.

Lời hứa với học trò, đồng nghiệp, người dân quê là sẽ chọn nơi đây làm “đất lạ hóa quê hương” làm tôi ngậm ngùi. Tôi không từ giã học trò bởi sợ các em tủi buồn, sợ vì đã làm xước trong lòng các em một niềm tin. Và tự an ủi lòng mình rằng sẽ có đồng nghiệp khác về thay thế ươm mầm những ước mơ… Tôi ra đi, mang theo một khoảng mênh mông buồn đầy ắp. Trên chuyến tàu đò hôm ấy, có một người nước mắt đẫm ướt trong lòng…

Ở Sài Gòn, tôi vào làm cho một công ty với mức lương gấp cả chục lần lương thầy giáo. Được vài tháng, một hôm tình cờ nhìn những học trò áo dài trắng đến trường, tôi bỗng nhớ bục giảng đến da diết. Giáo án, những đôi mắt trong veo của học trò đã thôi thúc lòng tôi dữ dội. Tôi biết chỗ của tôi là phấn trắng, bảng đen kia. Và tôi lại quay về với trường lớp.

Thời gian êm ả trôi, tôi say nghề, yêu nghề và hết lòng vì nghề. Và gần mười năm sau, tôi nuối tiếc vì không còn được đứng trên bục giảng. Còn mắc nợ học trò nhiều lắm nên tôi không muốn ngày ngày gặp các em mà không được cầm phấn. Nhưng biết làm sao được khi đồng nghiệp tín nhiệm, cấp trên tin tưởng giao cho mình công việc quản lý. Tôi làm hiệu phó trường mình đang dạy.

Trường dần dần có tiếng trong lòng phụ huynh, có tên trong bảng thành tích của ngành, nhưng thay vì vui, tôi lại buồn vô cùng. Tỉ lệ nghịch với những thành tích đó là sự mất mát quá lớn trong tôi: Tình đồng nghiệp. Tuổi trẻ năng nổ, xông xáo, cộng với sự nóng vội dẫn đến đôi lúc sai lầm. Đau điếng.

Càng đau hơn bởi tôi không vấp ngã ở công việc chuyên môn của mình mà là sự bất cẩn khác. Tôi trở về lại vạch xuất phát của nghề trong sự cảm thông của những người bạn đồng nghiệp tình thân. Khi đã mất mát một điều gì đó ai mà không buồn chán? Tôi cũng đâu nằm ngoài được. Bạn bè ngoài ngành cảm thông, chia sẻ rất nhiều dù họ không hiểu hết được môi trường của tôi. Một môi trường tưởng chừng êm ả nhưng đầy sóng to, gió lớn…

Họ cầm tay, chân tình mời tôi đến những chỗ cao hơn lúc tôi chưa trượt té. Còn gì vui, hạnh phúc bằng những mối thâm tình như vậy giữa lúc thác ghềnh này. Tôi nhận lời một anh bạn và xin cái hẹn cho chút ít thời gian nghĩ suy. Không ai bất ngờ về quyết định bỏ nghề giáo của tôi. Họ hiểu, một cú sốc quá lớn sao níu tôi ở lại được với bụi phấn. Và một hôm, dọn dẹp kệ sách, tôi gặp cuốn giáo án đầu tiên năm xưa nơi mái trường quê tận Đất Mũi xa xôi, lòng bùi ngùi.

Hình ảnh học trò, đồng nghiệp như còn tươi rói hiện về, nhắc nhớ nhiều kỷ niệm đẹp đẽ một thời… Tôi nhận ra là mình không thể giữ được lời hứa với anh bạn thân. Tôi quay lại bục giảng.

Có những lúc khốn khó nhất, buồn chán nhất, đau khổ nhất… mà tôi vẫn không thể bỏ được nghề. Gần hai chục năm vào nghề, hai lần có ý định bỏ nghề  nhưng không thể. Có lẽ tôi đã nặng nợ và mãi mãi nặng nợ với nghề giáo mất rồi!

Đ.K. (Đồng Nai)

Mình ơi!

TT - Hơn 50 xuân ấm đông lạnh, anh với mình vẫn mãi vương vấn bên nhau, thương nhau như thuở ban đầu.

Ngót một phần ba thời gian ấy anh lâm bệnh mãn tính: bệnh phổi tắc nghẽn hô hấp. Phải chi ngày ấy anh nghe theo lời khuyên của mình bỏ thuốc lá thì ngày nay đâu ra nông nỗi.

Thời đó, anh luôn từ chối lời năn nỉ của mình, thậm chí còn tuyên bố: “Thà bỏ vợ chứ không thể bỏ thuốc lá”. Về sau mới biết thuốc lá là tên sát thủ âm thầm, cho đến lúc biết ra thì đã muộn!

Từ đó mình phải vất vả, khổ sở vì anh mà chẳng hề nghe một tiếng than phiền.

Mỗi sáng sớm khi mặt trời vừa ló dạng, mình dẫn anh đi bộ chầm chậm trên đường, nói nói cười cười, làm anh vui với bài thể dục buổi sáng, hơn nửa giờ qua đi thật nhanh. Gặp ai đó hỏi thì mình dang tay chào: “Đi với ảnh kẻo lỡ có chuyện gì”.

Dù bận rộn nhiều việc nhà, mình vẫn theo dõi anh tập vật lý trị liệu, hít hít thở thở, lạ thay, hơn cả anh mình nhớ thứ tự hết thảy động tác mà bản thân anh đôi khi bỏ sót, mình phải nhắc nhở.

Bệnh của anh còn có mấy bệnh lý kèm theo, phải dùng nhiều thuốc, rất dễ bỏ quên, mình mua chiếc đồng hồ con lắc nhỏ nhỏ, xinh xắn, mỗi khi nghe tiếng gõ trong trẻo, ngân dài là lúc mình nhắc nhở anh dùng loại thuốc gì.

Thấy anh chồm người ra trước, thở hụt hơi, mình vội vã chuẩn bị máy phun khí dung cho anh thở.

Bởi khó thở nên anh mệt hoài, làm gì cũng mệt, ăn cũng mệt, thay quần áo cũng mệt, tắm cũng mệt, mình phải tắm cho anh như mẹ hiền tắm con thơ.

Hằng ngày, từng bữa cơm (4-5 bữa nhỏ), mình chắt lọc món ăn vừa hợp khẩu vị, vừa hợp thực đơn bệnh lý. Trong tủ lạnh ít khi thiếu trái cây, rau củ quả, mặc dù chúng mình nghèo tiền.

Một ngày chưa đi qua, bình nước 2 lít đun sôi để nguội anh uống đã vơi dần, mình châm thêm, mỉm cười - ngày nào cũng cũng như ngày nào: “Hôm nay anh uống đủ nước rồi đó!”.

Đôi bàn tay dịu dàng vuốt nhẹ lên ngực anh mỗi khi thấy anh khó thở, rồi cơn ho sặc sụa, cũng đôi tay ấy hối hả, mình gõ vào lưng anh cho đàm nhớt tống khứ ra, tiếp nối chuỗi hơi thở nhanh, ngắn... mệt lả, rũ cả người, mình lo lắng xót xa.

Sau những buổi sinh hoạt câu lạc bộ hoặc tham gia hoạt động xã hội, anh vui hẳn lên, mình cũng vui theo vì hiểu rằng đó cũng là cách giữ gìn cho bệnh ổn định, là cách chung sống hòa bình, lạc quan với bệnh cho đến mãn đời.

Đám tiệc nào cần thiết, không thể không tham dự, mình bảo mình đi một mình cũng được vì anh nên hạn chế đến chốn đông đúc.

Nhiều đêm, mình thao thức bên hơi thở khò khè của anh cạnh mình, anh cảm nhận niềm hạnh phúc của mối tình già cằn cỗi sao mà đầy ắp nghĩa nặng tình sâu.

Trong những cơn vật vã như bị chết đuối, lảng vảng bao nhiêu là ray rứt, ưu phiền, hoang mang... thầm nghĩ vụng dại rằng cuộc đời ngắn ngủi lắm. Dường như mình đã nghe được trong cơ thể anh, để rồi vui vẻ chuyện trò về con cháu, về bà con nội ngoại gần xa, cả những chuyện ngày nào đôi ta gặp nhau. Nghe ra, anh đã xua tan hết thảy, chỉ còn lại niềm tin cuộc đời, tin chắc là ta khó thở chứ không tắt thở.

Suốt thâu đêm, tận ngày dài chăm sóc chồng nằm lâu ngày trên giường bệnh, anh thấy rõ tấm thân lận đận, dập vùi của mình đánh đổi cho anh sự sống không vô vọng.

Chính mình, không thể ai khác, giúp anh qua được khoảnh khắc nghiệt ngã của những cơn kịch phát.

Trong đôi mắt dịu hiền của mình, anh tìm thấy quá nhiều yêu thương, chia sẻ.

Mình ơi!

Thư này anh viết chưa xong...

Thương mình lắm, thương lắm người vợ trọn vẹn của anh ơi!

 ĐẶNG VĂN BỒN (TP.HCM)

Thăm ông cụ xin xuất viện

TT - Chuyện đời tự kể “Những người xin xuất viện” (Tuổi Trẻ 23-1-2010) sau khi đăng đã nhận được nhiều phản hồi chia sẻ của bạn đọc. Tác giả - cô giáo Đỗ Thanh Thúy vừa gửi cho tòa soạn lá thư cho biết cô đã tìm được địa chỉ và đi thăm gia đình ông bà cụ Sua và “thằng Út” - những nhân vật trong bài viết của mình.

Cô Thúy cho biết gia đình ông bà cụ nghèo hơn cả sự hình dung của cô. Căn nhà (ấp Hòa Tây, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, Long An) trống huơ trống hoác. Bà cụ làm công việc xỏ lông mi giả, một ngày chỉ được bốn cái, tiền công 1.200 đồng. Đến mùa bắp thì bà đi mót bắp về bán.

Một vài người bạn của cô Thúy sau khi đọc báo, gửi cô mang tặng ông cụ 2,5 triệu đồng. Cô Thúy cũng mua được một ít quần áo em bé cho vợ “thằng Út” sắp sinh. Cô cho biết mọi người trong nhà giấu ông cụ về căn bệnh nên ông không biết gì. Bà cụ kể: “Bác sĩ bảo nếu mổ mà không có tiền cũng sẽ mau chết hơn, thôi để vậy và ăn được gì thì ăn còn sống được khoảng hai năm...”, nên bây giờ ông cụ chỉ uống thuốc nam.

T.C

Mẹ tôi

TT - Mẹ kể năm tôi lên 4, nhà nấu bánh mừng thọ bà nội, tôi nghịch lửa làm cháy nhà kho chứa đậu. Không có dụng cụ chữa cháy nên mọi người chỉ biết đứng nhìn. Ba không chữa cháy, chỉ tìm tôi ném vào lửa cho chết luôn, mẹ ôm tôi nhảy qua hàng rào xương rồng cắm đầu chạy mãi không biết đi đâu, chỉ biết chạy cho thật xa vì ba tôi rất dữ.

Tìm không được tôi, trước ngọn lửa ba thề không nhìn tôi là con nữa và ông cắt đứt quan hệ với mẹ từ đó. Nhờ cô cho chỗ ở, mẹ đi làm mướn, ngày lặt đậu, làm cỏ, khuya 3 giờ phụ cân ở chợ Gia Huỳnh, rồi tôi cũng được cắp sách đến trường. Nghèo nên dép không có, nón cũng không, cặp đan bằng lác, viết cán cây cắm ngòi. Trường học là ngôi đình cổ, ngồi học mà dơi kêu chi chít trên nóc đình, thỉnh thoảng phân dơi rớt xuống bàn.

Tôi bắt đầu hiểu biết, mẹ đi bán xa 2-3 ngày về một lần, tôi ở nhà phụ chăn bò, cắt cỏ cho cô. Những đêm trời lạnh cuốn tròn trong tấm đệm, tôi thức giấc mấy lần nhớ mẹ vô cùng, khi nào được mẹ ôm vào lòng tôi mới có giấc ngủ yên lành.Sáng mẹ đi lúc nào không biết, để lại 5 đồng, sáng ăn bánh mì nhận gỏi đu đủ, trưa đi học hái nhãn lồng, nhãn chài mọc hoang ăn đến trường.

Hết lớp nhất tôi theo mẹ lên Sài Gòn mưu sinh, ngày đi học, chiều tối phụ mẹ đẩy gạo đi bán, vài năm dành dụm mẹ mua được căn nhà ở khu Cống Bà Xếp, quận 3. Nói là nhà chứ hai vách là của nhà bên cạnh, chỉ có cột và mái lá.

Xong lớp đệ tứ (lớp 9) tôi nghỉ học. Thấy dáng người ốm yếu của tôi, mẹ bảo học nghề điện tử. Tôi lên Trung tâm Bách khoa bình dân Gò Vấp, nơi dạy nghề cho con em lao động nghèo, học hai năm xin được vào công nhân quốc phòng.

Đất nước thống nhất tôi được tuyển dụng lại làm việc ở Nhà máy Thông tin điện tử Z755. Năm 1985, nhà máy giảm biên chế tôi xin nghỉ. Năm 1986, tôi xin vào làm cộng tác viên trạm số 5 dịch vụ truyền hình (Đài truyền hình TP.HCM).

Lúc này đài phát màu hệ secam. Tivi màu lác đác có mặt ở TP qua đường thủy thủ, thân nhân nước ngoài gửi về, đa số là hệ NTSC nên chỉ xem được trắng đen, muốn xem màu phải lắp thêm một mạch điện (gọi là chuyển hệ màu). Tôi được giao làm phần việc này, xem như yên tâm từ đây tôi có thêm nghề mới.

Hết hợp đồng tôi mở cửa hàng bán tivi màu chuyển hệ. Tìm hiểu, tôi thấy mạch chuyển hệ này chỉ kết hợp với máy Panacolor là tốt nhất, thế là tôi tìm các máy hiệu Pana về tự tay chuyển hệ bán cho khách, tìm được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Tôi sửa lại nhà cũ và mua được xe máy.

Đài truyền hình phát thêm màu hệ pal, cùng lúc với hệ secam. Khó khăn là làm thế nào xem được hệ Pal và cải tạo hệ secam. Ban ngày tất bật công việc, tôi dành thời gian từ 22 giờ để tìm cách giải quyết vấn đề trên. Suốt tuần lễ miệt mài, có bàn tay chăm sóc của mẹ rồi tôi cũng thành công.

Năm 1992, tivi màu nội địa Nhật, đầu máy video hifi đã qua sử dụng tràn ngập TP.  Với kinh nghiệm sẵn có tôi chọn được ngay hiệu Sony, xem tivi, đầu máy đẹp không chê được. Mối lái các nơi, nhà hàng karaoke, trò chơi điện tử tìm đến đặt hàng làm không kịp, tivi trong cửa hàng lên đến hàng trăm.

Tôi xây lại cho mẹ căn nhà mới đủ tiện nghi, mua thêm xe máy và đất ở trên quê. Suốt đời mẹ khổ cực vì tôi, chỉ sung sướng bên tôi vỏn vẹn được hai năm mẹ đã ra đi vĩnh viễn sau cơn tai biến. Đưa mẹ về quê an nghỉ, cả tháng tôi thẫn thờ. Mẹ là chỗ dựa tinh thần của tôi những lúc cực kỳ khó khăn đã không còn nữa.

Năm 2003, khu vực Cống Bà Xếp giải tỏa để cải tạo hệ thống thoát nước Nhiêu Lộc, trong đó có nhà tôi, cùng thời gian này tivi màu chuyển hệ cũng nhường bước cho các tivi đẹp hiện đại hơn.

Hôm nay tôi đã về định cư trên vùng đất quê cũ, ngồi bên mộ mẹ, cạnh con đường đi học thời thơ ấu, tôi nguyện trong lòng sẽ ở mãi nơi này.

NGUYỄN VĂN ĐẨU (Tây Ninh)

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Store