ZingTruyen.Store

Cam Hung Lich Su Luc Biet Xuyen Khong Thi Da Muon


Giáo dục thể chất Trường Đại học Ngoại thương: Bơi ếch!

Học tại: Bể bơi Mỹ Đình - nơi vận động viên bơi Quốc gia tập luyện.

Nam bơi năm mươi mét, nữ bơi ba mươi mét được tính là qua môn.

Cái thời ngây dại chỉ nghĩ đến mình có thể mặc bikini bơi trong hồ sang trọng ở những khu nghỉ dưỡng năm sao, nào biết sẽ có một ngày tôi hùng hục bơi như một kình ngư giữ lúc chiến loạn. Đã vậy còn vừa bơi vừa cầu nguyện mình không trúng tên!

Tới lúc an toàn lên tới bờ tôi đã thở không ra hơi. Bơi ở bể vốn không có sóng, Cùng Giang nước lại chảy xiết, sóng ép tới mức lồng ngực đau nhói vì áp lực. Hai chân tôi đi chẳng vững chỉ trực chờ díu lại với nhau nhưng tôi hiểu phải mau cứu Long Đĩnh trước.

Tôi tới bên nơi binh lính vừa vớt y lên, gọi:

"Chúa thượng! Chúa thượng!" - Long Đĩnh không trả lời. Tôi bạo gan vỗ nhẹ vào mặt y - "Chúa thượng! Người nghe Đam gọi không?" - Long Đĩnh vẫn chẳng mảy may hồi đáp.

Tôi bắt đầu phát hoảng, toàn thân Long Đĩnh tím tái, lạnh ngắt không có dấu hiệu của sự sống, mạch đập rất yếu. Tôi gọi hai binh lính mau mau tới phụ giúp cởi giáp sắt rồi áp tai lên lồng ngực. Dù lồng ngực vẫn còn di động song tim chỉ đập thoi thóp, đồng tử giãn ra. Tôi bóp hàm răng đang cắn chặt của Long Đĩnh, cuốn gấu áo rồi đưa tay vào móc toàn bộ đờm dãi trong họng. Nếu không lấy được hết số đờm dãi này thì Long Đĩnh dù muốn thở cũng không được.

"Chúa... thượng... băng hà rồi!" - Hai binh lính bên cạnh quỳ phục xuống, khóc nức nở.

Tôi cố gắng tỏ ra thật bình tĩnh, gằn giọng:

"Hàm hồ! Còn không mau phụ ta cứu người? Đợi Đô chỉ huy sứ đến sẽ chém sạch cả thảy!"

Nghe tới uy danh Lịch Vũ hai người kia tái mét, lóng ngóng giúp tôi tháo hết giáp sắt trên người Long Đĩnh rồi chà xát liên tục lên người y làm nóng cơ thể. Với chừng ấy thời gian rơi xuống nước và tình hình hiện tại, Long Đĩnh dễ bề bị thiếu oxy do đường thở bị tràn dịch, tăng tiêu thụ oxy, mô phổi bị tổn thương và giảm diện tích khuếch tán.

Long Đĩnh được đặt nằm ngửa. Tôi cởi áo ngoài kê dưới gáy để đầu y hơi ngửa ra sau. Tôi quỳ bên cạnh sát ngang vai, lần tay xuống dưới kiểm tra, xác định xương sườn và xương ức của Long Đĩnh không có tổn thương, tim phổi có dấu hiệu ngưng hoạt động mới dám nhanh nhanh chóng chóng tiến hành CPR(0).

Tay tôi bóp kín hai bên mũi Long Đĩnh, một tay đẩy mạnh cằm xuống cho miệng há ra, đồng thời hít hơi thật sâu, áp miệng sát miệng y rồi thổi hơi vào thật mạnh, sau đấy xác định vị trí xương ức của y, đặt hai bàn tay đè lên nhau vào một phần ba dưới xương ức, ra sức ép mạnh bằng sức nặng của cơ thể xuống làm cho xương ức cùng lồng ngực lún xuống bốn phân.

"Chúa thượng! Người nghe Đam gọi không? Chúa thượng!"

Vẫn chỉ có sự im lặng hồi đáp. Tôi không để tâm, tiếp tục nhịp ép tim thứ hai. Chỉ cần làm đúng tôi sẽ có khả năng cứu được Long Đĩnh, chỉ cần làm đúng Long Đĩnh sẽ tỉnh lại. Hai binh lính đứng bên thấy tôi không còn kiểm soát được nữa liền tiến tới vừa khóc thương vừa kéo tôi ra. Tôi hất tay thật mạnh, kiên quyết tiếp tục sơ cứu. Sau mỗi lần ép tôi nhấc nhẹ tay lên cho lồng ngực trở lại vị trí ban đầu. Duy trì nhịp độ 80-100 lần/phút. Cứ thổi ngại hai, ba lần lại ép tim liên tiếp mười lăm lần. Dù cho hai tay rã rời, dù cho hôm nay tôi có chết ở đây đi chăng nữa thì Lê Long Đĩnh phải sống sót trở về, nhất định là vậy!

Vô vọng!

​​ Toàn thân Long Đĩnh lạnh ngắt, nhãn cầu mềm, các mảng tím tái trên da xuất hiện, tim gần như ngừng đập, toàn thân cứng đờ.

Tới lúc này nước mắt tôi rơi lã chã không còn kiếm chế được. Những mảng ký ức tối tăm hiện về, ngày một rõ nét và ám ảnh. Không thêm một ai cả, không một ai được phép chết vì đuối nước trước mặt tôi.

Quân Man đã chạy được vào bờ, xôn xao chẳng còn cách chỗ Long Đĩnh nằm là bao. Tôi khóc nức nở nhưng dù một giây cũng không dám dừng lại mà chỉ ra sức cấp cứu. Hai binh lính bên cạnh hết cách liền lập tức xông ra ngoài, thay tôi đối phó với đám người đang tróc nã chúa thượng kia.

"Lê Long Đĩnh! Người nghe thấy không? Lê Long Đĩnh!"

Long Đĩnh từ toàn thân tím tái dần trông hồng hào có sức sống hơn. Tôi quệt nước mắt mừng mừng tủi tủi CPR không ngừng. Y ho một tiếng, nước trong bụng trào ra. Tôi vỡ oà trong vui sướng, vừa ấn tim vừa lớn tiếng gọi:

"Chúa thượng, chúa thượng! Người nghe thấy Đam chứ? Mau mở mắt ra nhìn Đam đi!"

Mất thêm một lúc nữa, xác định Long Đĩnh đã có thể tự hô hấp được tôi mới ngừng tay. Sợ y có di chứng gì tôi liền ghé tai hỏi:

"Chúa thượng, người nhận ra Đam chứ?"

Long Đĩnh từ từ mở mắt, ho mấy tiếng, môi mấp máy gì không rõ. Tôi ghé sát lại gần, y thều thào:

"Nhận ra, là một kẻ đáng ghét."

Tôi tẽn tò. Hình như vừa nãy tôi thực hiện sai động tác rồi? Nhẽ ra tôi không nên ép tim mà phải ép cho cái nết Lê Long Đĩnh tốt lại. Sao tôi có thể quên mất Lê Long Đĩnh là người có tính khí thế nào chứ?

Lúc này giặc Man đã bị quân triều đình cùng quân họ Kiều ép cho chạy lên bờ. Dù là vậy đi chăng nữa nếu Long Đĩnh bị bắt ở đây rất có thể cục diện trận chiến sẽ thay đổi hoàn toàn. May mắn thay ngay từ đầu chúa thượng được vớt lên ngay trong bụi lau rậm rạp, trong giây lát vẫn chưa quá nguy hiểm nhưng về sau thì khó lòng nói trước được. Đến đây tôi chưa kịp mừng thầm thì nghe một tiếng người thét lên rất to rồi kế đó im bặt. Tôi nín thở hé mắt qua những cây lau cao quá đầu người, nhìn về phía đấy. Một trong hai binh lính vừa bị chặt đầu, máu đỏ tưới ướt đẫm phù sa, người còn lại áng chừng cũng chẳng thể trụ được thêm bao lâu nữa. Tôi dùng cả hai tay lên bịt miệng chính mình, chỉ sợ rằng một tiếng động nhỏ lộ ra cũng khiến cả tôi và Long Đĩnh sẽ bỏ mạng ở đây.

Tiếng ngựa hí vang dồn phía xa tựa như có ngàn vạn người đang ập tới. Kỵ binh? Sao lại có kỵ binh nơi này? Tôi lờ mờ đoán được bởi từ lúc trận chiến bắt đầu đến nay vẫn không thấy bóng dáng Lịch Vũ trên bất kỳ chiến thuyền nào. Vậy người dẫn đầu toán quân thứ ba chặn đường rút lui của địch chỉ có thể là Đô chỉ huy sứ!

Nhưng có lẽ chúng tôi chẳng thể chờ đợi được cho đến khi Lịch Vũ tới nơi. Quân Man rẽ từng bụi lau đi truy tìm, tiếng sột soạt gần đến mức tôi cảm nhận rõ được từng đường gân thớ thịt của mình căng cứng mỗi khi âm thanh đấy sát thêm một phần. Cái chết đã rất gần, rất gần rồi. Điều cuối cùng tôi muốn làm trong cuộc đời này? Quân tử báo thù lúc chết vẫn kịp. Tôi bịt miệng Long Đĩnh lại rồi gõ "boong" một cái lên trán y. Này thì cái tội bắt nạt tôi bao lần, sống ít có ác đức lắm!

Long Đĩnh có vẻ quá bất ngờ đến mức ngây ngốc cả người nhưng tôi chẳng dại gì mà ngồi thần ra đó, vội vàng khoác đại bộ áo giáp của rồi lao ra ngoài. Đến bước đường này chỉ có thể học theo Lê Lai(1) cứu chúa!

Quân Man thấy người mặc chiến bào của chúa thượng liền lập tức chạy theo. Tôi rẽ hướng ngược lại với hướng Long Đĩnh đang nằm, chạy ziczac về phía bờ sông. Lý do "chạy ziczac" không phải "chạy thẳng" là bởi vì khi bị truy sát, nếu chạy theo một đường thẳng khả năng bị bắn trúng sẽ cao hơn. Với lợi thế thân hình nhỏ cùng khả năng chạy trốn được nâng lên sau mỗi lần gây chuyện tôi đã bứt tốc đến bờ sông. Trước khi mũi tên cuối cùng của quân Man găm thẳng vào chân, tôi nhảy lên rồi lao vào dòng nước lần nữa.

Trăm tính vạn tính, duy chỉ có điều tôi không tính ra bộ giáp của Long Đĩnh nặng tới vậy.

Tôi không thể cựa quậy, dần dần chìm vào giữa lòng Cùng Giang.

_____

Chú thích:

(0) CPR: viết tắt của Cardiopulmonary Resuscitation - Sơ cấp cứu ngưng tim phổi.

(1) Lê Lai cứu chúa: Lê Lai cứu chúa: Lê Lai là một viên tướng nổi tiếng của khởi nghĩa Lam Sơn, có công lao rất lớn giúp đỡ Lê Thái Tổ (Lê Lợi) gây dựng sự nghiệp. Khi bị giặc Minh vây bắt, Lê Lai xin thay mặc áo hoàng bào, đóng giả Lê Lợi dẫn dụ giặc Minh, cứu chúa thoát khỏi vòng vây.

Đại Việt thông sử chép: "Lê Lai... tự nguyện thay đổi mặc áo bào nhà vua, xưng là vua Lê ở Lam Sơn, dẫn quân ra đánh nhau với quân Minh... Lê Lai chống cực đến kiệt sức thì bị bắt, quân Minh dẫn Lê Lai về thành Đông Quan giết chết." (Đế kỉ, Thái Tổ Thượng).

**

Thông tin từ tác giả:

1. Thời Lê Thái Tổ Lê Lợi là thời Hậu Lê, diễn ra sau bối cảnh của truyện (thời Tiền Lê) hơn 400 năm.

2. Thông tin ngoài lề:

Sau này Lê Lợi lên ngôi, trước lúc băng hà ngài vẫn dặn con cháu rằng có được giang sơn một phần công lớn của Lê Lai, do đó phải làm giỗ Lê Lai trước Lê Lợi. Ngày 22/4/1433, Lê Lợi mất, Lê Lai được con cháu đời sau của Lê Lợi làm giỗ vào ngày 21/8. Cũng từ điển tích này mà tạo thành câu "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi."

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Store