ZingTruyen.Store

Big Event Road To Triumph

Nhật ký ngày... tháng... năm...

Hôm nay tôi đã có dịp tham dự một buổi họp báo ra mắt tác phẩm văn học đầu tiên của một tác giả mới vào nghề. Nhìn cô gái trẻ niềm nở với thành công đầu đời, với nụ cười tràn đầy tình yêu văn học, tôi lại nhớ về bản thân khi trước, cũng đã yêu văn chương như thế.

Ba tôi là nhà văn, một nhà văn nghiệp dư không có gì nổi trội và viết chỉ để thỏa mãn tình yêu văn chương trong lòng ông. Ông thường viết về Châu Âu hoa lệ, những mảng mưa buồn và những đêm tối ở Paris lạnh ngắt. Ông nói với tôi vào một đêm hè khi ôm tôi vào lòng ru tôi ngủ thuở tấm bé:

"Ba tưởng tượng những thứ hoa lệ trong văn chương của mình là những thứ ba hằng mong ước, nhưng chẳng với tới được."

Khi đó tôi chẳng hiểu, chỉ ngáp ngắn ngáp dài và nghĩ ba đang trút ra những phiền muộn của mình mà thôi, ba tôi lúc nào cũng thế. Tình yêu văn chương của ba dễ bị xao động, ba không thể thành công và rồi luôn thủ thỉ với tôi rằng ba thất vọng, hụt hẫng đến nhường nào. Tôi khi đó chỉ biết ba mong ước có một thành công nào đó trong những tác phẩm của mình. Tôi thương ba và muốn mang cái mơ ước đó về cho ba. Với giọng ngây ngô của một đứa con nít còn chưa biết cầm bút, tôi cười toe toét và hứa một lời hứa hết sức "nhẹ nhàng" (có lẽ tôi nghĩ thế):

"Sau này con sẽ trở thành một nhà văn thành công thay cho ba nhé!?"

Ba tôi chỉ gật gù cười không đáp và sau đó thúc giục tôi đi ngủ. Kể từ đó, trong những giấc mơ của mình, tôi luôn mơ thấy những con chữ, những lời văn, những tác phẩm dày cộp được bày bán nhiều khắp các tiệm sách, những hàng người chen chúc nhau xếp hàng để mua những cuốn sách bản giới hạn được bày bán đó. Tôi tủm tỉm cười và rồi sung sướng trong giấc mơ của một đứa trẻ chưa biết cay đắng, thất bại.

Lớn thêm chút nữa, tôi bắt đầu viết văn thay vì chỉ ngâm nga những câu vô vị suốt cả ngày cho ba tôi nghe. Tôi bắt đầu trên một trang web mạng khá nổi tiếng. Lời văn của tôi ảnh hưởng từ ba tôi, tôi viết những ngôn từ hoa mỹ và đẹp đẽ đến độ tôi nghe không hiểu, cả câu như chẳng biết đang nói về cái gì, và cuối cùng tôi nhận về cho tác phẩm của mình những lời nhận xét như "vô vị" và "sáo rỗng".

Tôi cảm thấy những lời nhận xét đó chẳng sai, nhưng tôi buồn và cảm thấy tuyệt vọng. Trái tim tôi thổn thức cả tháng trời vì có một khởi đầu không như ý, nhưng tôi vẫn còn cứng đầu đến độ chẳng muốn bỏ cuộc. Rồi, tôi viết tiếp. Tôi viết miệt mài chỉ để chứng tỏ mình không phải kẻ dễ bỏ cuộc, lần này tôi viết đúng những gì mình nghĩ, tôi viết bằng đúng ngôn từ tôi có thể hiểu, khi đó tôi dám chắc sẽ chẳng ai chê trách được gì vì tôi đã viết bằng toàn bộ thời gian của mình để chứng minh bản thân có thể thành công và không bỏ cuộc. Nhưng, những lời tôi nhận lại tiếp tục là sự thất vọng. Những câu nhận xét đại loại như "lời văn của bạn quá khô khan", "không đặt cái tâm của mình vào tác phẩm", "không có tí cảm xúc nào cả" và hàng tá thứ khác.

Tôi tệ đến như vậy ư? Sau một thời gian dài vật lộn với văn chương nhưng chẳng có kết quả, tôi mới hiểu tại sao ba tôi lại phiền muộn đến như thế. Đây là một lĩnh vực khó thành công và thậm chí là khó được tiếp nhận. Ba tôi có tình yêu với văn chương nhưng thiếu sự thành công. Còn tôi? Tôi thiếu cả tình yêu lần sự thành công mà tôi mong muốn. Khi đó tôi nhận ra mình viết lách chỉ là để thực hiện ước mơ dành cho ba của mình chứ chẳng phải ước mơ mà tôi muốn.

Tôi tâm sự với ba rằng tôi muốn từ bỏ, và sau đó ông im lặng. Ông bỏ vào phòng làm việc và ngồi trong đó suốt mấy tiếng trời, còn tôi thì ngồi suy nghĩ về quyết định của mình. Giữa đêm, ông ra ngoài với đôi mắt díu lại vì mỏi mệt và một xấp bản thảo, dúi vào tay tôi rồi cười bảo: "Hãy tự suy nghĩ cho thật chín chắn đi".

Cầm xấp bản thảo trên tay, tôi đưa lên, đặt xuống, nhìn qua nhìn lại và nhận ra đó là một tác phẩm, có lẽ ba hoàn thành nó trong khi ở trong phòng làm việc cả ngày. Tôi bật đèn bàn lên và bắt đầu đọc. Một tác phẩm không có tiêu đề.

"Có một cô bé nọ, lớn lên trong một gia đình nọ, cô bé có ba và có mẹ yêu thương mình. Ba cô là một nhà văn, ông là một nhà văn thất bại nên không thể cho cô nở mày nở mặt, cũng không thể lo cho gia đình nên ông rất buồn, vì vậy ông đã mơ ước rằng: 'ước gì công việc của mình có thể ổn định hơn để lo chu toàn mọi thứ'. Cô bé được ba yêu thường nhiều, nên cô cũng thương ba lắm. Một đêm nọ, cô bé nhỏ xíu ấy đã hứa rằng sẽ thực hiện ước mơ thay cho ba mình, mặc dù cô chẳng biết ước mơ đó là gì cả, thật ngốc nghếch.

Cô ngày ngày đều chú tâm vào việc học văn, đến mức si mê. Trong giấc mơ cũng đọc lên những câu văn vừa học, trong lúc rảnh rỗi cũng ngân nga không ngớt như một chú chim non ríu rít. Nhìn thấy gì đẹp hay xấu cô cũng đều buột miệng mà làm văn làm thơ cho khuây khỏa nỗi bức bối trong lòng. Trong lòng cô lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc làm văn chương đến nỗi nhiều khi cô đem nó vào cuộc sống mà chẳng nhận thức được.

...

Rồi một ngày kia, cô đem nhưng tác phẩm của mình chia sẻ lên các diễn đàn, lần đầu tiên cô có những độc giả thực thụ ngoài ba cô. Thế gian chắc chắn có nhiều cay đắng hơn cô tưởng, và rồi cô thất bại,cô nản lòng và cô than vãn với ba cô rằng cô muốn từ bỏ.

Ba cô không muốn khuyên cô, vì ông không biết khuyên cô như thế nào. Khuyên cô tiếp tục vì đó là việc cô đã hứa ư? Hay khuyên cô từ bỏ để rồi đánh mất đi tình yêu văn chương luôn ẩn trong mình. Ba nhìn cô lớn lên, và ông biết cô yêu văn chương như thế nào, ông hiểu còn hơn cả cô hiểu. Từ những ngày chỉ nói suông bằng miệng, đến những ngày cầm phấn quẹt nguệch ngoạc, lớn lên đổi sang cầm bút và rồi sau đó là đánh máy thành văn bản điện tử. Văn học là một thứ nhàm chán với những ngôn từ nhiều đến hoa mắt mà ít ai có thể theo lâu được nếu không yêu thích. Chỉ yêu thích thì mới biết văn chương đẹp và cuốn hút đến nhường nào. Một cô bé đã theo văn chương từ khi bé xíu lại không có tình yêu văn chương hay sao?

Người ba đó nhớ hình ảnh một cô bé vì quá chú tâm học văn mà bị điểm liệt hàng loạt các môn học khác, dù vậy vẫn không từ bỏ mà tiếp tục học.

Người ba đó nhớ hình ảnh một cô bé nâng niu từng cuốn sách cũ và trân trọng, thuộc làu từng câu từ trong đó.

Và, người ba đó nhớ một cô bé đã từng đánh nhau với những đứa trẻ khác chỉ vì chúng nói văn chương là rẻ rúng, vô giá trị.

Tình yêu văn chương của cô bé đó đã được truyền sang từ ba của mình, theo ước mơ của ông, và rồi cô phát triển nó trở nên mãnh liệt hơn nhiều lần cái tình yêu của ông ban đầu.

Ông chỉ muốn khuyên cô gái bé nhỏ lỡ bị lung lay bởi thất bại, hãy suy nghĩ chín chắn khi quyết định, đừng đánh mất hay không nhận ra tình yêu của mình.

Người ba đó sẽ mãi theo dõi con gái và chờ con đạt được ước mơ của cả hai ba con, chứ không phải ước mơ của ba."

Đọc xong, lòng tôi lâng lâng một nỗi xúc động, nước mắt trào ra trên hai gò má đỏ ửng, mũi sụt sịt.

Thì ra tôi cũng đã yêu văn chương như thế.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Store